Trình bày dự thảo báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2016, nhiệm vụ năm 2017, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết: trong năm 2016, tổ chức công đoàn đã tiếp nhận 313 hồ sơ khởi kiện, có 4 Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố đã nộp đơn khởi kiện 12 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (Sơn La 2 vụ; TP Hồ Chí Minh 2 vụ; Đồng Nai 6 vụ; Nghệ An 2 vụ) đến các cấp tòa án. Dự kiến đến ngày 31/12, Liên đoàn lao động 13 tỉnh, thành phố sẽ tiến hành khởi kiện 76 doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp không trích nộp kinh phí công đoàn.
Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội và không trích nộp kinh phí công đoàn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Mai Đức Chính trình bày tờ trình về việc một số vấn đề về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động. Đối với vấn đề tuổi nghỉ hưu, tờ trình đưa ra quan điểm không đồng tình với việc nâng tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân lao động khu vực trực tiếp sản xuất, dịch vụ. Đối với khu vực hành chính sự nghiệp thì có thể xem xét để nâng tuổi nghỉ hưu nhưng phải có lộ trình tăng thích hợp để giảm thiểu ảnh hưởng đến cơ hội có việc làm cho nhóm lao động trẻ và đảm bảo ổn định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trưởng ban Chính sách kinh tế - xã hội và Thi đua khen thưởng Đặng Quang Điều cho rằng, tờ trình cơ bản thể hiện được quan điểm của công đoàn là sửa Bộ luật lao động nhưng không được làm mất đi quyền lợi của người lao động. Cần đưa ra nguyên tắc của công đoàn là phải bảo vệ được nhóm yếu thế trong quan hệ lao động: Người lao động khuyết tật, trẻ em, phụ nữ; sửa nhưng không được suy giảm quyền lợi người lao động đồng thời giữ vững và nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn.