Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lo ngại với miếng dán chống bắn tốc độ đang được tài xế săn lùng

Theo thông tin PV thu thập được, khi dán đè những miếng decal lên biển số xe, công cụ bắn tốc độ sẽ bị vô hiệu hóa. Lực lượng CSGT cũng thừa nhận, khi miếng dán này tràn về Việt Nam sẽ gây không ít khó khăn cho công tác kiểm tra tốc độ xe trên đường.

 

Loại miếng dán khiến camera không ghi lại được biển số. (Ảnh chụp từ video). Ảnh C.Tuân

Săn lùng miếng dán “thần kỳ”

Mới đây, trên một diễn đàn về ô tô có đăng tải một đoạn video clip ghi lại một thí nghiệm về miếng dán “thần kỳ”, giúp vô hiệu hóa việc chụp hình của dụng cụ bắn tốc độ. Trong clip, một người đàn ông nói tiếng Nga, dùng những miếng decal có in sẵn các con số có cùng kích cỡ và dán đè lên các con số của biển số xe.

Điều đặc biệt, bình thường trước khi dán biển số thì các thiết bị camera có thể ghi lại dễ dàng hình dạng, biển số của người vi phạm. Tuy nhiên, sau khi được “phủ” decal mới lên và sử dụng camera để chụp hình, các con số đều bị “hô biến” thành một nền trắng xóa.

Sau khi đăng tải trên mạng, đoạn video clip này đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là cánh tài xế. Không ít trong số đó đều tỏ ra thích thú với màn “ảo thuật” những con số trên biển số xe này. “Nếu mua được miếng dán này để gắn vào biển số xe thì sướng quá. Khỏi lo bị CSGT bắn tốc độ. Mình phải săn lùng mua cho bằng được”(?), Phan Sơn, một người từng xem clip trên, bình luận.

Nhiều người khác “mách” nhau tìm đến các khu chợ trời để hỏi mua và đặt hàng miếng dán này từ nước ngoài về. Một số thành viên khác khẳng định, mặt hàng này đã về Việt Nam và họ từng tận mắt thấy nó có tác dụng che biển số xe khi bị bắn tốc độ.

Để tìm hiểu thực hư, phóng viên đã tìm đến nhiều cửa hàng bán phụ tùng, dán đề can và nội thất ô tô ở Chợ trời (ở phố Thịnh Yên, Hà Nội). Khi nghe hỏi, một chủ cửa hàng phụ tùng ô tô cho hay: “Dạo này thấy nhiều người đến đây tìm mua miếng dán xóa biển số khi bị bắn tốc độ. Tôi cũng đang nhờ một số anh em chuyên nhập hàng điện tử từ nước ngoài về xem có không để lấy về bán”. Người chủ cửa hàng này cũng giới thiệu chúng tôi lên phố Trần Nhật Duật thì “may ra có”.

Trái ngược với những suy đoán, tại phố Trần Nhật Duật, các chủ cửa hiệu tỏ ra bất ngờ trước thông tin bán “miếng dán thần kỳ” chống bị CSGT bắn tốc độ này. Họ cho biết, đó chỉ có ở nước ngoài thôi chứ ở Việt Nam thì tuyệt nhiên chưa thấy xuất hiện loại decal như chúng tôi tìm hiểu.

Ông Nguyễn Văn Huy, chủ một cửa hiệu nội thất, phụ tùng ô tô trên con phố này cho biết: “Trước đây tôi cũng thấy một số người bán miếng dán decal vào biển số ô tô để tạo lóa khi bị camera ghi hình để tránh bị bắn tốc độ. Thực hư về tác dụng của nó thế nào thì tôi không rõ, nhưng thời gian gần đây, tuyệt nhiên không thấy xuất hiện nữa”.

Cũng theo ông Huy, có khá nhiều khách hàng tới con phố này để tìm mua loại “miếng dán” đó nhưng tất thảy đều tiu nghỉu khi biết ở đây không có. Để chiều lòng khách, người đàn ông này giới thiệu... một số sản phẩm tương tự để đối phó với lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ kiểm tra tốc độ(!?).

Nhiều chiêu chống lại… CSGT

 Một loại thiết bị được giới thiệu có khả năng gây nhiễu, phá sóng súng bắn tốc độ của CSGT.

Một loại thiết bị được giới thiệu có khả năng gây nhiễu, phá sóng súng bắn tốc độ của CSGT.

