Không trả lại tiền nên… hô biến thành nợ nần
Theo đơn phản ánh đến các cơ quan báo chí của ông Nguyễn Đại, ở xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), trong hai năm 2010 và 2013, nhờ người quen giới thiệu, ông và nhiều người đã đến Cty TNHH xuất nhập khẩu Phúc Khang làm thụ tục cho con đi du học Hàn Quốc.
Ông Đạo nói: “Khi gặp ông Nguyễn Tuấn Anh, mỗi người chúng tôi đã nộp 3.000 USD tiền đặt cọc cho để anh này làm thủ tục để đi Hàn Quốc. Khi nhận tiền xong, ông Tuấn có hứa hẹn với chúng tôi, 3 tháng sau sẽ xuất cảnh được sang Hàn Quốc. Thế nhưng, không hiểu vì sao, những lời hứa hẹn của ông Nguyễn Tuấn Anh không thành hiện thực, để rồi bắt người dân phải ngóng đợi. Sau một năm trời, chờ đợi không được, những người dân này đã kéo nhau ra Cty để đòi lại tiền đặt cọc đã đưa trước đó cho ông Nguyễn Tuấn Anh”.
Đơn thư người dân gửi các cơ quan chức năng và báo chí.
Theo phản ánh của ông Lê Văn Đồng, cũng ở xã Xuân Liên: “Lần đầu họ ra đòi tiền, ông Tuấn Anh hứa 1 tháng sau sẽ trả lại hết tiền. Đến hẹn, mọi người tiếp tục lặn lội đến công ty gặp Tuấn Anh nhưng ông này chỉ trả xé nhỏ từng ít và hứa hẹn trả dần”.
Còn anh Nguyễn Duy H, liên quan đến vụ việc trên cho biết: “Sau những lần hứa hẹn, lần này đến lần nọ, ông Tuấn Anh lấy cớ lẩn tránh, “chây ỳ” số tiền phải trả cho dân nghèo chúng tôi. Thế rồi sau bao ngày đến công ty “nằm chờ” ông Tuấn Anh mới trả cho chúng tôi 2.000 USD, thiếu mỗi người 1.000 USD. Ông ấy tiếp tục hứa 1 tháng sau sẽ trả hết. Nhưng từ ngày đó đến nay, chúng tôi không liên hệ được”.
Trước thông tin mà bạn đọc phản ánh, phóng viên Báo LĐ&XH đã trực tiếp đến làm việc với ông Nguyễn Tuấn Anh. Tại buổi làm việc, ông Tuấn đã thừa nhận việc mình đã ký nhận nhiều tiền của của rất nhiều trường hợp, nhưng con số cụ thể vị giám đốc này lẩn tránh không trả lời. Ông Tuấn Anh biện dẫn: “Tôi cầm tiền chỉ là “cầm hộ” cho nguời ta (tức người dân- Pv). Nhận để làm giấy tờ cho nguời ta thôi. Khi làm giấy tờ xong, tôi chuyển sang cho người Hàn Quốc họ làm. Nguời ta gửi tiền vì họ tin vào tôi thôi”.
“Nợ tiền” hay lừa đảo?
Ông Tuấn Anh cho biết, ngày xưa tôi làm giấy tờ cho con ông Đồng và ông Đại đi sang Hàn Quốc... Sau đó, qua mối quan hệ này, nguời ta bắt đầu chuyển tiền cho tôi làm hộ giấy tờ đi Hàn Quốc. Nói về việc “chây ỳ” trong việc trả lại tiền cho nguời dân nghèo khi không làm được thủ tục sang Hàn Quốc, ông Tuấn cho biết: “Tôi cầm và còn nợ của nguời ta thì tôi trả dần?”. Hứa hẹn trả lại nhưng bao giờ trả thì ông Tuấn khước từ không trả lời.
Địa chỉ nơi ông Nguyễn Tuấn Anh làm việc và giao dịch.
Trước đó, theo phản ánh của người lao động, họ đã thuờng xuyên tìm mọi cách liên lạc với ông Tuấn Anh nhưng ông này vẫn trốn tránh. Nhưng vẫn nghênh ngang nói: “Với tôi nợ nghìn tỷ còn lo được nữa là... Số tiền tôi nợ người lao động chỉ là con số quá nhỏ”. Theo lời giải thích của ông Tuấn Anh, số tiền vài chục triệu đồng với ông là chuyện nhỏ. Tuy nhiên với người dân nghèo đấy thực sự là món tài sản lớn sau nhiều năm làm mới tích cóp được.
Trước sự việc trên, dự luận cho rằng, nếu ông Tuấn Anh bảo số tiền mà “mình vay” của người dân, khi nào xong việc ông sẽ trả là điều vô cùng phi lý. Trong khi đó, ông Tuấn khoe, mình có rất nhiều tiền và với một người nhiều tiền như vậy, tại sao lại phải “vay”, giữ tiền của người dân lao động!? Dư luận đang đặt ra câu hỏi, phải chăng, ông Tuấn Anh cố tình “lẩn tránh” hay một ý đồ nào khác để “cuỗm” số tiền còn lại mà mình đang cầm?
Báo LĐ&XH, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ sự việc, đảm bảo quyền lợi cho nguời lao động.