Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”.
Xương cốt các anh là sóng biển mặn mòi
Đúng 18 giờ chiều 14/7 Lễ tâm linh 64 liệt sĩ Gạc Ma bắt đầu. Gần 200 nhà sư thuộc Hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa cùng hàng ngàn người xếp hàng lặng lẽ đi về phía biển Cam Ranh để đón các anh từ biển trở về. Trong dòng người ấy có những chiến sĩ sống sót từ Gạc Ma.
Trước biển Cam Ranh, dòng người lặng lẽ nhìn về phía biển xa cầu nguyện. Trong tiếng kinh cầu của các nhà sư, có những tiếng nấc nghẹn ngào của thân nhân các gia đình liệt sĩ. Biển Cam Ranh cuối chiều lác đác mưa, gió thổi mạnh, nhưng 640 ngọn nến tri ân thắp sáng đặt dưới “cây cầu tâm linh” dài 64 nhịp sáng lung linh. Thầy Thích Đức Quang, Ban trị sự Hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa xúc động: “Đây là lễ tâm linh đặc biệt. 29 năm các liệt sĩ hy sinh ngoài rạn đá Gạc Ma lạnh cóng, nay các anh được về đất mẹ cho ấm lòng”.
Trong hơn 300 thân nhân liệt sĩ Gạc Ma đến lễ tâm linh, chị Trần Thị Thủy, con gái của liệt sĩ Trần Văn Phương, mắt đỏ hoe: “Ngày em sinh ra ba đã hy sinh rồi. Em chỉ nghe về ba từ mẹ. Sau 29 năm nằm lạnh cóng dưới biển sâu, nay ba em đã về. Chỉ khác đây là sự trở về không phải bằng thịt xương, mà là linh cốt từ biển mặn mòi”.
Lễ tâm linh rước 64 liệt sĩ Gạc Ma về lòng đất mẹ.
Tên các anh đã tạc vào lịch sử dân tộc
29 năm - khoảng thời gian khá dài để thay đổi nhiều thứ. Vậy mà 29 năm xương cốt 64 liệt sĩ trong trận “hải chiến Trường Sa” nằm sâu dưới tầng san hô lạnh cóng. 29 năm, 64 người mẹ, 64 người cha khóc cạn nước mắt trong đau thương tột cùng. Và cũng ngần ấy năm, nhiều người vợ trẻ, những đứa con thơ chờ đợi xương cốt của chồng, của cha đem về từ vùng biển bão tố Gạc Ma. Nay mới đưa “xương cốt” các anh về lòng đất mẹ, nhưng xương cốt ấy không phải bằng xương, bằng thịt, mà bằng nước mặn biển khơi và những mảnh san hô đem về từ biển Cô Lin, Gạc Ma - có nỗi đau mất mát nào hơn thế.
Trong Lễ tâm linh có hàng ngàn người dân huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa và hơn 300 thân nhân của 64 liệt sĩ Gạc Ma đến để rước các liệt sĩ về lòng đất mẹ. Không chỉ những người lính đã hàng chục lần đến vùng biển Cô Lin, Gạc Ma; những thân nhân liệt sĩ đã 29 năm khóc cạn nước mắt vì nhớ thương các liệt sĩ, mà cả những người lần đầu tiên nghe những câu chuyện kể về sự chiến đấu ngoan cường và anh dũng hy sinh của 64 chiến sĩ ngày ấy đều không cầm được nước mắt. Và cũng trong Lễ tâm linh đón đồng đội trở về có nhiều cựu binh còn sống trở về từ trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988. Họ đến từ Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Đắk Lắk. Mỗi người có một cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng tựu chung đều xúc động đau thương nhưng cũng vô cùng kiêu hãnh.
Lễ cầu siêu cho các liệt sĩ.
