Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em 2020: Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung tặng quà cho trẻ em tại Lễ phát động.

Chăm lo cho trẻ em từ việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật

Tháng hành động vì trẻ em Việt Nam năm nay diễn ra trong bối cảnh Quốc hội vừa tổ chức giám sát tối cao một chương trình phòng, chống xâm hại và bạo lực trẻ em. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa mới ban hành Chỉ thị số 23 về phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em nhằm thực hiện các quyền trẻ em của chúng ta. Điều đó khẳng định Nhà nước, Nhân dân, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo luôn dành những tình cảm, những sự chăm lo và sự phát triển tốt nhất trẻ em Việt Nam.

Anh-4a---7684-1-.jpg

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giơ cao chiếc quạt giấy gấp tay có thông điệp về Tổng đài 111 - "Đây là một cách truyền thông mới, rất hiệu quả", Bộ trưởng nói.

Với chủ đề: “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”, Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 nhằm vận động sự tham gia tích cực hơn nữa của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng vào việc bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng, chống xâm hại trẻ em. Phòng, chống xâm hại trẻ em không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị nhà nước mà Luật trẻ em còn quy định trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội, gia đình, cá nhân; từ trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi, trường hợp xâm hại trẻ em cho các cơ quan có chức năng có thẩm quyền bảo vệ trẻ em cho đến truyền thông, vận động nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng ngừa xâm hại trẻ em.

Phát biểu tại Lễ phát động, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về trẻ em nhấn mạnh, việc bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em không thể trông chờ vào trách nhiệm và nỗ lực của một vài bộ, ngành mà cần có sự thực hiện trách nhiệm cụ thể và sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức chính trị - xã hội, gia đình, nhà trường và mỗi người dân.

Lí giải vì sao chủ đề Tháng Hành động vì trẻ em năm nay lấy từ “chung tay”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Chúng ta có rất nhiều cơ quan, rất nhiều đơn vị rất nhiều tổ chức làm việc cho chăm sóc trẻ em, nhưng hình như nó đang rời rạc đâu đó trong công tác hành động, do vậy cần chung tay tất cả mọi cơ quan mọi người cộng đồng xã hội, vì các em, bắt đầu từ các em và để chăm lo cho các em. Chăm lo từ việc hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật.

Cần tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em quốc gia

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, chính sách pháp luật về trẻ em hiện đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, để tổ chức thực hiện nghiêm minh và hiệu quả, cần đổi mới công tác tuyên truyền từ truyền thông cho đến cách tiếp cận. Thứ hai, là phải xử lý nghiêm tất cả các hành vi vi phạm đến xâm hại thân thể trẻ em. Người đứng đầu của mọi cơ quan, đơn vị phải trước hết là người chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng mong muốn, trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em cần chú trọng “Ba nhất”: Phát hiện nhanh nhất, bất cứ đâu bất cứ nơi nào. Thứ hai là xử lý nhanh nhất nghiêm minh nhất. Và thứ ba là can thiệp nhanh nhất và tốt nhất cho các cháu, không để chậm trễ. “Thông qua buổi lễ hôm nay, tôi muốn từ Trường Dịch Vọng này truyền thông đến cả nước. Mọi người hãy làm tròn trách nhiệm của mình, nói đi đôi với làm, “nói ít nhưng hành động nhiều” để trẻ em và mỗi các cháu thiếu nhi biết tự mình tìm hiểu về Luật Trẻ em, chính là thực hiện tốt 5 Điều Bác Hồ dạy. Có đất nước nào mà từ các bác lãnh đạo đến các cháu thiếu nhi đều được nghe 5 Điều Bác Hồ dạy ngay từ ấu thơ, được nghe bài hát Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên Nhi đồng?! "Tình cảm của Bác Hồ, của dân tộc dành cho các cháu như thế, buộc chúng ta kiên quyết không để bạo lực, xâm hại trẻ em diễn biến trong thời gian tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh

Anh-5c---7771.jpg

Bà Rana Flowers Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam.

Bà Rana Flowers Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam kêu gọi, trong Tháng hành động vì trẻ em năm nay, chúng ta cần tư duy lại về đất nước và thế giới sau đại dịch Covid 19, nơi mà trẻ em cảm thấy an toàn và có thể phát triển tối đa, không bị xâm hại, bạo lực và bóc lột. Bà Rana Flowers khuyến nghị: “chúng ta cần tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em quốc gia. Chúng ta cần đề xuất mạnh mẽ với Bộ Tài chính để đảm bảo ngân sách phân bổ, đảm bảo nguồn nhân lực cán bộ xã hội được đào tạo ở cấp tỉnh, thành và quận, huyện cũng như đảm bảo cán bộ bảo vệ trẻ em ở cấp xã. Chúng ta chỉ có thể đấu tranh và bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả nhất khi chúng ta đảm bảo được các công tác phát hiện can thiệp, hỗ trợ đối với những trường hợp có nguy cơ cũng như nạn nhân bị xâm hại và bạo lực”.

Anh-6b---7882-1-.jpg

Em Đặng Thùy Linh, lớp 8A2, trường THCS Dịch Vọng phát biểu tại buổi Lễ. 

Đại diện cho hàng triệu trẻ em Việt Nam, em Đặng Thùy Linh, lớp 8A2, trường THCS Dịch Vọng bày tỏ mong muốn, được sống trong một thế giới hòa bình, tôn trọng và yêu thương, mong cha mẹ, thầy cô, các cơ quan chức năng tiếp tục dành nhiều hơn nữa sự quan tâm đến công tác bảo vệ trẻ em có nhiều chính sách và hành động thiết thực để ngăn chặn tình trạng trẻ em bị bạo lực xâm hại giúp các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập và sinh hoạt tốt hơn. Thùy Linh tâm sự:“Cháu cũng muốn gửi lời nhắn nhủ tới tất cả các bạn học sinh trên mọi miền Tổ quốc, chúng ta hãy cùng nhau nỗ lực học tập và rèn luyện, tham gia tích cực các hoạt động tập thể để có đủ năng lực vững bước tới tương lai, đặc biệt, chúng ta cần tự trang bị các kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ bản thân cũng như bảo vệ các trẻ em khác khỏi nguy cơ bị xâm hại”.
 

Tất cả các bộ, ban, ngành, các tổ chức và cộng đồng cần chung tay để bảo vệ trẻ em - Ảnh 1.

Nhiều thông điệp truyền thông ý nghĩa được đưa ra trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 như:

- Nói “không” với xâm hại trẻ em;

- Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em;

- Gia đình cùng vui, đẩy lùi Covid;

-  Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng;

- Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động;

- Bảo vệ trẻ em sống an toàn ngay tại gia đình là trách nhiệm của cha mẹ và các thành viên gia đình;

- Gọi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để thông báo mọi hành vi xâm hại trẻ em…

 

Thảo Vân/GĐTE