Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lễ hội tình yêu: Cùng nhau đi suốt cuộc đời

Lễ hội tình yêu, đám "cưới vàng" ở Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã trở thành phong tục đẹp, nếp sống quen thuộc từ 15 năm nay.

Gia đình là tế bào của xã hội, tình yêu vợ chồng là hạt nhân nền tảng của gia đình bền vững. Bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình có nhiều nhưng tựu trung trước hết vẫn là tình thương yêu chung thuỷ, sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau.

Lễ hội tình yêu, đám "cưới vàng" ở Cổ Nhuế, Bác Từ Liêm, Hà Nội đã trở thành phong tục đẹp, nếp sống quen thuộc từ 15 năm nay. Cứ đến ngày 8 hoặc 9 tháng Giêng âm lịch, sau Tết Nguyên đán, nhân dân xã Cổ Nhuế trước đây hay 2 phường Cổ Nhuế hiện nay lại nhộn nhịp chuẩn bị cho các cặp "uyên ương" song toàn 50, 60, 70... năm dự lễ mừng "cưới vàng" do Hội Người cao tuổi và Đoàn Thanh niên tham mưu cho đảng uỷ, chính quyền Mặt trận Tổ quốc và Ban Bảo vệ chăm sóc người cao tuổi của phường tổ chức, để tôn vinh một nét văn hóa đẹp từ cuộc sống gia đình, bằng tình yêu lứa đôi đã cùng nhau đi qua nửa thế kỷ vượt bao khó khăn xây dựng gia đình hạnh phúc

Những bộ cánh, khăn xếp áo vàng, lụa tím, áo the, áo dài, com lê và những bó hoa rực rỡ tôn lên nụ cười rạng rỡ hân hoan trên những khuôn mặt không giấu được những nét khó nhọc của thời gian. Thống kê 3 năm đầu từ 2005 - 2008, 138 cặp vợ chồng song toàn đã được tôn vinh, trong đó có 1 cặp 80 năm, 3 cặp 70 năm, 30 cặp 60 năm. Lễ hội tình yêu năm 2020 của phường Cổ Nhuế 2 đã tổ chức mừng "cưới vàng", tôn vinh 22 cặp vợ chồng tròn 50, 60 năm ngày lên xe hoa.

Lễ hội tình yêu: Cùng nhau đi suốt cuộc đời - Ảnh 1.

Con cháu mừng cưới vàng của bố mẹ, ông bà ở Cổ Nhuế.

Các cặp vợ chồng cao tuổi hôm nay đã trải qua bao năm tháng mặn nồng, đói no, vất vả, xa cách và chờ đợi, chiến tranh và lo toan, có khi gặp mặt giây lát rồi lại vò võ đơn côi, bây giờ răng đã long, tóc đã bạc, chân đã chậm, mắt đã mờ, lưng đã còng nhưng tình yêu của các cụ thì không bao giờ phai nhạt. Trong lời phát biểu chào mừng lễ hội, ông Nguyễn Viết Chiến - Bí thư đảng ủy phường nói: "Tôn vinh những cặp vợ chồng người cao tuổi còn song toàn giữ trọn tình yêu nồng cháy và thuỷ chung trong suốt hơn nửa thế kỷ, thể hiện lòng tôn kính, hiếu nghĩa, chăm lo của lớp con cháu đối với cha mẹ, ông bà, công sinh thành dưỡng dục, mẫu đạo đức, nhân cách trong tình yêu đôi lứa, xây dựng gia đình hoà thuận. Chúng ta đang thực hiện một việc có ý nghĩa thiết thực bảo vệ nền tảng xã hội, bởi gia đình bao giờ cũng là tế bào của xã hội, gia đình hạnh phúc thể hiện sự tươi đẹp và phồn vinh của đất nước".

50 năm, 60 năm…, 80 năm giữ trọn lòng chung thuỷ, của những tình yêu chờ đợi qua chiến tranh là văn hoá. Huyền thoại Việt Nam không biết có bao nhiêu phụ nữ chờ chồng hoá đá thành những vọng phu nhưng chắc chắn có thể đếm được. Còn những "hòn" vọng phu giữa đời thường, qua hai cuộc chiến tranh thật không thể đếm nổi! Những người chồng, họ cảm ơn những người vợ tần tảo suốt cuộc đời, vun vén, nuôi con, chăm sóc gia đình cho những người chồng làm trọn trọng trách nam nhi cùng nước non.

Trong buổi gặp gỡ này, các cụ ông có dịp trở về kí ức ngày "lên xe hoa". Cụ Hà Đăng Nhương ở tổ dân phố số 2, phường Cổ Nhuế 2, nhớ lại: Thời gian tuy xa nhưng mỗi cử chỉ, hành động, sự việc của ngày chúng tôi "về với nhau" như một dấu ấn vĩnh cửu, không bao giờ phai mờ trong tâm trí. Đám cưới hồi ấy chưa có hình ảnh như bây giờ, nhưng những lời chúc tụng của mỗi người đối với cô dâu chú rể thì xưa nay có lẽ vẫn là biểu lộ niềm mong ước cho đôi vợ chồng mới sẽ "mau sinh quý tử", hạnh phúc đến "đầu bạc răng long". Góp nhiều sự kiện là các cụ "lên xe hoa" vào những năm sau Cách mạng Tháng Tám. Cuộc Cách mạng Tháng Tám và tiếp đến là 2 cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm đã tạo ra những đảo lộn sâu sắc trong xã hội Việt Nam. Có những quan niệm, tập quán mới về hôn nhân và gia đình dần dần hình thành, thay thế một số quan niệm cũ. Hình thức đám cưới đời sống mới được phát động từ cuối những năm 40, đầu những năm 50 là nét nổi bật của giai đoạn này. Xuất hiện nhiều đám cưới do cơ quan, đoàn thể đứng ra tổ chức, có khi còn tổ chức cưới ngoài mặt trận, với nghi thức đơn giản, cô dâu, chú rể ăn mặc giản dị, có thể chỉ là bộ thường phục của bộ đội, thanh niên xung phong, hay cán bộ cơ quan nhà nước. Trong đám cưới, bên cạnh lời chúc mừng hạnh phúc lứa đôi còn có những khẩu hiệu nhắc nhở trách nhiệm của mỗi người dân như: "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ", "Tổ quốc trên hết". Vài ngày sau lễ cưới, có khi ngay sau lễ cưới, chú rể lại lên đường ra mặt trận. Trong số các cặp vợ chồng được tôn vinh có tới 3/4 các cụ đã tham gia bộ đội hoặc thanh niên xung phong, chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp chiến trường, có cụ là lão thành cách mạng.

