Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lễ công bố Việt Nam gia nhập Công ước số 88 và Công ước số 159 của ILO giúp kết nối cung và cầu lao động

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu

Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà; Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam ông Chang- Hee Lee, đại diện các Bộ, ngành, các cơ quan, đối tác ba bên ở Trung ương, địa phương; các hiệp hội doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu và các chuyên gia…

Toàn cảnh buổi lễ công bố 

Bà Valentina Barcucci, Phó Giám đốc Văn phòng ILO tại Hà Nội giới thiệu về nội dung chính
của 2 Công ước

Tại buổi lễ, bà Valentina Barcucci, Phó Giám đốc ILO Việt Nam đã giới thiệu về nội dung chính của Công ước số 88 về Tổ chức dịch vụ việc làm và Công ước số 159 về Phục hồi chức năng lao động và việc làm cho người khuyết tật.

Ông Lê Quang Trung -  Phó cục trưởng phụ trách Cục việc làm, Bộ LĐ-TB&XH báo cáo đánh giá hệ thống dịch vụ việc làm công của Việt Nam.




Chị Nguyễn Ngọc  Yến, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH trình bày dự kiến kế hoạch triển khai thực hiện Công ước

Chị Nguyễn Ngọc Yến, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH đã báo cáo rà soát pháp luật Việt Nam với quy định về tổ chức dịch vụ việc làm của Công ước số 88 và Công ước số 159, và dự kiến kế hoạch thực hiện 02 công ước của ILO.  

Giúp kết nối cung và cầu lao động hiệu quả hơn

Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam ông Chang- Hee Lee cho biết, Công ước số 88 với mục đích kết nối cung cầu lao động, giúp người sử dụng lao động tìm kiếm các ứng viên tiềm năng, người lao động; người khuyết tật có cơ hội tìm kiếm việc làm. Việc gia nhập công ước sẽ thúc đẩy việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả tại Việt Nam.

Việc gia nhập Công ước số 159 của ILO góp phần tiếp tục hoàn thiện các chính sách và thể thế của thị trường lao động Việt Nam theo hướng hiện đại, đảm bảo quyền của các nhóm yếu thế trong thị trường lao động, khẳng định và triển khai thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam đối với người khuyết tật. 

Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam ông Chang- Hee Lee phát biểu

Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Chang- Hee Lee khẳng định, việc gia nhập hai Công ước số 88 và 159 của ILO giúp kết nối cung và cầu lao động, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển thị trường lao động hài hòa, công bằng cho tất cả mọi người, phù hợp với bối cảnh hiện nay của Việt Nam. ILO cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong việc triển khai và thực hiện hai công ước nêu trên. 

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà khẳng định sự cần thiết của hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về lao động mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đã nhất quán thực hiện trong suốt hơn 30 năm đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh và hướng tới phát triển bền vững. Việt Nam đã thể hiện cam kết của mình trong việc tiếp tục gia nhập và thực hiện các tiêu chuẩn lao động của ILO thông qua nhiều văn kiện, kế hoạch, chương trình hành động quốc gia, của các ngành và các địa phương.

Theo Kế hoạch thực hiện và đề xuất gia nhập các công ước của ILO, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu trình Chính phủ, báo cáo Chủ tịch nước để thông qua việc gia nhập 02 Công ước của ILO. Việt Nam chính thức gia nhập Công ước số 88 về Tổ chức dịch vụ việc làm vào ngày 23/01/2019 và Công ước số 159 về Phục hồi chức năng lao động và việc làm cho người khuyết tật vào ngày 25/3/2019. Hai Công ước sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ 1 năm sau ngày chính thức gia nhập. Việc gia nhập và thực hiện hai Công ước sẽ góp phần thể hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, giúp tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm nói chung, thúc đẩy phát triển hệ thống dịch vụ việc làm theo hướng chuyên nghiệp, bảo đảm quyền lao động khả năng có và duy trì việc làm của người khuyết tật trong thị trường lao động.

Những vấn đề đặt ra theo yêu cầu của Công ước số 88 và Công ước số 159

Bên cạnh những thuận lợi, khi gia nhập hai Công ước cũng đòi hỏi Việt Nam chúng ta phải có nghĩa vụ triển khai thực hiện cụ thể.

Đối với Công ước số 88, Việt Nam cần hoàn thiện pháp luật về tổ chức dịch vụ việc làm bảo đảm sự kết nối tốt hơn giữa hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm và các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy định về chức năng nhiệm vụ, tổ chức, nhân sự, tài chính và việc thu phí của trung tâm dịch vụ việc làm. Việc sắp xếp các trung tâm như vậy cũng phù hợp với chủ trương về tổ chức, sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ quan nhà nước tại nước ta hiện nay.

Đối với Công ước 159, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện và triển khai các quy định pháp luật về đánh giá mức độ khuyết tật theo khả năng lao động; từng bước bảo đảm sự bình đẳng cơ hội thực chất và đối xử công bằng giữa người khuyết tật và người không khuyết tật, người lao động nam giới có khuyết tật với lao động nữ giới có khuyết tật. Đồng thời thực hiện các quy định ưu đãi đối với cán bộ, giáo viên và những người làm những công việc liên quan đến dịch vụ phục hồi khả năng lao động, dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật; có các quy định, chính sách ưu đãi nhằm khuyết khích các cơ sở, doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật.



Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Các hoạt động cụ thể nhằm đảm bảo việc thực thi hai Công ước

Trong thời gian tới, nhằm đảm bảo việc thực thi hai Công ước, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số hoạt động cụ thể:

Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến các quy định của hai Công ước đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Thứ hai, xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan có liên quan để giám sát việc triển khai thực hiện hai Công ước trên thực tế. Hình thành và cập nhật cơ sở dữ liệu về người khuyết tật thông qua hệ thống từ cơ sở đến Trung ương của các ngành hoặc thông qua phân tích số liệu từ các cuộc Tổng điều tra dân số, các cuộc khảo sát của Tổng cục Thống kê.

Thứ ba, từng bước tổ chức lại hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, bảo đảm sự tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương và kết nối giữa các địa phương, ngành. Đánh giá định kỳ chất lượng các trung tâm dịch vụ việc làm, hướng nghiệp, đào tạo nghề, tuyển dụng cho người lao động, đặc biệt cho người lao động là người khuyết tật.

Thứ tư, có cơ chế tạo nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm phục vụ cho việc thực hiện các chức năng của thị trường lao động chủ động và sáng tạo; đăng ký và chi trả bảo hiểm thất nghiệp, duy trì và phát triển sàn giao dịch việc làm. Đồng thời cần có lộ trình cải tạo các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng và có sự điều chỉnh hợp lý tại nơi làm việc phù hợp với đặc điểm thể chất, tinh thần của người khuyết tật, bao gồm cả nguồn lực từ Nhà nước, cùng với sự tham gia của các nguồn lực xã hội hóa trong nhân dân.

Thứ năm, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách về dịch vụ việc làm, dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho người khuyết tật, nơi có sử dụng lao động là khuyết tật. Cần có sự liên thông của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc làm, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở trợ giúp xã hội thì mới bảo đảm hỗ trợ một cách hiệu quả cho người khuyết tật.

Thứ sáu, báo cáo định kỳ hoặc báo cáo đột xuất về các biện pháp đã tiến hành để tạo hiệu lực cho các điều khoản của Công ước theo quy định tại Điều 22 Điều lệ của ILO. 
 

Công ước số 88 của ILO về tổ chức dịch vụ việc làm là công ước kỹ thuật của ILO về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của hệ thống dịch vụ việc làm công. Tính đến tháng 8/2018, trên thế giới có 91 quốc gia là thành viên của Công ước số 88. Việt Nam chính thức gia nhập gia nhập Công ước số 88 ngày 23/01/2019 và sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam vào ngày 23/1/2020.

Công ước số 88 bao gồm 22 điều, trong đó có 12 điều về nội dung. Các Điều 13 và Điều 14 là các quy định về việc áp dụng cho các lãnh thổ phi chính quốc; từ Điều 15 đến Điều 22 là các quy định về thủ tục. Nội dung của Công ước bao gồm 4 nội dung chủ yếu: Trách nhiệm của Chính phủ; Chức năng của dịch vụ việc làm công; Tổ chức của tổ chức dịch vụ việc làm công; Nhân sự của tổ chức dịch vụ việc làm.

Công ước số 159 của ILO về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật là công ước kỹ thuật của ILO nhằm mục đích bảo đảm sự bình đẳng trong cơ hội và đối xử đối với tất cả mọi người khuyết tật, ở cả khu vực thành thị và nông thôn, trong việc làm và trong sự hòa nhập cộng đồng. Công ước đưa ra các yêu cầu về phục hồi khả năng lao động và việc làm cho người khuyết tật, quy định việc điều chỉnh và đánh giá các tài liệu hướng dẫn nghề nghiệp, dạy nghề, bố trí việc làm và dịch vụ thất nghiệp cho người khuyết tật. Công ước số 159 được thông qua ngày 20/6/1983 tại Hôi nghị toàn thể của Tổ chức lao động quốc tế (ILC) lần thứ 69 tại Giơ-ne-vơ. Đến tháng 10/2018 đã có 83 quốc gia gia nhập Công ước thành viên của công ước số 159 ngày 25/3/2019 và sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam vào ngày 25/3/2020.

Công ước số 159 bao gồm 17 điều, trong đó có 09 điều về nội dung. Các điều từ Điều 11 đến Điều 17 là các quy định về thủ tục. Nội dung của Công ước bao gồm nội dung chủ yếu: Định nghĩa và phạm vi áp dụng; Trách nhiệm của Chính phủ và các nguyên tắc của chính sách về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm; Các biện pháp, hành động cần thiết để thực thi các chính sách về phục hồi chức năng lao động và việc làm cho người khuyết tật; Đội ngũ làm công tác về phục hồi chức năng lao động và việc làm cho người khuyết tật.

Việt Cường / TC Gia đình & Trẻ em