Trung tâm xã Trà Khê, xã nghèo nhất của huyện Tây Trà, nơi có tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức xấp xỉ 91%. ảnh: Đông Hải.
Sở dĩ nói Tây Trà là huyện nghèo nhất nước là dựa trên kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Và cũng theo điều tra này, thì xã nghèo nhất huyện Tây Trà chính là xã Trà Khê.
Lâu nay, theo hình dung của nhiều người, xã nghèo thường là các xã nằm heo hút, thuộc diện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, không điện - đường - trường - trạm, không được tiếp cận khoa học - kỹ thuật khiến nơi ấy khó phát triển. Nhưng nếu đến xã nghèo nhất nước là Trà Khê thì những hình dung ấy hoàn toàn sai. Con đường chính từ trung tâm huyện lỵ Tây Trà đến Trà Khê chỉ khoảng 10km, đẹp mê hồn bởi những rừng keo xanh bạt ngàn bao phủ. Tuyến đường nhựa phẳng lỳ uốn lượn tạo cảm giác như chúng ta đang đi đến một điểm du lịch miền núi nào đó.
Vậy đâu là nguyên nhân Trà Khê là huyện rất nghèo. Là bởi nơi đây có đến 97,6% là đồng bào dân tộc thiểu số. Qua rất nhiều thế hệ, từ đời ông bà cha mẹ ở Trà Khê, cái chữ vẫn không bằng những tập tục lâu đời để lại. Và chính từ những tập tục ấy luôn là rào cản để những cái mới xen vào thay đổi tư duy của người dân nơi đây.
Chị Lê Thị Phụng, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Khê là một trong số ít cán bộ là người Kinh được phân công lên công tác tại xã theo đế án 600 của tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Không phải tất cả dân Trà Khê đều sống bằng tiền trợ cấp, vì nếu chỉ trông chờ vào số tiền ấy thì họ sẽ chỉ có ăn trong vài tháng, còn sau đó thì chẳng có gì mà ăn. Toàn xã có 435 hộ thì có đến 397 hộ nghèo, thậm chí có 2 hộ là gia đình của cán bộ chuyên trách cũng nằm trong diện nghèo, trong khi nghị quyết của xã đã quán triệt là cán bộ phải gương mẫu thoát nghèo. 2 hộ cán bộ này là trường hợp rất đặc biệt, lương chuyên trách một tháng chỉ gần 1,5 triệu mà nhà đến 5-6 miệng ăn thì phải nghèo thôi anh ạ"- Phó chủ tịch xã Lê Thị Phụng phân trần với tôi như vậy.
Theo báo cáo của xã Trà Khê, năm 2016, toàn xã nhận được 2 nguồn đầu tư để phát triển chăn nuôi trồng trọt từ chương trình 30A và chương trình 135 tổng cộng là 618 triệu đồng. Như vậy, nếu đem chia cho bình quân số hộ nghèo toàn xã thì một hộ được nhận chỉ hơn 1,5 triệu đồng hộ/ năm. Sẽ rất khó để với số tiến ấy có thể thay đổi được đời sống của người dân nơi đây khi mà " tư duy hái lượm" vẫn còn đeo bám. Đã vậy, theo Bí thư Đảng ủy xã Trà Khê Hồ Văn Tuấn: Tiền giải ngân về đến xã rất chậm, thường là tháng 10-11, đây là thời điểm các huyện miền núi có mưa, gió lạnh, khí hậu thay đổi thất thường nên không thể triển khai được chương trình gì, nhất là trồng trọt.
Phó chủ tịch UBND xã Trà Khê-Lê Thị Phụng khiến nghị: Toàn xã hiện có 270 hộ dân không có đất sản xuất. Trong khi đó UBND tỉnh Quảng Ngãi lại giao cho Lâm trường Trà Tân 200 ha đất rừng hơn 10 năm nay nhưng hoạt động kinh doanh không đúng mục đích, không sử dụng lao động tại địa phương, sản xuất-kinh doanh không hiệu quả. Xã và huyện đã khiến nghị nhiều năm nay đề nghị Lâm trường Trà Tân bàn giao số đất trên để xã phân cho 270 hộ dân có đất sản xuất nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ảnh: Đông Hải.
