Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Liên khúc múa trong Hội Gióng

Hội Gióng được mở vào ngày mùng 9/4 hàng năm, ở chính nơi mà tương truyền cho rằng, đó là nơi đã sinh ra người anh hùng huyền thoại “Phù Đổng Thiên Vương”.

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, NSND Lê Ngọc Canh thật có lý khi ông cho rằng: Đến với hội Gióng là đến với Liên khúc múa. 
Còn tôi, tác giả của bài viết này xin được bổ sung thêm: Liên khúc múa trong hội Gióng là một vở kịch múa. 
Một vở kịch múa (tôi nhấn mạnh) thực sự với đầy đủ ý nghĩa của nó. Tức là ở đây có sân khấu, có nhân vật, có kịch bản, với đủ các lớp lang đi từ thấp đến cao và dĩ nhiên có thời gian diễn xuất đủ để người xem thỏa mãn cùng đội hình Khán giả vô cùng đông đảo. 
Và như vậy thì nghệ thuật kịch múa hay nói cách khác là nghệ thuật vũ kịch đã có (xuất hiện) ở nước ta (Việt Nam ) từ lâu? hay nói chính xác hơn thì kịch múa dân gian Việt Nam xuất hiện và dường đã làm nên loại hình nghệ thuật “sân khấu ngoài trời” từ rất sớm?


Khi những tia nắng đầu hạ bừng chiếu lên muôn vạn vật cũng là lúc những hoa gạo rụng bầu. Gặp nắng đầu hè soi chiếu, bầu hoa gạo chín nở căng, cựa mình tách vỏ làm bật ra từng chùm sợi bông trắng muốt. Bên bờ sông Đuống, sợi bông gạo bay tíu tít dưới nắng mới, làm ấm cả một dải đê xanh mướt sau mưa rào đầu mùa. Màu trắng của chùm bông gạo bay náo nức gọi, náo nức rủ rê, náo nức níu mắt người đi Hội Gióng.
Đường về Hội Gióng, về làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm không mấy xa. Từ nội thành, xuôi quốc lộ 5 chừng hơn mười cây số, gặp nút giao với cầu Thanh Trì thì ngược xe theo đường mới lên Lạng Sơn. Xe qua cầu Phù Đổng chừng vài ba cây số thì rẽ phải. Đó là con đường dẫn về làng Phù Đổng. Làng Phù Đổng nằm bên hữu của con sông Đuống. Mùa này cây lúa xanh rì màu lá. Thảm lúa mênh mông gặp nắng mới như được cởi lòng mà uốn mình tựa lớp lớp sóng lượn dập dờn.  
Hội Gióng được mở vào ngày mùng 9/4 hàng năm, ở chính tại nơi mà tương truyền cho rằng, đó chính là nơi đã sinh ra người anh hùng huyền thoại “Phù Đổng Thiên Vương”. Một lễ hội dân gian truyền thống như bao lễ hội khác ở khắp các làng quê nước Việt nhưng lại có sức hấp dẫn trong việc hoàn thiện nhân cách con người. Bởi tuy là lễ hội thờ cúng tín ngưỡng (Đền Gióng thờ thánh Gióng, một trong bốn huyền thoại “Tứ bất tử” trong tâm linh người Việt) nhưng Hội Gióng lại mang một tư tưởng sâu đậm. Tư tưởng đề cao những giá trị anh hùng của dân tộc. Cũng bởi thế mà dân gian từng ghi nhận điều này qua câu ca: “Ai ơi mùng chín tháng tư/ Không đi Hội Gióng cũng hư mất người”.


