Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lễ hội thiêng liêng của đất nước


“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ tổ mùng mười tháng ba”
 
Đền Hùng là nơi đặt nền móng cho lịch sử Việt Nam... Đền Hùng là một di tích vô giá của nhân dân Việt Nam. Đây là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt Nam - một dân tộc đã có truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm".
 
Ngày Giỗ tổ Hùng Vương trở thành ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam để tưởng nhớ công ơn các vị vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Lễ được tổ chức hằng nằm vào ngày 10/3 Âm lịch tại Đền Hùng - Việt Trì - Phú Thọ. Đến hẹn lại lên, đến ngày này, người dân khắp nơi trên mọi miền đất nước và cả những Kiều bào ở nước ngoài quy tụ về đây để tưởng nhớ công ơn các vị Vua Hùng. 
 
Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là các thủy tổ của người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Thời kỳ Hùng Vương là một giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử dân tộc. Chính thời kỳ này đã xây dựng nên một nền tảng của dân tộc Việt Nam, nền tảng văn hóa Việt Nam và truyền thống yêu nước. Trải qua 18 đời Vua Hùng với những biến cố lịch sử, những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã chứng minh được lòng yêu nước, tinh thần dân tộc.
 
Giỗ tổ Hùng Vương không phải chỉ đề cao niềm tự hào dân tộc mà còn nhắc nhở chúng ta phải tìm hiểu thấu đáo bản sắc dân tộc, nguồn cội của tổ tiên. Qua đó, mỗi người không ngừng học tập, rèn đức, luyện tài để phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước. Có như vậy, chúng ta mới xứng đáng với công lao của các thế hệ anh hùng dân tộc, với tổ tiên ta ngày trước. Giỗ tổ Hùng Vương là dịp để chúng ta nhìn nhận lại những biến cố của đất nước qua các thời kỳ, đồng thời đặt ra những nhiệm vụ mới cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Trải qua các thời kỳ thăng trầm khác nhau, và để có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ công lao vĩ đại của cả một dân tộc anh hùng. Chúng ta tự hào là con Rồng cháu Tiên, là con cháu của các vị Vua Hùng đã gây dựng nên đất nước Văn Lang, Âu Lạc và đánh thắng giặc ngoại xâm, làm nền móng cho nước Việt Nam ngày nay. Đó là những ngày đầu hoang sơ nhất nhưng đã mở ra một thời kỳ lịch sử huy hoàng cho dân tộc. Chúng ta phải ghi nhớ công lao to lớn đó và không ngừng học tập, đóng góp cho xã hội, cùng nhau xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển để sánh vai với các cường quốc. Sự ra đời và tồn tại lâu dài của Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng cùng với tín ngưỡng Giỗ tổ Hùng Vương là sự khẳng định niềm tin vào truyền thống dựng nước và giữ nước đối với các thế hệ cha ông đi trước. Chính từ ý nghĩa tâm linh thiêng liêng ấy mà lễ hội Đền Hùng đã trường tồn với thời gian, trường tồn cùng lịch sử dân tộc trong suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó là đời sống tâm linh của dân chúng, được biểu hiện rõ nét qua một hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian cổ truyền. Sinh hoạt văn hóa dân gian này đã thành nhu cầu không thể thiếu đối với các cộng đồng làng xã cư trú quanh Đền Hùng.


 
 Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương. 

 Lễ hội thiêng liêng và mẫu mực của cả nước

Giỗ Tổ Hùng Vương được đánh giá là lễ hội mẫu mực của cả nước. Với mục tiêu tổ chức ngày càng tốt hơn các hoạt động của lễ hội không chỉ trong năm nay mà cả những năm tiếp theo, nhằm gìn giữ bản sắc truyền thống, tạo ấn tượng với đồng bào, du khách khi về với Đất Tổ, đồng thời khẳng định sự khác biệt của Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng với các lễ hội khác, do đó, năm 2019 lễ hội có nhiều nét mới. 
 
Điểm mới đầu tiên dễ nhận thấy đó là trong công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, các cơ quan chức năng đều hướng tới mục tiêu: Lễ hội kiểu mẫu. Năm nay, trong chương trình diễn xướng cũng sẽ có các tiết mục đờn ca tài tử, hát múa Ví Dặm và múa xòe Thái của đoàn nghệ thuật TP. Cần Thơ; Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ - tỉnh Nghệ An và đoàn ca múa nhạc tỉnh Sơn La. Ngoài ra, có nhiều tiết mục hấp dẫn, đặc sắc của các huyện, thành, thị trong tỉnh tham gia như: Trình diễn hát “Chầu văn” - huyện Hạ Hòa; tái hiện cảnh diễn “Vua Hùng dạy dân cấy lúa” - TP. Việt Trì; trình diễn trò “Tứ dân chi nghiệp” - Lễ hội Trò Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao; múa “Chim gâu xúc tép” và trình diễn nghệ thuật “đi cà kheo” của người dân tộc Cao Lan, huyện Đoan Hùng; “Múa Chuông”, “Sinh tiền” của người dân tộc Dao, huyện Tân Sơn; diễn tấu “Cồng chiêng, chạm ống” - dân tộc Mường, huyện Thanh Sơn; múa “Sênh tiền” của người Mường, Yên Lập…
 
Trong các hoạt động tổ chức Giỗ Tổ tiêu biểu như: Tổ chức hội trại văn hóa, các chương trình văn hóa nghệ thuật, các hoạt động thể dục, thể thao và trò chơi dân gian truyền thống, triển lãm ảnh nghệ thuật, hoa cây cảnh, hội sách… sẽ được thực hiện theo phương châm tăng cường xã hội hóa và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư. Đáng chú ý, lễ hội dân gian đường phố năm nay sẽ hạn chế trình diễn mô hình mà tăng diễn xướng dân gian, tăng tính nghệ thuật của các tiết mục biểu diễn, đồng thời vận động sự tham gia của người dân, cộng đồng dân cư… 
 
Điểm mới đáng chú ý thứ năm trong Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay là cùng với việc tổ chức dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng ngày 10/3, tỉnh Phú Thọ đã tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích các gia đình trên địa bàn tỉnh có mâm cơm do gia đình tự chuẩn bị để thắp hương tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên, nhằm gắn kết các thành viên trong gia đình, cộng đồng, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, góp phần thực hành tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng, thờ phụng tổ tiên. 

Đáng chú ý, lễ hội dân gian đường phố năm nay sẽ hạn chế trình diễn mô hình, mà sẽ tăng diễn xướng dân gian, tăng tính nghệ thuật của các tiết mục biểu diễn, đồng thời vận động sự tham gia của người dân, cộng đồng dân cư… 
 

Hồng Lĩnh/GĐTE