Một trong những khó khăn về nhân lực quản lý ở xã Trà Khê là toàn xã chỉ có 9 cán bộ chuyên trách, 11 công chức, vẫn còn thiếu 5 công chức theo định biên đã được giao. Với số cán bộ nói trên nhưng lại quản lý địa bàn rộng 3.236 ha với 3 thôn, 7 khu dân cư. Mặc dù, các ban, ngành ở huyện đã hỗ trợ rất nhiều cho các xã đặc biệt khó khăn của huyện nhưng với lực lượng cán bộ mỏng, dân cư sống thưa thớt nên nhiều chương trình, mô hình khi triển khai đến được với người dân vừa chậm, vừa thiếu sự sâu sát, công tác kiểm tra kết quả thực hiện vẫn luôn gặp những hạn chế - Ông Phan Văn Hiền, Phó trưởng ban chỉ đạo điều tra, rà soát hộ nghèo huyện Tây Trà phân tích thêm.
Xã Trà Phong, 1 trong 2 xã nghèo nhất huyện Tây Trà, mỗi năm có 35 hộ thoát nghèo và huyện đang phấn đấu mỗi năm giảm 5% hộ nghèo. Ảnh: Đông Hải.
Theo báo cáo của xã Trà Phong, trong 10 năm qua, chưa một chương trình, mô hình nào có kết quả tại xã này. Trong khi hàng năm, huyện, tỉnh vẫn đầu tư nhiều nguồn kinh phí để triển khai các dự án thoát nghèo cho địa phương. Theo ông Phan Văn Hiền: Có thể những mô hình ấy khi triển khai, thực hiện lại cho kết quả khá khả quan ở các huyện khác thì về đến các xã ở huyện Tây Trà lại đều... bế tắc. Sự hạn chế về nhận thức chính là rào cản rất lớn để người dân có thể tiếp thu cái mới, cái hay. Sở dĩ nhiều năm qua, nhiều mô hình sau khi được tham khảo khi áp dụng vào địa phương lại không đạt hiệu quả không phải do chúng tôi không sâu sát, không phải người dân không hợp tác mà cái chính là tập tục bao đời ở đây vẫn không thay đổi được. Nếu người Kinh có một đàn bò 5 con, sau 1-2 năm họ sẽ nhân lên thành 7 con thì ở Tây Trà đàn bò ấy của người đồng bào sau 1 năm có thể mất đi một nửa. Tập tục thả rông gia súc vẫn là thói quen thường trực của người dân nơi đây. Mọi thứ họ làm ra hoặc trời ban cho đều có thể "bán lúa non" từ buồng chuối, rừng keo, con gà, con heo... tất cả đều được thương lái ứng trước, đến mùa thương lái đến thu hoạch và tiếp theo những ngày sau đó là điệp khúc "ăn trước trả sau" lại tiếp diễn.
Sau khi đi khảo sát thực tế và làm việc với Ban chỉ đạo của huyện Tây Trà, ông Lương Kim Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi đánh giá: Trong những năm qua, mặc dù nguồn đầu tư từ Trung ương đến địa phương vẫn thường xuyên được phân bổ nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa cao, vẫn chưa thực sự có tác dụng giúp Tây Trà thoát nghèo. Đây là hạn chế rất lớn cần phải khắc phục. Nếu vẫn cứ áp dụng những chương trình cho vay vốn sản xuất, áp dụng biện pháp hộ trợ tận nơi từ cây giống, con giống như những năm trước thì chưa chắc hiệu quả mang lại đã khả quan hơn. Cái chính là vận động bà con thay đổi nhận thức, chăn nuôi tập trung hơn. Qui hoạch trồng trọt có sự giám sát hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật, nhất là huyện và các xã phải xây dựng lực lượng cán bộ khoa học - kỹ thuật là người bản địa nhằm tiếp cận gần hơn với đồng bào, chia sẻ và hỗ trợ kịp thời cho người dân khi cần thiết.
Về những kiến nghị của huyện, xã theo ông Lương Kim Sơn trong thời gian tới, Ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo của Sở sẽ tổng hợp, phân loại nhằm tham mưu cho UBND tỉnh đưa ra những chương trình quyết sách phù hợp hơn để Tây Trà có thể giảm đi số hộ nghèo hiện có cũng như dần nâng cao đời sống của bà con.