Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển

“Cần tiếp tục lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển. Xác định đầu tư cho con người, cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững” - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh điều này tại Hội thảo đánh giá 10 năm thực hiện chính sách an sinh xã hội Việt Nam giai đoạn 2012-2022: Xu hướng và khoảng trống diễn ra vào ngày 24/4.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia phát triển con người cao

Ngày 1/6/2012, Hội nghị lần thứ 5 ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 đã ban hành Nghị quyết 15 về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, nhằm tập trung cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và đảm bảo an sinh xã hội toàn dân, chăm lo đời sống cho người nghèo và các đối tượng yếu. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15, công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người dân đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các chính sách an sinh xã hội đang dần được tiếp cận theo hướng dựa trên quyền được an sinh của người dân. Quyền của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và những đối tượng yếu thế được đảm bảo tốt hơn. Bốn trụ cột gồm: Nhóm chính sách việc làm và giảm nghèo; nhóm chính sách bảo hiểm xã hội; nhóm chính sách trợ giúp xã hội; nhóm chính sách dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng mở rộng về diện và đối tượng.

Trong 10 năm qua, bình quân mỗi năm cả nước giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 6 đến 8 nghìn trường hợp người có công với cách mạng và hiện cả nước có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng. Bình quân hàng năm giải quyết việc làm trong nước cho 1,5-1,6 triệu người; trên 100 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Số lao động đưa đi tăng dần hàng năm, từ 88.300 người năm 2011 tăng lên 152.530 người năm 2019. Hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài với thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối khoảng 3,5 tỷ USD/năm.  Giai đoạn 2011-2020, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã hỗ trợ tạo việc làm cho trên 1 triệu lao động. Cả nước có 88 trung tâm dịch vụ việc làm công. Giai đọa 2016-2020: đã tư vấn cho hơn 14.573 nghìn lượt người; gần 7.972 nghìn lượt người được giới thiệu việc làm và trên 4.750 nghìn lượt người đã tìm được việc làm.

Giai đoạn 2016-2020 mặc dù điều chỉnh nâng chuẩn nghèo, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm, từ 7,9% năm 2016 xuống còn 2,7% năm 2020 và 2,23% năm 2021. Thu nhập bình quân hộ nghèo cuối năm 2020 tăng 3,5 lần so với năm 2020. Việt Nam đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của LHQ về xóa đói giảm nghèo trước thời hạn 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu trong cuộc chiến chống đói nghèo.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh tính bao phủ, công bằng, toàn diện của chính sách ASXH.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh tính bao phủ, công bằng, toàn diện của chính sách ASXH.

Số người tham gia BHXH tăng từ 10,2 triệu người năm 2021 lên gần 16,6 triệu người vào năm 2021. Cả nước hiện có 3,2 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng. Số người tham gia BHXH tăng từ 7,97 triệu người năm 2011 lên hơn 13,5 triệu người vào năm 2021. Năm 2021 cả nước có 88,8% người tham gia BHYT (tăng hơn 58,5% so với năm 2011) chiếm 91% dân số.

Trong bối cảnh Covid 19, hệ sống an sinh xã hội hiện hành càng khẳng định vai trò quan trọng trong đảm bảo ASXH cho người dân. Nghị quyết 42/NQ-CP cung cấp gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi đại dịch có quy mô 62.000 tỷ đồng. Nghị quyết 68/NQ-CP với 12 chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch là trên 35,9 tỷ đồng, hỗ trợ trên 31,28 triệu đối tượng. Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng Covid 19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Tính đến hết tháng 12/2021, đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho trên 12,8 triệu lao động với số tiền hỗ trợ trêm 30,5 nghìn tỷ đồng…

Đánh giá thành tựu 10 năm và những bài học kinh nghiệm trong thực hiện một số chính sách xã hội, Ts Bùi Tôn Hiến – Viện trưởng Viện KHLĐ&XH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đến nay, hệ thống an sinh xã hội (ASXH) đã tương đối toàn diện, đa dạng, ngày càng mở rộng về diện, đối tượng. Báo cáo phát triển con người của UNDP cho thấy chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam năm 2019 đạt 0,704 được xếp vào nhóm “các quốc gia phát triển con người cao, đứng ở vị trí 117/189 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Các đại biểu tham dự đại biểu.

Các đại biểu tham dự đại biểu.

Đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển

Phát biểu tại hội thảo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi khẳng định, với định hướng chính sách ASXH trong giai đoạn tới: Tiếp tục lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển, đảm bảo các vấn đề xã hội được quản lý và giải quyết bằng công cụ chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế.

“Phát triển hệ thống ASXH toàn diện, bao trùm và bền vững tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách và nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện. ASXH phát triển toàn diện tiến tới bao phủ toàn dân nhất là quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số để không ai bị bỏ lại phía sau”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Quốc gia ILO tại Việt Nam nhấn mạnh rằng, để Việt Nam tiếp tục tiến tới tầm nhìn An sinh xã hội cho toàn dân, Việt Nam phải tiếp tục dành những nỗ lực và nguồn lực đáng kể cho việc tăng cường hệ thống An sinh xã hội trên nhiều chiều cạnh khác nhau.

Ông André Gama, Giám đốc Chương trình ASXH của ILO Việt Nam, nói thêm: “Những cải cách hệ thống ASXH phải phù hợp với thực tế của bối cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam và dựa trên thành công của những tiến bộ đã đạt được trong thập kỷ qua”.

Giám đốc Chương trình An sinh Xã hội của ILO Việt Nam nhấn mạnh, những cải cách như vậy cần được thiết kế và thực hiện dựa trên một loạt các nguyên tắc: Phối hợp và liên kết nhiều hơn giữa các chính sách và can thiệp khác nhau; Hệ thống An sinh xã hội nhạy cảm hơn về giới và phản ứng với sốc; Thiết kế các chính sách và can thiệp dựa trên cách tiếp cận vòng đời;  Đảm Bảo An sinh xã hội không bỏ lại ai phía sau ; Thúc đẩy sự tham gia của nhiều bên liên quan trong quá trình hoạch định chính sách An sinh xã hội; Tăng cường năng lực thể chế ; Tập trung vào các chương trình phổ quát toàn dân và các chương trình bắt buộc và Tăng cường hiệu quả thực hiện chính sách.