Luật chưa “phủ sóng” đến hết phụ nữ bị bạo hành
Thực tế hiện nay bạo lực gia đình đã trở thành vấn nạn xã hội đáng báo động. Theo số liệu thống kê từ năm 2011 đến 2015, có 157.859 vụ bạo lực gia đình, trong đó trường hợp nạn nhân là nữ chiếm 74,24%, trẻ em chiếm 11,4%, người cao tuổi chiếm 8,91% và ở nam giới là 3%; Trong số 492.520 vụ ly hôn đã giải quyết thì nguyên nhân từ bạo lực gia đình chiếm 83,78%. Mỗi năm có hơn 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Tại các bệnh viện, các trung tâm, phòng cấp cứu lớn của cả nước cũng ghi nhận có đến hơn 27% phụ nữ bị nhập viện, hơn 10% phải điều trị y khoa nghiêm trọng bởi bạo lực gia đình. Theo đánh giá của Cơ quan Liên hợp quốc về Phòng chống tội phạm và ma túy (UNODC) năm 2011 về thực trạng của phụ nữ trong hệ thống pháp lý hình sự cho thấy, không có nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình được tiếp cận hỗ trợ pháp lý và có đến 77% các trường hợp nín nhịn, không trình báo với cơ quan chức năng.
Lý giải về tình trạng này, nhiều ý kiến nhận định, điều này xuất phát từ nhận thức của xã hội cũng như quan niệm phong kiến của người Việt Nam. Những suy nghĩ “trong nhà đóng cửa bảo nhau” hay “đừng vạch áo cho người xem lưng”, “xấu chàng hổ ai” khiến phụ nữ khi bị bạo hành họ thường chịu đựng không chia sẻ với ai trừ những người rất thân thiết trong gia đình. Bên cạnh đó, cơ chế bảo vệ người bị bạo hành, kể cả mặt pháp luật và xã hội còn rất hạn chế.
Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2006 thì phụ nữ bị bạo lực gia đình chưa được quy định là đối tượng TGPL. Cụ thể, người được TGPL chỉ bao gồm: người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật, nạn nhân bị buôn bán, người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn.
Tại hội thảo “Hỗ trợ pháp lý và tiếp cận pháp lý cho phụ nữ tại Việt Nam”, TS. Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng: Quy định diện người trợ giúp pháp lý hiện nay còn “bỏ rơi” nhiều đối tượng, dẫn tới nhiều diện người cần được trợ giúp pháp lý, trong đó có các nạn nhân của bạo lực gia đình không được hưởng chính sách này. Chưa kể, hệ thống văn bản hướng dẫn cụ thể về trợ giúp pháp lý trong phòng, chống bạo lực gia đình chưa đầy đủ khiến các tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý thiếu cơ sở để thực hiện. “Với những bất cập hiện nay, khung pháp luật về hỗ trợ pháp lý và tiếp cận pháp lý cho phụ nữ ở Việt Nam cần phải được bổ sung, hoàn thiện. Hiến pháp 2013 đã bổ sung nhiều điều khoản bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền con người. Do đó, pháp luật cần có cơ chế để bảo vệ phụ nữ trước sự đe dọa của các tệ nạn xã hội, các hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ, hành vi bạo lực giới hoặc tội phạm buôn bán phụ nữ” – TS Minh đề xuất.
Bảo đảm quyền tiếp cận pháp lý cho phụ nữ
Bà Dương Thị Ngà – Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Lâm Đồng ho rằng, Liên Hợp Quốc đã thông qua Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030. Theo đó đến năm 2030, bảo đảm tất cả nam giới và nữ giới, đặc biệt là người nghèo và những người dễ bị tổn thương có quyền bình đẳng về các nguồn lực tài chính cũng như có khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Do vậy, để hoàn thiện pháp luật về trợ giúp pháp lý, cần bổ sung đối tượng được trợ giúp pháp lý là nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới, phụ nữ đang mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ là nạn nhân của vụ việc hôn nhân có yếu tố nước ngoài do bị cưỡng ép, lừa dối. Việc quy định rõ về đối tượng như vậy sẽ là cơ sở pháp lý đầu tiên, quan trọng bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của phụ nữ, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đời sống hiện nay; đồng thời tạo điều kiện cho công tác trợ giúp pháp lý phát triển toàn diện và thực chất hơn.
Ngoài ra, cần pháp điển hóa một số quy định tại Thông tư số 11/2014/TT-BTP ngày 17./4./2014 của Bộ Tư pháp quy định về bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý và đưa vào Luật. Đó là các quy định: Khi xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch trợ giúp pháp lý hàng năm hoặc triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm xác định, phân tích vấn đề giới và đề ra các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý. Khi phát hiện người được trợ giúp pháp lý là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, nạn nhân bị xâm hại tình dục, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thông tin, phối hợp với cơ sở trợ giúp, hỗ trợ nạn nhân để thực hiện biện pháp hỗ trợ, bảo vệ và trợ giúp theo quy định của pháp luật. Quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, nạn nhân bị xâm hại tình dục, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý chuyển vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý hoặc đề nghị cơ quan công an có biện pháp hỗ trợ, bảo đảm an toàn cho nạn nhân.
TS. Nguyễn Thị Minh cho biết, để phù hợp với bản chất của hoạt động TGPL là Nhà nước giúp các đối tượng yếu thế, những người không có khả năng tài chính để thuê dịch vụ pháp lý khi họ phải đối mặt với những vấn đề pháp lý, dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) đã bổ sung mới một số đối tượng chưa được pháp luật hiện hành quy định, bao gồm người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; nạn nhân trong vụ việc bạo lực trên cơ sở giới có hoàn cảnh khó khăn về tài chính.
Các chuyên gia đánh giá, việc sửa đổi Luật TGPL đang mang lại nhiều cơ hội để giải quyết những “lỗ hổng” trong khung luật pháp về TGPL, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận pháp lý cho phụ nữ ở Việt Nam.