Ngoài miếng dán “thần kỳ” như chúng tôi đã nói trên, trên con phố Trần Nhật Duật còn có rất nhiều thiết bị được cánh tài xế săn lùng như máy dò sóng từ của súng bắn tốc độ. Thiết bị này to tựa bao thuốc lá, khi phát hiện thiết bị bắn tốc độ sẽ phát những tiếng kêu “bíp bíp” để báo hiệu cho tài xế giảm tốc độ.

“Còn rất nhiều thiết bị có tính năng vô hiệu hoá máy bắn tốc độ của CSGT. Kể cả súng laze được nhập từ Mỹ về. Thiết bị này có 15 tần sóng gồm 6 dải radar, 7 tần số laser và 2 tín hiệu an toàn. Với các súng bắn tốc độ của CSGT hiện nay, nó đều bắt được hết. Khoảng cách bắt sóng lên đến 2 km, tha hồ tài xế điều chỉnh tốc độ”, một chủ cửa hiệu trên phố này “nổ”. Tuy nhiên khi được hỏi xem sản phẩm thì ông trả lời do hàng khan hiếm nên không còn.

Tại khu phố này, nhiều chủ cửa hàng còn quảng cáo về những thiết bị có khả năng phá sóng súng bắn tốc độ. Loại hàng này có giá tính bằng hàng nghìn USD. Theo quảng cáo, thiết bị này khiến CSGT “vừa giơ súng lên bắn xe chạy quá tốc độ nhưng lại phải hạ xuống vì tín hiệu ghi tốc độ bị vô hiệu hoá”?.

Anh Nguyễn Văn Hải (tài xế xe tải, quê Nam Định) kể, cách đây vài năm, nhiều tài xế chạy tuyến Bắc - Nam và xe du lịch đã tìm mua những thiết bị phá hoặc phát hiện sóng để đối phó CSGT sử dụng súng bắn tốc độ. Mỗi lần phát hiện sóng súng bắn tốc độ, máy sẽ phát tín hiệu “tít tít...”. Tuy nhiên, mặt hạn chế của loại máy này mỗi khi đi ngang qua bất kỳ trạm thu phát sóng hoặc hệ thống thiết bị điện tử tự động... thì máy cũng phát tín hiệu báo; hơn nữa nhiều xe có gắn thiết bị này cũng bị CSGT bắn tốc độ như thường, nên nhiều chủ phương tiện đã tháo bỏ.

“Sau thời gian ngắn sử dụng, nhiều người đã bỏ vì máy thường phát tín hiệu sai làm người lái khó tập trung được nên rất nguy hiểm”, Hải nói. Cũng theo lời Hải, trên thị trường nhiều loại máy này được người bán giới thiệu là hàng Mỹ, Đức, Đài Loan... nhưng phần lớn là hàng nhập lậu từ Trung Quốc.

* Lo ngại miếng dán “bảo bối” tràn về Việt Nam

Trao đổi với PV, Thiếu tá Lê Hồng Thái, Phó phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Trong quá trình làm việc, tôi cũng nghe nói về thiết bị dán biển số xe khiến súng bắn tốc độ không thể ghi lại được biển số. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi chưa từng phát hiện trường hợp nào có gắn miếng dán trên”. Trung tá Nguyễn Quốc Ân, Trạm trưởng Trạm CSGT Quốc lộ 1A, Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình cũng cho hay: “Nếu miếng dán nói trên xuất hiện ở Việt Nam thì rất nguy hiểm. Vì tâm lý nhiều tài xế xe tải, xe khách luôn muốn trang bị thêm những thiết bị này nhằm che đậy những vi phạm của mình khi tham gia giao thông”.

* Thu giữ nhiều thiết bị vô hiệu hóa súng bắn tốc độ của CSGT

Thông tin từ Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho hay, đơn vị này từng phát hiện và thu giữ lô hàng thiết bị điện tử dùng để phá sóng súng bắn tốc độ được nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh hàng không. Những sản phẩm này có xuất xứ từ Đan Mạch, dùng để lắp trên các loại xe ô tô nhằm phát hiện và vô hiệu hóa sóng phát ra từ súng bắn tốc độ của lực lượng CSGT. Đây là mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu nên lực lượng Hải quan đã bắt giữ và xử lý theo quy định.