Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 5-7/1/2019

 

Họp báo Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I và Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông năm 2018. 


Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh Đắk Nông; đồng thời nhằm bảo tồn và phát huy hoa văn và trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng; giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về hoa văn, trang phục truyền thống, tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch và các giá trị di sản văn hóa các dân tộc của tỉnh Đắk nông trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.
 
 
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông thông tin các hoạt động trong chương trình Lễ hội văn hóa thổ cẩm

Phát biểu tại buổi họp báo thông tin các hoạt động trong chương trình Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I và Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông năm 2018 (ngày 11/12 tại Hà Nội), bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, thổ cẩm của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng và cả nước nói chung rất đa dạng và phong phú về màu sắc, đường nét, đậm đà bản sắc, giàu biểu tượng, biểu đạt các giá trị nhân văn. Đây là di sản văn hóa quý giá cần được bảo tồn và phát triển. 
 
 
Văn hóa áo dài kết hợp với hoa văn, họa tiết thổ cẩm

Tuy nhiên, trước xu thế phát triển và hội nhập mang tính toàn cầu, văn hóa thổ cẩm đang bị mai một. Vì vậy, việc tổ chức Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam nhằm bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam.

“Hiện nay, vấn đề đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm còn nhiều hạn chế, vì vậy thông qua hoạt động của lễ hội sẽ tạo điều kiện cho các nghệ nhân giao lưu học hỏi kinh nghiệm và định hướng tạo thành một nghề bền vững có vị trí trong xã hội”. Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh nói thêm.
 
 
Những bộ trang phục được tạo nên từ văn hóa thổ cẩm

Tại buổi Họp báo, Nhà thiết kế Trịnh Hoài Nam cho biết, trong Lễ hội này, anh rất vinh dự được mời thiết kế những bộ trang phục được tạo nên từ văn hóa thổ cẩm. Nhà thiết kế bắt đầu với văn hóa áo dài kết hợp với hoa văn, họa tiết thổ cẩm, và dựa trên chất lượng mới hơn từ những hình vẽ tay, hay thổ cẩm in trên chất liệu nhung, lụa để tạo sự mới mẻ. “Tôi muốn quảng bá văn hóa Việt Nam để giới thiệu văn hóa vùng miền, đặc biệt là văn hóa thổ cẩm. Qua đó để phát triển du lịch Đắc Nông và văn hóa các vùng miền ở Việt Nam”. NTK Trịnh Hoài Nam chia sẻ. 

Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, Hội nghị xúc tiến đầu tư cuối năm 2018 sẽ có sự tham dự của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước. Tỉnh Đắk Nông sẽ trao quyết định, chứng nhận đầu tư cho một số doanh nghiệp và tỉnh còn ký kết, hợp tác đầu tư với nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư cam kết hơn 92.000 tỷ đồng.
 
Lễ hội thổ cẩm sẽ là một hoạt động văn hóa du lịch đa dạng và phong phú, tôn vinh những giá trị văn hóa ngành nghề truyền thống còn lưu truyền đến ngày nay, để quảng bá giới thiệu và ghi đậm dấu ấn văn hóa du lịch trong lòng du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân tiếp cận với những công cụ xe sợi cải tiến so với phương thức truyền thống.

Minh Trí/ GĐTE