Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lì xì – mang may mắn, bình an khi Tết đến xuân về

Với mỗi đứa trẻ, nhắc đến Tết, ngoài quần áo mới, cây đào, cây mai, bánh chưng bánh tét… thì còn nghĩ đến lì xì. Chiếc phong bao nhỏ xinh đã trở thành một phần không thể thiếu trong kí ức tuổi thơ khi Tết đến xuân về.

Co-nen-bo-phong-tuc-li-xi-ngay-Tet-cho-tre-lx-1578123123-321-width640height480

Từ lâu, những phong bao lì xì đỏ thắm đã được coi là một trong những biểu tượng của may mắn, là nét đẹp trong phong tục tập quán người Việt Nam nói riêng và các nước Á Đông nói chung. Việc tặng lì xì cho trẻ em là mong ước trẻ luôn khỏe mạnh, ngoan ngoãn, bình an trong năm mới.

Tuy nhiên ngày nay, dường như phong bao lì xì đang dần mất đi giá trị đích thực là tượng trưng cho may mắn, niềm vui. Thay vào đó, nó đã trở thành vật để “trao đổi” cùng lối suy nghĩ “tiền đi rồi lại về”. Đặc biệt, một số trẻ em chỉ quan tâm đến mệnh giá của đồng tiền có trong phong bao mà không biết đến ý nghĩa của chúng. Điều này rất dễ thấy trong khoảng thời gian sau kỳ nghỉ Tết, khi gặp lại nhau học sinh thường chia sẻ với bạn bè “chiến lợi phẩm” và hỏi nhau có được bao nhiêu tiền từ lì xì. Các bạn thường ước ao, thèm thuồng khi ai đó có được “thu nhập cao”.

3

Vào dịp Tết, đôi khi ta bắt gặp những tình huống dở khóc dở cười như những đứa trẻ khóc vì không được hay nhận được ít tiền lì xì. Điều này vừa làm người tặng ái ngại, có khi tổn thương. Phải chăng cha mẹ đã vô tình cho con biết quá sớm về giá trị đồng tiền? Hay chưa dạy trẻ về kỹ năng ứng xử trong các dịp lễ, Tết?

Không ít cha mẹ, sau khi khách về, lập tức hỏi luôn: “Thế được bao nhiêu tiền?” hay “Đưa đây cho bố mẹ đếm xem nhiều không?”. Sau đó, có khi họ lại vô tình buông ra những câu như: “Ôi sao mà ít thế, biết thế này mình mừng con người ta ít hơn” hoặc “Nhà ấy giàu nhỉ, toàn mừng tờ xanh”... Những lời nói tưởng chừng như vô tình ấy nếu lỡ thốt ra trước mặt trẻ sẽ dễ gây ra hiểu lầm, nghĩ rằng niềm vui chỉ thực sự khi trong phong bao lì xì có tiền mệnh giá lớn hay số tờ tiền nhiều. Bên cạnh đó, trẻ cũng sẽ đối xử phân biệt với những người lì xì cho mình và lâu dần sẽ hình thành tính cách không tốt.

Đó là chuyện nhận lì xì, còn việc cha mẹ không cho con giữ tiền lì xì cũng gây ra nhiều chuyện bi hài. Có nhiều cha mẹ sau khi con được mừng tuổi liền bảo: “Đưa bố mẹ cầm cho không lại rơi” hay “Con nhận được lì xì là do mẹ cũng mừng cho con người ta, nên con phải đưa cho mẹ để bù vào”... Cha mẹ hãy thử đặt mình vào trẻ để cảm nhận cảm giác buồn, hụt hẫng thế nào khi vừa được nhận quà, đang rất sung sướng và vui vẻ thì ngay lập tức bị bố mẹ thu lại. Điều này dễ khơi nên những cảm xúc tiêu cực trong các em. Và để đối phó, trẻ sẽ học theo video của các youtuber, tiktoker tràn lan trên Internet kiểu như: “Cách để giấu tiền lì xì”, “Cách xin tiền lì xì lại từ cha mẹ”...

2

Việc cha mẹ giúp trẻ quản lý số tiền mừng tuổi là cần thiết, nhưng nhất định phải có sự thỏa thuận, đồng ý của trẻ. Đồng thời, cha mẹ phải hướng dẫn trẻ tiêu tiền lì xì vào những việc phục vụ cho học tập hoặc những mục đích chính đáng cho trẻ. Qua việc giáo dục trẻ cách tiêu tiền, cha mẹ có thể dạy con biết quý trọng đồng tiền. Cha mẹ cần giáo dục trẻ cách ứng xử với những món quà mà người khác trao tặng, phải biết trân trọng giá trị tinh thần từ phong tục mừng tuổi đầu năm. Cần giúp trẻ em hiểu rằng, giá trị của một món quà không nằm ở giá trị vật chất mà nằm ở tấm lòng người cho và cách ứng xử của người nhận. Khi được người lớn tặng lì xì, trẻ cần bày tỏ sự biết ơn, nói lời cảm ơn và lễ phép nói lời chúc mừng năm mới.

Đặc biệt, cha mẹ, người thân cần làm gương cho trẻ thông qua các hành động nhỏ như vui vẻ cám ơn người khác khi được chúc Tết; nhắc trẻ cảm ơn người tặng lì xì để trẻ sẽ tự thấy cảm ơn người khác là một việc thoải mái, vui vẻ và tự nguyện.

Tết với một số người lớn có thể là nỗi lo, nhưng với một số trẻ em lại là dịp được về quê với ông bà, được vui chơi, tận hưởng thỏa thích, được nhận những lời chúc tốt đẹp, những phong bao lì xì xinh xắn. Đừng áp đặt cái nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền, những suy nghĩ thực dụng làm mất đi sự hồn nhiên, niềm vui của con trẻ.

Tết với người Việt không chỉ là dịp nghỉ ngơi đón năm mới mà còn là những ước vọng và chia sẻ hạnh phúc, cùng chúc nhau hướng về tương lai tươi đẹp. Và để chuyển tải những ước vọng trong khoảnh khắc xuân sang Tết đến, để chào đón luồng sinh khí mới mà đất trời ban tặng, cùng là lấy may dịp đầu năm, ngoài những câu chúc ấm áp thân tình, người Việt còn trao nhau phong bao lì xì ý nghĩa.