Lễ hội cầu ngư luôn được tổ chức trang trọng, hoành tráng. Ảnh: KT
Thành kính trước biển mênh mông, huyền bí
Trước biển cả mênh mông và huyền bí, con người trở nên nhỏ bé. Tuy nhiên, con người từ ngàn đời đã gắn với biển cả để mưu sinh, vì vậy, người ta tìm cách để chung sống yên bình với biển. Thái độ tôn trọng, thành kính trước thiên nhiên có nhiều điều hay.
Ở tất cả các vùng biển Việt Nam đều có lễ hội. Vùng Quảng Ninh: Hội Đức Thánh Trần, Lễ hội Bạch Đằng, Lễ hội Đền Cửa Ông…; Hải Phòng có: Hội Chọi trâu, Hội Đền Bà, Hội đua thuyền…; Thanh Hóa có: Hội Đền Độc Cước, Đền Bà Triệu; Nghệ An có: Hội Đền Cuông, Đền Cờn, Lễ hội Cầu ngư. Các tỉnh miền Trung và miền Nam cũng có nhiều lễ hội như: Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (Lý Sơn, Quảng Ngãi); Hội lễ Hò khoan, Lễ hội đua thuyền truyền thống (Quảng Bình); Lễ hội Bà Thu Bồn (Quảng Nam), Lễ hội Long Chu (Hội An, Quảng Nam); Lễ hội Đổ Giàn (Bình Định); Hội lễ Pô Nagar, Lễ hội Yến Sào (Nha Trang, Khánh Hòa); Lễ hội Nghinh Ông (Bà Rịa - Vũng Tàu); Lễ Cúng biển Mỹ Long (huyện Cầu Ngang, Sóc Trăng); Lễ hội Vía Bà (Cà Mau); Lễ hội Ooc-om-bok và Lễ hội Nghinh Ông - Kiên Hải (Kiên Giang)…
Đặc điểm chung của các lễ hội vùng biển là hoàng tráng và bí ẩn. Những hoạt động đua thuyền trên sông nước náo nhiệt, gay cấn, hấp dẫn và luôn luôn ẩn chứa một điều linh thiêng. Tục lệ tổ chức Lễ hội Cầu ngư, hoặc Lễ hội Nghinh Ông là loại hình lễ hội cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho ngư dân làm ăn trên biển thuận lợi, an toàn. Lễ hội Chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng) cũng nhằm mục đích này. Người ta cho rằng, nhờ có Lễ hội Chọi trâu mà dân biển ít gặp họa.
Thờ Cá Ông - Tục lệ phổ biến của ngư dân
Tục thờ Cá Ông có ở hầu hết các vùng biển Việt Nam vì sau hàng trăm năm, vùng nào cũng có “Ông lụy” (cá voi mắc cạn, chết và dạt vào bờ). Cá Ông ở đây là cá voi lưng xám. Ngư dân cho rằng, đây chính là thần Nam Hải. Theo tục lệ, ai phát hiện được cá voi mắc cạn thì có bổn phận chôn cất và để tang như để tang chính cha mẹ mình. Xác cá được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ. Dân làng còn lấy giấy đỏ đắp vào miệng cá thấm lấy nước dãi, xong đem phơi khô rồi đốt thành tro để chữa bệnh suyễn. Xác cá được mai táng trong đụn cát gần biển. Người phát hiện ra cá voi mắc cạn thì được nhân dân tôn sùng. Hàng năm, dân làng chọn ngày “Ông lụy” để cúng theo nghi thức Nghinh Ông.
Dân biển có câu: “Thấy Ông vào làng như vàng vào tủ”. Theo tín ngưỡng này, Cá Ông lụy và trôi dạt vào làng nào, làng đó muôn đời ấm no. Ba bốn năm sau khi chôn Cá Ông, dân làng cải táng, rồi đem cốt nhập lăng và tế chung. Đối với xương Cá Ông to lớn thì dân làng đem vào hòm để đưa về làng thờ. Với trường hợp cá nhỏ, người ta sẽ cho trực tiếp vào hòm và đem về thờ. Khi cúng tế Cá Ông, dân làng đồng thời cúng các vong hồn ngư dân chết ngoài biển. Do vậy, lễ hội này rất nhiều người tham gia cúng tế, tạo nên khung cảnh nhộn nhịp, linh thiêng trong cả một vùng rộng lớn.
Hiện nay, trên thế giới, người ta cấm đánh bắt cá voi (chỉ cho phép đánh bắt với mục đích nghiên cứu). Còn ngư dân Việt Nam thì không bao giờ đánh bắt, không ăn thịt cá voi. Họ coi cá voi như một đấng linh thiêng ở biển. Họ tỏ lòng biết ơn đối với cá voi, vì trong tâm thức, nhiều người vẫn tin về sự giúp đỡ của cá voi khi dân gặp tai nạn ngoài biển.
Lễ hội Nghinh Ông. Ảnh: KT
Lễ hội Cá Ông - Trang nghiêm và rộn rã
Mỗi vùng có thể có những cách thức tổ chức lễ hội Cá Ông khác nhau, vì vậy tên gọi cũng khác nhau, như: Lễ rước cốt Ông, Lễ Cầu ngư, Lễ tế Cá Ông, Lễ cúng Ông, Lễ Nghinh Ông, Lễ nghinh Ông Thủy tướng… Khác nhau về tên gọi nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng Cá Ông là đấng thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Điều này đã ăn sâu trong tâm thức các thế hệ người dân vùng biển. Ở mỗi địa phương, lễ hội này diễn ra vào một thời điểm khác nhau, nhưng giống nhau ở sự hoành tráng, thiêng liêng, huyền bí. Mọi lễ hội đều có phần thi đua thuyền trên sóng nước.
Lễ hội Nghinh Ông là ngày tưng bừng, rộn rã đối với người dân vùng biển. Có cả hoạt động trên biển và trên đất liền. Có một đoàn thuyền ra biển làm lễ đón rước. Khi đoàn ghe ra khơi nghinh Ông trở về, hai bên bờ sông, các ghe thuyền đều chăng kết hoa, bày lễ cúng và đốt pháo hoa. Nơi thờ Cá Ông được gọi là Miếu Ông, hoặc Lăng Ông. Ở những nơi này diễn ra nghi lễ cúng bái nghiêm cẩn.
Lễ hội là dịp để người dân làm nghề biển bày tỏ lòng thành kính với các đấng siêu nhiên, đồng thời sử dụng thời gian này để nghỉ ngơi, thư giãn, lấy lại thăng bằng sau những ngày lao động vất vả. Việc thờ Cá Ông được xem như một cách đền ơn đáp nghĩa theo luật nhân quả của đạo Phật; Cá Ông như “Thần hộ mệnh” giữa biển khơi mênh mông đầy sóng gió.
Trong những năm tháng chiến tranh, Lễ hội Cá Ông có phần mai một, nhưng hiện nay đã được phục dựng khá đầy đủ. Đây chính là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng nhất ở vùng biển.
Nguyên Hồ/Tạp chí GĐ&TE