Hội Gióng cũng như trăm ngàn lễ hội dân gian của người Việt đều có chung hai phần cấu thành. Đó là phần lễ và phần hội. Có điều, Hội Gióng mở ra vào đầu hạ chứ không vào mùa xuân như lẽ thường thấy. Điều khác biệt này phải chăng nó nằm ở thời điểm mà trong tương truyền có người đàn bà làng Phù Đổng, một buổi ra đồng sớm đã vô tình dẫm phải “vết chân nhà Trời”. Người đàn bà ấy sau đó mang thai và sinh ra một cậu bé đã lên ba tuổi mà vẫn chưa biết nói cười, chưa biết đi đứng. Cậu bé ấy đột nhiên cao lớn và đột nhiên cất lên tiếng nói rành rẽ khi sứ giả của nhà Vua đi ngang qua làng. Sứ giả cho hay giặc Ân hung dữ từ phương Bắc đang lăm le tràn xuống xâm lược nước ta. Nhà Vua kêu gọi ai có tài có đức ra dẹp giặc giúp nước. Chuyện cậu bé vụt lớn khác thường có phải chăng ý thức về “đánh giặc giữ nước” là “liều thuốc thần tiên” giúp cậu bé tưởng chừng bỏ đi ấy biến mình thành một người khác, một người có ích. Phải chăng đó cũng là phẩm hạnh của người dân nước Việt mỗi khi nước nhà có biến.
Hội Gióng cũng như trăm ngàn lễ hội khác của người Việt nhưng với Hội Gióng thì ngay khi bắt đầu phần lễ thì hội đã được “sân khấu hóa”. Yếu tố này xuyên suốt phần Lễ và sang tới cùng của phần Hội. Do đó, Hội Gióng thực sự là một lễ hội của không khí vui chơi có bài bản và có sức hút kỳ lạ bởi vai trò của “sân khấu” có trong Lễ Hội. Một vở kịch múa bắt đầu hình thành ngay khi những chàng trai lực lưỡng của làng với trang phục đơn giản, quần là mảnh khố, áo là mảnh vải quàng ngang vai làm hở bộ ngực trần vạm vỡ, chân đất chắc nịch cùng nhau khênh kiệu. Trên kiệu là một chú bé mặt mày khôi ngô, ánh mắt trong sáng, chừng bảy tám tuổi, ăn vận đàng hoàng, mũ máo cân đai đầy đủ. Cậu bé được tuyển chọn trong hàng trăm cậu bé cùng lứa tuổi của làng để đảm nhận đóng vai người anh hùng huyền thoại Thánh Gióng từ trong cổ tích. Kiệu được rước đi huyên náo dọc đường làng và được dẫn vào sân lớn của đền Gióng sau khi lọt qua cổng đền uy nghi. Đến sân của đền thì “sân khấu” mới thực sự định hình và từ đây “Liên khúc múa” hay vở kịch múa mới thực sự diễn ra. Phần hội bắt đầu. Dĩ nhiên ở phần lễ những thủ tục như khấn bái, cầu cúng đã được hoàn thành xong mọi thủ tục cần có.


