Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lo hè cho trẻ em giữa "mùa Covid"

(Dân sinh) - Năm nay là năm thứ hai trẻ em cả nước lặng lẽ bước vào kỳ nghỉ hè khi cha mẹ canh cánh nỗi lo dịch bệnh.

Phải làm gì để trẻ có được một mùa hè an toàn và khỏe mạnh đang là mục tiêu hàng đầu của rất nhiều bậc cha mẹ - nhất là với những gia đình ở các vùng "tâm dịch" và các thành phố.

Lo hè cho trẻ em giữa "mùa Covid" - Ảnh 1.

Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, có lẽ suốt mùa hè sẽ chẳng có lấy một trại hè hay những hoạt động văn hóa - thể thao quy mô lớn. Cũng khó có được những buổi sinh hoạt ngoài trời, dù chỉ với hình thức tự phát dành cho trẻ ở một khu phố, thôn hay một nhóm bạn... "Ở nhà là thượng sách" - đó không phải là một "khẩu hiệu suông" mà gần như là mệnh lệnh bắt buộc, nhằm bảo vệ sự an toàn cho trẻ.

Gần 3 tháng hè, hàng chục triệu trẻ em sẽ phải "sống khép kín" trong bốn bức tường. Và khi ấy, căn nhà cần trở thành một thế giới thu nhỏ để trẻ khám phá, học hành, vui chơi tiêu khiển và rèn luyện thể chất... Thực tế đó đặt ra bài toán khó, đòi hỏi ở phụ huynh nhiều kỹ năng, không chỉ là kèm cặp, hướng dẫn trẻ sử dụng thời gian cho có ích mà còn cần phải biết "đầu tư đúng hướng" để trẻ có thêm những "phương tiện" vừa vui chơi giải trí, vừa bồi bổ kiến thức, vừa có thể rèn luyện nâng cao thể lực.

Không nghi ngờ gì, những chiếc tivi thông minh hoặc những thiết bị di động sẽ "làm bạn" với trẻ trong suốt thời gian dài. Trong thời gian cha mẹ đi làm, nếu không có sự hướng dẫn và quản lý tốt, trẻ có thể "lục lọi" đủ thứ trên mạng và nguy cơ tiếp cận với những nội dung xấu, độc hại là khó tránh khỏi. Trong khi việc sử dụng công cụ cộng nghệ để quản lý, loại bỏ các nội dung xấu độc gần như là "bất khả thi" thì điều vô cùng cần thiết là phụ huynh dành thời gian để trò chuyện, giảng giải cho trẻ về những nguy hại của các chương trình có nội dung không phù hợp, để trẻ nhận thức được vấn đề và tự giác "né tránh".

Theo một số chuyên gia giáo dục, tốt nhất là phụ huynh tìm cách truyền cho trẻ niềm say mê đọc sách, phát triển năng khiếu và chơi những trò chơi vận dụng trí tuệ, hoặc trò chơi có tác dụng rèn luyện thể lực, từ đó hạn chế thời gian tiếp xúc với các thiết bị công nghệ.

Như vậy, phụ huynh không chỉ cần đầu tư mua sắm sách vở, đồ chơi, dụng cụ tập luyện thể lực mà còn phải dành thời gian cùng con đọc sách, chơi đàn hoặc tập vẽ, tập luyện thể lực... Để làm được những điều đó, hẳn những bậc cha mẹ sẽ phải rất cố gắng vượt qua sự mệt mỏi của công việc, tạm gạt sang một bên áp lực của cuộc sống. Tất nhiên là không dễ nhưng có thể làm được khi tình yêu thương dành cho con của người làm cha, làm mẹ được đặt lên hàng đầu.

Kỳ nghỉ hè "năm Covid thứ hai" đã bắt đầu theo cách không ai mong muốn. Mong các bậc cha mẹ hãy cố gắng dành cho con những gì tốt nhất có thể, để các con vẫn có được một mùa hè lành mạnh, an toàn, bổ ích.