Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lo bão số 1, Cà Mau, Bạc Liêu đề nghị Trung ương hỗ trợ

Trước tình hình dự báo bão số 1 ảnh hưởng trực tiếp vùng biển Cà Mau và Bạc Liêu, UBND các tỉnh này đề xuất Trung ương khẩn trương điều phương tiện hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn trên biển.

 

Đề xuất đưa tàu từ Kiên Giang qua Cà Mau cứu nạn

 

 Cà Mau đề xuất Trung ương điều tàu SAR 413 từ Kiên Giang qua hỗ trợ công tác cứu nạn. (Ảnh minh họa)

 

Chiều ngày 2/1, một báo cáo về tình hình bão số 1 của UBND tỉnh Cà Mau cho biết, theo Đài khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo đến 4h ngày 3/1, bão số 1 sẽ cách Mũi Cà Mau khoảng 200km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Mức độ nguy hiểm đối với các tàu cá của tỉnh Cà Mau càng tăng thêm.

Qua kiểm đếm, hiện có hơn 1.000 tàu hoạt động trên biển. Trong đó, có khoảng 279 tàu họat động ở khu vực Đông Nam Hòn Khoai đến Bãi cạn Cà Mau (nằm trong khu vực hướng đi của bão).

Theo UBND tỉnh Cà Mau, số tàu hiện đã neo đậu là 2.496 tàu. Trong đó, có 80 tàu đang neo đậu tại Hòn Chuối, hầu hết đây là số phương tiện nhỏ đang gặp khó khăn trong việc neo đậu, cũng như di chuyển vào đất liền vì đang gặp sóng to, gió lớn.

Trong khi đó, lực lượng cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện nay không thể hỗ trợ các tàu neo đậu tại đảo di chuyển vào bờ tránh trú bão, do phương tiện không đảm bảo an toàn với sóng to.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN điều động phương tiện đến khu vực Hòn Chuối và Hòn Khoai để hỗ trợ tỉnh Cà Mau thực hiện công tác cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Trước mắt, tỉnh Cà Mau đề xuất điều động tàu cứu hộ SAR 413 đang neo đậu tại Hòn Chông (tỉnh Kiên Giang) đến Hòn Chuối (tỉnh Cà Mau) để hỗ trợ tỉnh này.

 

Nhiều lồng bè nuôi thủy sản ở khu vực đảo Hòn Chuối (tỉnh Cà Mau).

 

Chủ tịch Bạc Liêu: “Không được lơ là, chủ quan trong ứng phó bão”

Trưa ngày 2/1, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã triệu tập cuộc họp khẩn với các sở, ngành, địa phương để triển khai phương án ứng phó với cơn bão số 1 (bão Pabuk) đang hướng vào vùng biển Nam Bộ.

 

 Bạc Liêu họp khẩn triển khai phương án ứng phó bão số 1 trưa ngày 2/1.

 

Tại cuộc họp, Đại tá Lưu Hoàng Hà - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bạc Liêu thông tin, tính đến hơn 9h ngày 2/1, hầu hết các tàu thuyền của Bạc Liêu đã vào bờ tránh trú bão an toàn tại các khu vực neo đậu ở Côn Đảo, Hòn Khoai, Rạch Gốc, Định An,…

Hiện có 3 phương tiện với 26 thuyền viên còn hoạt động trên biển. Trong đó, tàu cá số hiệu BL.935873TS có 9 thuyền viên (do bà Võ Thị Liêm, ngụ huyện Đông Hải, làm chủ) và tàu số hiệu KG.9959TS có 8 thuyền viên (do ông Trần Văn Nòng, ngụ huyện Đông Hải, làm chủ) do sóng to gió lớn, máy công suất nhỏ không chạy vào bờ tránh trú được, xin thả trôi sang vùng biển Indonesia tránh bão.