Nhằm biểu đạt những ý tưởng và triết lý dân gian. Sân khấu hóa lễ hội là một đặc điểm dường như riêng có của Hội Gióng. Nó nhằm nhắc lại về câu chuyện huyền thoại cổ xưa và để giúp Hội thêm trang nghiêm, thêm vui vẻ, thêm thu hút. Sân khấu hóa lễ hội với hình thức diễn xướng liên tục thông qua màn liên khúc múa đã được tổ chức chặt chẽ, chu đáo và bài bản do một dàn vai diễn hết sức phong phú, hết sức có nghề đảm nhiệm. Phải nói rằng: Liên khúc múa trong hội Gióng chính là “linh hồn” tạo nên sức sống cho một lễ hội tín ngưỡng. Liên khúc múa trong hội Gióng đã làm gần như thay đổi nếp nghĩ, nếp làm và nếp ăn của người dân trong vùng nói riêng, người dân Việt nói chung. Đó cũng là ý nghĩ cao rộng nói lên: dù trong hoàn cảnh nào thì “yêu nước và đánh giặc” vẫn được đề cao, được nhắc nhở. 
Trên sân khấu rộng lớn, sân đền, từng điệu múa bắt đầu được phô diễn. Nét độc đáo ở nội dung này ngoài yếu tố “múa” ra còn có yếu tố con người, đó là các vai diễn chính có trong liên khúc múa đều do các em nhỏ bảy tám tuổi đảm nhiệm. 
Màn múa đầu tiên mở đầu cho liên khúc múa là màn múa có tên là “Ông Hiệu Cờ”. Vai diễn này được xem là vai tượng trưng cho Thánh Gióng. Cầm trên tay lá cờ Lệnh có cán cờ dài và nặng (vai diễn này đòi hỏi sức khỏe nên được giao cho một thanh niên đảm nhiệm). Với động tác múa mạnh mẽ, dứt khoát “Ông Hiệu Cờ” thông qua động tác của mình nhằm biểu đạt quan điểm cơ bản của việc luyện quân cùng phương pháp đánh trận. Động tác làm đủ 3 ván cờ “Múa cờ Thuận và múa cờ nghịch” của Ông Hiệu Cờ như muốn khẳng định “Quân lệnh phải nghiêm minh. Binh pháp phải mưu lược sáng tạo”. Phụ múa cho màn múa Ông Hiệu Cờ sẽ gồm 120 trai đinh, họ cởi trần đóng khố, đầu đội mũ có hình quả dưa, trên mũ có đính chín con rồng nhỏ nhằm tượng trưng cho Đất. Còn vai của 120 trai đinh này lại đeo túi có hình nửa vầng trăng, tượng trưng cho Trời. Daàn ai diễn này được gọi là “Phù Giá”, có nghĩa muốn thể hiện sức mạnh vô địch khi người chiến binh được thấm nhuần hào khí thiêng của Đất Trời quê hương. Ý sâu xa nói nhắc đến câu chuyện chàng trai làng Gióng cầm roi sắt cưỡi ngựa sắt đi đánh giặc. Roi sắt gẫy chàng trai bèn nhổ tre đằng ngà đánh kỳ tan lũ giặc.
Hội Gióng chính là một “Kịch trường dân gian” với đầy đủ ý nghĩa của nó. Hàng trăm diễn viên đảm nhiệm hàng trăm vai diễn đã trình diễn liên hoàn, móc nối với nhau và vai diễn này tôn vinh vai diễn kia. Với các màn múa chính đều được gọi chung cái tên là các “Ông Hiệu” đã cho thấy tính thống nhất của một “vở kịch” được xây dựng kỹ lưỡng. Nói một cách khác thì “hệ thống các ông Hiệu” này chính là “hệ thống các tướng lĩnh” của Thánh Gióng. Màn múa các ông Hiệu đều được trình diễn theo một trình tự đầu cuối rõ ràng đã cho thấy dù có “tính ước lệ của sân khấu” nhưng ở “kịch trường dân gian” này vẫn đề cao tính thống nhất và nghiêm cẩn của việc luyện quân và ra trận.
Trong khi các vai diễn các ông “Hiệu” thể hiện vị trí của mình thông qua các điệu múa thì bên cạnh đó có sự xuất hiện động thời vai diễn của những “Quạt Hầu”. Vai diễn “quạt hầu” nếu xét về khía cạnh “sân khấu” thì cho thấy vai diễn này không mang tính chất “hầu” như danh xưng đã gọi. Những “Quạt Hầu” ở đây không hề là những người làm công việc hầu hạ quạt mát mà đâu đó gợi lên hình ảnh của sự “đồng tâm, đồng lòng” của mọi người dân từ già tới trẻ trong công cuộc đánh giặc. Vai diễn “Quạt Hầu” còn đem đến cho liên khúc múa một hình ảnh hết sức sinh động bởi vẻ ngây thơ, trong sáng nhưng cũng hết sức chu đáo, coi trọng công việc đang làm. Vai diễn “Quạt Hầu” do các em trai tuổi chừng bảy tám đảm nhiệm xuất hiện trong liên khúc múa làm người xem hội thấy thích thú và đáng khen ngợi.
Để Hội Gióng. Hay nói đúng là để màn liên khúc múa, để vở kịch múa được hấp dẫn và sát gần với huyền thoại nên ngoài các vai diễn đảm nhiệm vai trò “chính diện” ra còn có nhiều vai diễn đảm nhiệm vai cho “phụ” và vai “phản diện”. Những màn múa của các vai diễn phụ này khi thì biểu hiện cho 28 đạo quân giặc Ân xâm lược (Vai do 28 cô gái trẻ đóng vai tướng giặc), vai này gọi là vai “Cô Tướng”. Những “Cô Tướng” tuy là vai phản diện nhưng những động tác múa cũng có sức thu hút. Hình tượng các tướng giặc vốn trong suy nghĩ là hung dữ, tàn ác nay do các cô gái trẻ đảm nhiệm đã đem lại một ý nghĩa mới. Ý nghĩa đánh giặc hung ác đầy khó khăn, trắc trở, đầy thách thử và cũng đầy nghịch lý. Một cách thức phân vai khá lý thú cả về lý và về tình.
Nét đáng chú ý trong màn liên khúc múa có trong hội Gióng còn ở chỗ đạo cụ, y phục và diễn viên. Về diễn viên thì như đã nói ở trên. Ở đây chỉ đề cập đến đạo cụ và y phục. Ở mỗi một vai diễn và ở mỗi một màn múa đều có đạo cụ và y phục thích ứng. Điều này cho thấy không có gì đáng ngi ngờ khi phần hội trong Hội Gióng đích thực là một “Kịch trường dân gian”.  Đạo cụ, y phục được chuẩn bị chu đáo, thống nhất còn khẳng định màn liên khúc múa trong Hội Gióng thực sự là một Liên khúc múa có hồn. Những nghệ sĩ dân gian đã thổi hồn cho lễ hội tín ngưỡng thêm sức sống thật như chính đời sống thật vậy.
Cùng với các vai diễn và màn múa chính, các vai diễn khác cùng các màn múa khác (điệu múa) trong Hội Gióng như: Rước nước để tôi luyện binh khí. Rước Đống Đàm để đi đàm phán kêu gọi hòa bình. Rước khám đường để đi trinh sát quân giặc. Rước trận soi bia để mô phỏng trận đánh…… đã hội tụ thành ý thức, một ý thức có thể bắt ta phải suy ngẫm về quan điểm thẩm mỹ và đạo lý ứng xử.
Hai ngày Hội Gióng qua nhanh. Dư âm về màn múa hát về chào mừng chiến thắng chống giặc ngoại xâm dường như mãi còn không dứt. Tiếng trống tiếng chiêng. Tiếng cười hể hả cứ réo rắt một vùng bên sông Đuống. Liên khúc múa trong Hội Gióng như khẳng định thêm: Sức mạnh nội lực của dân tộc Việt tràn đầy và bất tận.