Việc nhiều người Trung Quốc đến Đà Nẵng làm hướng dẫn viên du lịch chui, xuyên tạc lịch sử Việt Nam, theo đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, là một lỗ hổng rất lớn của ngành du lịch không chỉ riêng Đà Nẵng, Nha Trang mà còn nhiều địa phương khác.
"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", ông nói, "trước hết phải trừng trị những người sử dụng, tiếp tay cho họ bởi họ mượn những tổ chức lữ hành của Việt Nam mà người Việt Nam vẫn dung túng chuyện đó".
|
Nhà sử học Dương Trung Quốc. |
Để xử lý thực trạng này, ông Quốc cho rằng các ngành chức năng phải làm đúng luật, trước hết không chỉ xử lý người du lịch mà phải đánh vào cơ quan quản lý du lịch, lãnh đạo ngành du lịch khi quản lý cứ nói thiếu cái này, cái khác mà không đưa ra được giải pháp nào.
"Mình phải ra điều kiện nếu không có phiên dịch tiếng Trung Quốc thì không cho đưa khách Trung Quốc vào, đơn giản thế thôi. Phải có tỷ lệ bao nhiêu khách thì cần hướng dẫn viên và hướng dẫn viên này phải là người Việt Nam", ông Quốc đề xuất.
Trước tình trạng nhiều hướng dẫn viên người Việt làm sitting guide (hướng dẫn viên đi cùng chỉ để đối phó cơ quan chức năng), ông Quốc cho rằng việc xử lý sẽ rất khó, vì hướng dẫn viên người Trung Quốc khi bị kiểm tra đã có người Việt đứng ra trình thẻ, họ sẽ chối và cho rằng là khách du lịch đang nói chuyện với nhau, không phải đang dẫn khách.
"Nói thì rất khó nhưng những nhà quản lý không thực hiện trách nhiệm của mình, mình phải xử lý mình trước đi", ông Quốc thẳng thắn và cho biết không chỉ xuyên tạc lịch sử, hành vi đốt tiền Việt trong quán bar ở Đà Nẵng phải bị trừng trị.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, cho biết tất cả mọi việc khi đã vượt quá khả năng đáp ứng, năng lực quản lý thì cũng vỡ trận và không kiểm soát được. Tâm lý những người làm du lịch ở các địa phương là khách đến càng đông càng tốt. Nhưng không thể làm du lịch một cách bất chấp.
"Việc quản lý của ngành du lịch nói chung, theo tôi thực trạng bây giờ là quản lý một cách lung tung, thích làm gì thì làm, và hậu quả để hướng dẫn viên dẫn khách đi chui, xuyên tạc lịch sử, không thể chấp nhận được. Người Trung Quốc đến Việt Nam xuyên tạc lịch sử bây giờ là vấn đề của cả đất nước chứ không phải của bất kỳ địa phương nào", ông Sự nói.
Ông Sự cho rằng, cái yếu hiện nay là trình độ ngoại ngữ của hướng dẫn viên và cơ quan chức năng quản lý du lịch. Muốn kiểm soát được khách và hướng dẫn viên người Trung Quốc nói gì, có xuyên tạc lịch sử hay không thì phải biết tiếng của họ mới chấn chỉnh, nhắc nhở và quản lý được.
"Phải đào tạo ngôn ngữ tiếng Trung cho lực lượng chức năng. Bây giờ là thời kỳ hội nhập rồi, phải có điều kiện cán bộ biết được bao nhiêu ngoại ngữ. Mình đi đào tạo nhiều thứ tốn cả đống tiền nhưng đào tạo ngoại ngữ lại không làm", ông Sự nói.
Không quản được lãnh thổ đất liền sẽ khó quản lý trên biển
Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã phỏng đoán việc hướng dẫn viên Trung Quốc xuyên tạc "Việt Nam vẫn phải triều cống cho Trung Quốc" xuất phát từ câu chuyện từ thời phong kiến. Khi "cá lớn nuốt cá bé", các nước nhỏ có cách ngoại giao khôn ngoan là triều cống cho những nước lớn.
|
Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Ở Việt Nam, dù người anh hùng Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, nước ta sau đó vẫn dùng cách ngoại giao này vì Trung Quốc là nước lớn hơn. Các thời hoàng đế sau vẫn giữ việc triều cống cho Trung Quốc.
"Đến năm 1884, khi triều đình nhà Nguyễn và thực dân Pháp ký hòa ước công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Việt Nam, không phụ thuộc vào Trung Quốc, việc triều cống đã chấm dứt", nhà sử học Nguyễn Nhã nói, "sau hai thế chiến, trật tự thế giới đã được sắp xếp".
"Theo tôi sau này bất cứ một siêu cường nào cũng không thể coi thường nước khác vì đã có tổ chức thế giới là Liên Hợp Quốc. Những gì Trung Quốc đang nghĩ là lạc hậu. Người dân chúng ta thì không được biết, nên bây giờ quyền lực mềm, tức là báo chí phải lên tiếng, phải nói sự thật ra sao để người dân trong nước cũng như thế giới biết người Trung Quốc đang xuyên tạc thế nào", ông Nhã nói.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã cũng cho rằng, khi người Trung Quốc đã giáo dục cho người dân nước họ như thế thì trước mắt Việt Nam mình cũng phải giáo dục cho người dân Việt Nam về lịch sử nước mình, như việc xưng hoàng đế, tự lực tự cường ra sao và mình không phải là thuộc quốc của Trung Quốc.
"Mình khẳng định như thế thì lòng dân, lòng người sẽ có ý chí, tự giác để giữ mình, biết họ nói sai hay nói đúng", ông phân tích.
Không chỉ xuyên tạc lịch sử, người Trung Quốc còn mua đất đai, xây nhà cửa tại nhiều thành phố của Việt Nam nhờ người Việt đứng tên. Nhà sử học Dương Trung Quốc đề nghị phải có chế tài không cho chuyển đổi tài sản cho người Trung Quốc. Chuyện cả dãy phố người Trung Quốc mua trá hình thì phải xử lý, chứ không thể để đến khi mọi chuyện đã rồi.
Đà Nẵng đang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, thu hút đông lượng khách là người Trung Quốc. Ảnh minh họa: Nguyễn Đông.
"Nhiều cửa hàng bán nệm cao su hay dịch vụ cho người Trung Quốc còn đóng kín cửa với người Việt là không được. Tại sao lại có chuyện lãnh thổ, chủ quyền của mình lại tồn tại chuyện đó. Mà chủ quyền đất liền không quản lý được thì sao quản lý được ở trên biển", ông Quốc nêu quan điểm.
Theo ông, khi phát hiện ra phải bịt ngay lỗ rò. "Trách nhiệm đầu tiên là lãnh đạo địa phương, cho đến những doanh nghiệp người Việt Nam để người Trung Quốc lợi dụng trá hình. Cứ phạt thật nặng mới có thể xử lý được. Ta phải xử lý chính người chúng ta, chứ không chỉ xử lý khách nước ngoài", ông Quốc nói thêm.