Còn tàu cá số hiệu BL.93683TS có 9 thuyền viên (do bà Vũ Thị Ánh Hường, ngụ huyện Đông Hải, làm chủ), do sóng to gió lớn không chạy vào bờ kịp, cũng xin thả trôi sang vùng biển Malaysia tránh bão.

Theo Đại tá Lưu Hoàng Hà, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thành lập một đại đội cơ động, một số phương tiện và Biên phòng các địa phương cũng duy trì 100% lực lượng, phiên tiện sẵn sàng cơ động khi có lệnh xử lý đối với ảnh hưởng của bão số 1.

Chỉ đạo Đồn biên phòng bật đèn báo bão, mở đài canh, cử cán bộ và chiến sĩ trực 24/24h; chỉ đạo Đồn Biên phòng Gành Hào bắn pháo hiệu cảnh báo bão theo quy định; nhiều lượt cán bộ, chiến sĩ xuống trực tiếp địa bàn để tuyên truyền, hướng dẫn người dân neo đậu tàu, chằng chống nhà cửa ở khu vực ven biển. 

 

Đến hơn 14h chiều ngày 2/1, địa bàn Bạc Liêu trời vẫn u ám, gió nhẹ, mưa vẫn còn dai dẳng dù không quá lớn.

 

Chủ tịch huyện Đông Hải - ông Bùi Minh Túy cho biết, có một số tàu đã vào vùng tránh trú ở khu vực Hòn Khoai nhưng có cái khó là chưa vào đất liền. Theo ông Túy, vì chủ phương tiện cũng thấy bão đi khá xa, nếu tàu cập bến thì ngư phủ sẽ lên bờ nên tập trung lại rất khó.

“Đông Hải là một trong những nơi diễn biến ảnh hưởng thiệt hại nhất nên huyện sẽ chủ động chỉ đạo đề phòng, xem tình huống để xử lý hạn chế thấp nhất thiệt hại người, tài sản có thể xảy ra”, ông Túy nói.

Ông Từ Minh Phúc - Chủ tịch huyện Vĩnh Lợi cho biết, huyện cũng đã tuyên truyền người dân chủ động trong việc phòng, chống, đặc biệt là diện tích lúa đang chuẩn bị thu hoạch cũng như xuống giống.

 

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung chỉ đạo tại cuộc họp.

 

Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các sở, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan dù theo dự báo hiện tại cơn bão số 1 không vào đất liền.

Về số lượng tàu thuyền đăng ký hoạt động trên biển, trong đó có 3 chiếc tàu xin thả trôi nói trên, ông Trung đề nghị không chỉ nhận thông tin liên hệ gián tiếp mà chính quyền địa phương phải đến từng nhà, lực lượng biên phòng gõ từng cửa để kiểm chứng kỹ lưỡng.

“Cần phải theo dõi sát, liên tục, thời gian còn lại ngắn, bão gần tới nên phải nắm kỹ tình hình của chiếc 3 tàu này để có phương án giúp đỡ sớm nhất”, ông Trung chỉ đạo rõ.

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị lực lượng vũ trang (công an, quân đội, biên phòng,…) phải chủ động trong mọi tình huống, phối hợp địa phương tính toán, lên phương án khả năng di dời dân kịp thời.

Xin hỗ trợ cứu tàu cá chết máy

Chiều tối ngày 2/1, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết, tỉnh đã có văn bản gửi Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN để xin khẩn trương hỗ trợ cứu tàu cá BL.93222TS (8 thuyền viên) bị chết máy đang trôi dạt trên vùng biển cách cửa biển Gành Hào khoảng 130km về hướng Đông Nam.

Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bạc Liêu, do các phương tiện cứu hộ cứu nạn của tỉnh Bạc Liêu không đủ khả năng ra khơi cứu hộ trong điều kiện trên biển có gió bão mạnh cấp 6. Tàu cá này do bà Nguyễn Thị Hân (ngụ huyện Đông Hải, ĐT: 0817117080) làm chủ; thuyền trưởng là anh Thành (ĐT: 0983929669, đang ở trên tàu); tần số liên lạc: 7906 Hz.