Tuy nhiên, ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, khẳng định: “Không phải ai nghỉ hưu sớm trước năm 2018 cũng có lợi hơn so với nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi”.
Muốn nghỉ hưu sớm
Chị V.T.Đ. (53 tuổi, đang làm việc tại một công ty nhà nước ở quận 8, TPHCM) cho hay, đến cuối năm 2017, chị đã làm việc và đóng BHXH được 20 năm. Tuy nhiên, so với điều kiện được hưởng hưu trí, lúc đó chị mới 53 tuổi, còn thiếu 2 tuổi theo quy định. “Năm 2018 áp dụng luật mới rồi, cuối năm 2017 tôi muốn nghỉ hưu sớm”, chị V.T.Đ. cho biết. Điều chị Đ. băn khoăn là chưa rõ nghỉ sớm có lợi hay nghỉ hưu đúng tuổi có lợi.
Người dân nhận lương hưu và chế độ BHXH tại Bưu điện trung tâm thị trấn Nhà Bè.
Cũng muốn nghỉ hưu sớm, anh N.V.C. (59 tuổi, công chức một sở tại TPHCM) kể anh đã có 33 năm công tác. Anh muốn nghỉ hưu trước tuổi nhưng cơ quan không giải quyết. Cơ quan anh C. đưa ra 4 nội dung/lý do mà người lao động được nghỉ hưu trước tuổi và cho rằng anh C. không nằm trong 4 diện đó. Còn anh L.V.M. (ngụ quận Gò Vấp) lại muốn nghỉ hưu ở tuổi 45! Anh M. cho biết đang làm việc ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và có 24 năm đóng BHXH. Công việc của anh M. thuộc diện lao động nặng nhọc, độc hại và giờ đây, anh chỉ muốn nghỉ hưu ngay.
Trước đó, cuối năm 2015, TPHCM đã diễn ra tình trạng ồ ạt đi giám định y khoa để nghỉ hưu sớm. Lượng người nghỉ hưu sớm tăng 30% so với năm 2014 nhằm tránh lộ trình bắt đầu tăng tuổi nghỉ hưu sớm (nam từ 50 lên 51, nữ từ 45 lên 46 tuổi và tăng dần hàng năm cho đến khi nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi) theo Luật BHXH sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ năm 2016. Liệu có tái diễn tình trạng nghỉ hưu sớm hàng loạt vào năm 2017?
Ông Trần Dũng Hà, Trưởng phòng Chế độ BHXH TPHCM, phân tích: Từ năm 2018, có một số thay đổi trong chế độ hưu trí. Bên cạnh việc tăng dần tuổi nghỉ hưu do giám định y khoa và tăng tỷ lệ trừ phần trăm (từ 1% lên 2%) tương ứng mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì từ 2018 trở đi có sự thay đổi về cách tính tỷ lệ phần trăm lương hưu đối với cả nam và nữ.
Cụ thể, với nam giới, tỷ lệ lương hưu 45% tương ứng với số năm đóng BHXH là 16 năm (nghỉ hưu năm 2018; hiện nay là 15 năm); 17 năm (nghỉ hưu năm 2019); 18 năm (năm 2020); 19 năm (năm 2021); 20 năm (từ năm 2022 trở đi). Sau đó cứ thêm 1 năm đóng BHXH thì tính thêm 2%, tối đa mức hưởng hưu trí là 75%. Với nữ giới, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng là 45% tương ứng 15 năm đóng BHXH; tuy nhiên, sau đó cứ thêm 1 năm đóng BHXH thì tính thêm 2% (trước năm 2018 là 3%), tối đa 75%.
Theo ông Trần Dũng Hà, với quy định trên thì cách tính tỷ lệ phần trăm lương hưu đối người lao động, đặc biệt là người nghỉ hưu trước tuổi từ năm 2018 trở đi sẽ ảnh hưởng nhiều đến mức lương hưu. Do đó, người lao động có tâm lý muốn giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động để đủ điều kiện nghỉ hưu trước năm 2018, nhằm hưởng tỷ lệ phần trăm lương hưu cao hơn so với nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi.
Lợi thì có lợi nhưng…
Quy định tính tỷ lệ phần trăm lương hưu từ năm 2018 trở đi ảnh hưởng đối với cả lao động nam và nữ. Ông Trần Dũng Hà phân tích, nếu người lao động suy nghĩ theo hướng nghỉ hưu sớm trước năm 2018 để 15 năm đầu đóng BHXH được tính hưởng 45% thì cũng cần lưu ý quy định sóng đôi là nghỉ hưu sớm mỗi năm sẽ bị trừ tương ứng 2% (trước năm 2016, tỷ lệ trừ chỉ là 1%)! Điều đó có nghĩa là, nếu lao động nghỉ hưu sớm 5 tuổi thì tỷ lệ phần trăm lương hưu sau khi tính tương ứng với số năm đóng BHXH, sẽ bị trừ tiếp 10%.
Trong khi đó, nếu tiếp tục đóng BHXH thêm 1 năm thì tỷ lệ lương hưu cũng tăng tương ứng 2%. Chưa kể, từ năm 2018, mức đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở tổng thu nhập của người lao động nên khi tính lương hưu thì có thể lương hưu cao hơn. “Có thể khẳng định rằng tỷ lệ phần trăm lương hưu sẽ thấp khi nghỉ hưu sớm và càng thấp hơn nếu thời gian đóng BHXH không nhiều. Chẳng hạn, lao động nam đủ điều kiện nghỉ hưu năm 2017 do suy giảm sức khỏe (nam 52 tuổi, suy giảm sức khỏe 61%), có thời gian đóng BHXH 20 năm (mức thấp nhất đủ điều kiện hưởng lương hưu) thì tỷ lệ phần trăm lương hưu chỉ là 39%”, ông Cao Văn Sang nhận xét.
Do lương hưu là chế độ người lao động được hưởng lâu dài, có khi đến mấy chục năm, nên nếu mức lương hưu khi bắt đầu nghỉ hưu thấp thì sẽ ảnh hưởng suốt cả thời gian về sau. Theo ông Cao Văn Sang, mỗi người có những yếu tố khác nhau về tuổi đời, thời gian đóng BHXH, mức lương đóng BHXH, điều kiện làm việc… nên khi giải quyết chế độ hưu trí cũng khác nhau. Do đó, không phải ai nghỉ hưu sớm trước năm 2018 cũng có lợi hơn so với nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi.
Theo SGGP/vietnamnet.vn