Các cụ bà cũng có dịp được trải lòng mình. Những người phụ nữ với thiên chức làm vợ, làm mẹ, người con, đồng thời làm nhiệm vụ "ba đảm đang", "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" cho tiền tuyến. Nhiều khi trên đất quê hương cũng là trận tuyến đánh quân thù trong những ngày không quân Mỹ đánh phá ác liệt vào Hà Nội. Nhiều cụ bà đã nuôi con chờ chồng 5 năm, 10 năm… đằng đẵng trông đợi, một lòng một dạ phụng dưỡng cha mẹ. Khi chồng về thì vợ đã hết tuổi thanh xuân nhưng tình yêu thì vẫn nồng thắm, vẫn giữ vững niềm tin chung thuỷ son sắt. Câu chuyện của các cụ bà đậm đà những nét riêng tư về phẩm hạnh vợ hiền, dâu con… Đó là: Sống có văn hoá, có đạo đức, biết cách cư xử các mối quan hệ trong cuộc sống, đảm đang, quán xuyến công việc trong gia đình, hết mực thương yêu chồng con. Tạo dựng bầu không khí đầm ấm hoà thuận, vui vẻ, luôn có ý thức khắc phục khó khăn trong cuộc sống. Các tiêu chuẩn đó mới nghe thì đơn giản nhưng trong thời hiện đại này, có thể, vẫn còn một số nội dung phù hợp, có tính thời sự, sợ rằng nhiều cô dâu khó đạt được.

Nhiều anh, chị đưa cha mẹ đến lễ hội tâm sự thật cảm động: Niềm vui không có gì so sánh được bằng sự sung sướng của những người con như chúng tôi khi bố mẹ tuổi cao song toàn, được tôn vinh. Các cụ như trẻ lại, như được sống trong những ngày "lên xe hoa". 

Còn Bí thư Đoàn Thanh niên phường Nguyễn Thị Ánh Nguyệt xúc động: Được thấy các cụ ở tuổi xưa nay hiếm, tay trong tay, miệng móm mém cười tươi, gương mặt tràn đầy hạnh phúc, những ánh mắt nồng nàn yêu thương minh chứng cho sự thuỷ chung son sắt, làm cho lớp trẻ thêm phấn chấn, náo nức, vui mừng. Chúng tôi tự hỏi, trong muôn vàn khó khăn, gian khổ xa cách chờ đợi do đâu mà các cụ giữ được tình yêu nồng cháy vững bền? Chúng tôi chạnh nghĩ đến tình yêu đôi lứa của thế hệ mình. Ngày nay, tuổi trẻ tự do yêu đương, tự do lựa chọn, tự quyết định cuộc sống hôn nhân nhưng nhiều khi chúng cháu lại tự xa xỉ hoang phí chính tài sản quý báu của mình là tình yêu lứa đôi. Họ yêu nhau cuồng nhiệt, xô bồ, sống thử nhưng lại cả thèm chóng chán, nhiều đôi vợ chồng không yên ấm, li thân, li hôn, hậu quả khôn lường cho con cái.

Càng tự hào xúc động trước hạnh phúc bền lâu của các cụ mà nghĩ đến thế hệ mình liệu có bao cặp uyên ương sẽ được tôn vinh như các cụ. Sự tôn vinh những mối tình "trăm năm" thật có ý nghĩa với tuổi trẻ. Những mẫu mực về tình yêu chung thuỷ, trách nhiệm với gia đình, về phẩm hạnh dâu, rể, trách nhiệm làm chồng, thiên chức làm vợ, làm mẹ đã tạo dựng một nét văn hoá mới cho quê nhà như một di sản văn hoá quý báu cho tuổi trẻ. Đó cũng là sự kết tinh tiêu biểu giá trị văn hóa lắng đọng từ xưa lan tỏa đến nay để thế hệ trẻ vươn theo.

Còn Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Cổ Nhuế 2 Phạm Văn Tỵ tâm đắc: Câu chuyện lễ hội mừng "cưới vàng", bí quyết giữ gìn sự thuỷ chung trong khoảng 1 thế kỉ qua không phải chỉ thể hiện tình yêu lứa đôi, hạnh phúc mỗi người và mỗi gia đình mà còn hội tụ bao khía cạnh khác trong đời sống kinh tế xã hội rộng lớn, không chỉ một xã, một vùng, đó còn là nguồn "tư liệu" chứa đựng giá trị di sản văn hoá nhân văn, nhắn gửi các thế hệ tương lai về một nếp sống tốt đẹp lành mạnh có từ hàng trăm năm nay, cần được trân trọng, gìn giữ.