Từ xa xưa, trong quan niệm của những ngư dân, cá "Ông" là một sinh vật thiêng liêng, cứu giúp ngư dân khỏi những nguy hiểm trên biển, chính vì vậy, lễ hội Nghinh Ông được xem là một tín ngưỡng quan trọng, thể hiện đậm nét dấu ấn văn hóa dân gian đặc sắc của những ngư dân vùng biển.
Tại Bạc Liêu, lễ hội Nghinh Ông thường được tổ chức trong 3 ngày từ mùng 8 -10 tháng Giêng với nhiều hoạt động phong phú mang đậm nét văn hóa của ngư dân miền sông nước, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách.
Lễ hội Nghinh Ông ở Bạc Liêu được tổ chức với 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ thường được tổ chức vào ngày mùng 9 với lễ tế và lễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển được tổ chức trang trọng, ngư dân trong trang phục chỉnh tề tập trung trước Lăng Ông để chờ được ra biển Nghinh Ông.
Tại vùng sát bờ biển, hàng trăm ghe tàu đánh bắt của ngư dân đã tề tựu sẵn được trang trí đèn, hoa, những lá cờ với màu sắc rực rỡ và những mâm lễ cúng trang trọng. Từng đoàn tàu thuyền nối đuôi nhau diễu hành ra khơi cúng Ông tạo nên một bầu không khí sôi nổi, tái hiện rõ nét văn hóa dân gian đặc trưng của người dân miền biển.
Với ngư dân lao động trên biển, đây là dịp để họ cùng nhau cầu nguyện cho sóng yên, biển lặng, mùa đánh bắt bội thu, an toàn. Với những du khách tham gia lễ hội, đây sẽ là dịp họ được tận hưởng và tận mắt thưởng ngoạn nét đẹp văn hóa tín ngưỡng truyền thống của ngư dân.
Sau phần lễ trang nghiêm, phần hội với những hoạt động phong phú, sôi nổi diễn ra thu hút hàng nghìn người tham gia. Tại đây, ngư dân Gành Hào cùng với những người dân khác sẽ cùng nhau trải nghiệm, tham gia các trò chơi như bắt vịt trên biển, đá bóng cà kheo, đánh bi sắt, chạy marathon, bóng chuyền bãi biển, cờ tướng, triển lãm thành tựu nghề biển và các ngành nghề khác của địa phương.
Song song với các hoạt động văn hóa, giải trí, khi tham gia lễ hội, du khách còn được các ngư dân bản địa mời thưởng thức những sản vật biển và giao lưu, trò chuyện thân tình.
Theo ông Huỳnh Chương, Xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu), ngư dân chúng tôi rất tín ngưỡng ngài nên các ngày mùng 8 mùng 9 tháng Giêng là làm lễ cho ngài để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, bà con làm ăn trên biển thuận buồm xuôi gió.
Ngoài các hoạt động văn hóa truyền thống của ngư dân, Lễ hội Nghinh Ông Duyên Hải là dịp để tỉnh Bạc Liêu quảng bá hình ảnh, giới thiệu các điểm du lịch sinh thái ven biển, phong tục, tập quán của ngư dân Bạc Liêu với ngư dân, du khách phương xa.
Chính quyền địa phương đã và đang xây dựng và đưa lễ hội, tổ chức vào dịp đầu tháng Giêng này trở thành Lễ hội tiêu biểu của Bạc Liêu
"Trở thành một nét văn hóa tín ngưỡng quan trọng được lưu giữ từ đời này sang đời khác, lễ hội Nghinh Ông là dịp để ngư dân tạ ơn những vị thần bảo hộ trên biển, cầu mong một mùa đánh bắt bội thu, an toàn, làm ăn phát đạt, giúp họ tự tin khai thác những sản vật biển phát triển kinh tế của bản thân và đặc biệt là giữ gìn, phát huy nét văn hóa dân gian đặc sắc của ngư dân vùng biển Gành Hào", ông Chương chia sẻ.
Bên cạnh đó, Lễ hội cũng là dịp để người dân giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng ngư dân, dân cư ở địa phương và các tỉnh lân cận như Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang… Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, đặc biệt là lễ diễu hành đón Ông từ ngoài biển vào lăng để làm lễ cúng tế, tạ ơn theo phong tục tập quán của ngư dân tại địa phương.
Lễ hội cũng chính là cơ hội để Bạc Liêu thu hút khách du lịch, giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của người dân đồng thời tạo điều kiện để vừa lưu giữ, phát huy những văn hóa đẹp vừa tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.