Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Loại bỏ “né tránh, đùn đẩy” trong giám định tư pháp

Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả giám định tư pháp (QĐ 258//QