“Tôi yêu Việt Nam” là một chủ đề thách thức dành cho các thí sinh, bởi với chủ đề “quen mà lạ” này đòi hỏi các nhà thiết kế trẻ phải biết bứt phá, những thiết kế cần phải bộc lộ được phong cách riêng của chính mình. Mặt khác sáng tạo nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ của thời trang cao cấp và biết kết hợp với những bộ trang sức, bởi PNJ tìm kiếm sự sáng tạo mang đậm tính thời trang cùng khả năng kết hợp trang sức vào trang phục để tôn vinh giá trị của người mặc.
Quỳnh Anh giới thiệu bộ sưu tập lấy cảm hứng từ hang Sơn Đoong
Ở vòng bán kết này, các nhà thiết kế không chỉ thể hiện được tính sáng tạo từ những ý tưởng độc đáo của mình mà còn cần phải cho giám khảo thấy được khả năng hiện thực hóa một bộ sưu tập gồm 20 bộ trang phục trình diễn. Để có đầy đủ năng lực để tham dự Tuần lễ thời trang Vietnam International Fashion Week, các nhà thiết kế không chỉ cần biết về khả năng cắt may, mà còn phải hiểu và xử lý tốt chất liệu cũng như phụ kiện đi kèm phù hợp.
Đến với vòng bán kết cùng niềm hi vọng và ngọn lửa đam mê đang cháy hừng hực, các thí sinh đã cho ban tổ chức thấy được sự chỉn chu và đầu tư nghiêm túc trong những bảng ý tưởng mà các nhà thiết kế trẻ mang đến. Trải qua buổi thuyết trình đầy hóc búa với những câu hỏi và lời nhận xét cũng như chia sẻ tâm tình từ bốn vị Ban giám khảo. Thí sinh Nguyễn Ngọc Lê, sống và lớn lên ở Thủ đô Hà Nội nên Lê cảm nhận được những tinh hoa từ ngàn xưa của dân tộc. Có lẽ vì thế mà Ngọc Lê yêu hơn những giá trị dù rất nhỏ, nhưng là những nét truyền thống không bao giờ bị lãng quên của làng quê Việt Nam. Đó là mái đình, là gốc đa, giếng nước, hay hình ảnh người mẹ chờ con mỗi khi chiều tà. Bộ sưu tập này dường như đã truyền nguồn cảm hứng đến với ban giám khảo, do vậy mà Ngọc Lê đã được nhà thiết kế Công Trí hỏi sâu thêm về cách xử lý chất liệu, vì đây sẽ là một thách thức rất lớn đối với Lê trong quá trình thực hiện bộ sưu tập của mình.
Top 6 nhà thiết kế trẻ vào vòng chung kết.
Đặc biệt, thí sinh Phạm Hữu Sang đã chọn thực hiện bộ sưu tập của mình từ chất liệu là vải thổ cẩm của dân tộc Mông, nhưng lại một xây dựng theo phong cách hoa lệ của nước Pháp. Đây là ý tưởng được đánh giá cao từ bà Lê Thị Quỳnh Trang, Chủ tịch và là nhà sáng lập nên Vietnam International Fashion Week. Bà Quỳnh Trang cho biết, bấy lâu nay bà luôn trông đợi một nhà thiết kế tài năng có thể thổi được cái hồn vào thứ chất liệu vô cùng đặc biệt và thú vị này. Chính nhà thiết kế Nguyễn Công Trí cũng đã từng thực hiện một bộ sưu tập bằng thổ cẩm cách đây rất lâu, nhưng vẫn chưa cảm thấy hài lòng. Tuy nhiên, bộ sưu tập của Hữu Sang được cho là quá rườm rà, chưa bật lên được tính chất thời trang cao cấp và cần phải tinh tế hơn nữa trong việc xử lí chất liệu thổ cẩm.
Là một trong những thí sinh tiềm năng, Cao Quỳnh Anh là thí sinh dễ dàng dành được tấm vé bước vào bán kết từ ban giám khảo. Quỳnh Anh giới thiệu bộ sưu tập vô cùng đặc biệt lấy cảm hứng từ hang Sơn Đoong.
Cuối cùng, ban giám khảo đã chọn ra Top 6 nhà thiết kế trẻ vào vòng chung kết. Đó là Nguyễn Xuân Cường, Thái Bình; Nguyễn Ngọc Lê, Hà Nội; Cao Quỳnh Anh, Hà Nội; Nguyễn Xuân Hà An, Hà Nội; Lê Thị Anh Thư, Lào Cai; Nguyễn Minh Công, Vĩnh Long