Ông Nguyễn Văn Chương, cựu chiến binh Gạc Ma đến từ tổ dân phố 1, thị trấn Krông Na, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk ôm chiếc áo len lặng lẽ đi giữa dòng người ra bờ biển Cam Ranh đón đồng đội trở về. Ông không ngờ rằng sau 29 năm ông được gặp lại những đồng đội đã cùng ông cầm súng chống lại trước họng súng quân xâm lăng. Nước mắt lưng tròng, ông chia sẻ: “Năm 1988 tôi là đảo phó quân sự đảo Gạc Ma. Nhận được thư mời của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả đêm tôi không ngủ. Đêm trước ngày đi, tôi trằn trọc mong trời mau sáng để bắt xe đò đến Nha Trang. Sau 29 năm cách biệt, gặp lại đồng đội tôi bây giờ là xương cốt, là nước biển đem về từ biển Gạc Ma. Tôi không quên được ngày sống ở Gạc Ma, chỉ huy với lính như anh em một nhà. Cứ đến ngày 14/3, đêm nằm nước mắt cứ chảy, thương anh em vô cùng”. Ông Chương khóc, giọt nước mắt người cựu binh sống sót trở về từ đảo đá Gạc Ma nén chặt 29 năm trào dâng xúc động.
Lần đầu tiên chứng kiến Lễ tâm linh rước 64 linh hồn liệt sĩ và nghe những câu chuyện kể về sự chiến đấu hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, anh Trần Ngọc Bảo, 42 tuổi ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa) xúc động chia sẻ: “Lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta gắn liền với biển đảo. Trong cuộc trường chinh ấy mất mát hy sinh là điều không tránh khỏi. Các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam chiến đấu và anh dũng hy sinh trên vùng biển đảo Gạc Ma, Cô Lin 29 năm trước sẽ mãi mãi bất tử. Dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi tri ân các liệt sĩ Gạc Ma. Tên các anh đã tạc vào lịch sử của dân tộc như những anh hùng chiến đấu giữ gìn biển đảo kiên cường nhất của thế kỷ 20”.
Tượng đài của lòng dân
Được sự đồng ý của Ban Tuyên giáo Trung ương, sáng 15/5, tại bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Lao động, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức khánh thành Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” (Tượng đài liệt sĩ Gạc Ma) sau hơn 2 năm xây dựng với tổng kinh phí giai đoạn 1 hơn 150 tỷ đồng do nhân dân mọi miền Tổ quốc đóng góp. Đây là hoạt động tri ân các liệt sĩ Gạc Ma dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Những cựu binh Gạc Ma chụp ảnh lưu niệm trước tượng đài liệt sĩ.
Tại lễ khánh thành, có 23 doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động các tỉnh, mạnh thường quân đã ủng hộ gần 20 tỷ đồng; thực hiện tin nhắn ủng hộ Tượng đài liệt sĩ Gạc Ma. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao quà cho 11 thân nhân gia đình liệt sĩ của 11 tỉnh thuộc Quân khu 5, mỗi phần quà bằng tiền mặt 30 triệu đồng, và tặng 64 thân nhân gia đình liệt sĩ Gạc Ma mỗi gia đình 3 triệu đồng. Ban tổ chức cũng kêu gọi các doanh nghiệp, tập thể, mạnh thường quân tiếp tục đóng góp để xây dựng khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma giai đoạn 2, và xây tượng đài Nghĩa sĩ Hoàng Sa ở Quảng Ngãi trong thời gian tới.
Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” được thiết kế xây dựng theo các cụm liên hoàn, chia thành nhiều hạng mục như: Cờ Tổ quốc và 64 đóa hoa bất tử, khu vinh danh tên tuổi 64 liệt sĩ khắc trên phiến đá, khu lưu niệm hình ảnh, trong đó nổi bật là tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”, đó là 9 chiến sĩ Gạc Ma đan tay nhau thành “vòng tròn bất tử” bảo vệ đảo Gạc Ma trước họng súng xâm lăng. Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” được xây dựng trong khuôn viên rộng 2,5 ha. Viên đá đầu tiên được đặt xuống mảnh đất này vào ngày 13/3/2015, và đây cũng là khu tưởng niệm mang tên “Công viên hòa bình”. Công trình có ý nghĩa đặc biệt nhằm tri ân 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong trận “Hải chiến Trường Sa -1988”, đồng thời là nơi giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với tư cách là người “khai sáng ý tưởng” xây dựng tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”, cho biết, xây dựng Tượng đài Gạc Ma để tri ân các liệt sĩ là nguyện vọng của nhân dân cả nước, đồng thời để giáo dục con cháu, lớp trẻ về lịch sử đấu tranh giữ chủ quyền biển đảo của dân tộc. Đây là công trình tri ân đặc biệt của nhân dân đối với các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; nhắc nhớ cho thế hệ trẻ trân trọng quá khứ và biết đấu tranh, bảo vệ giữ gìn Tổ quốc trong tương lai”.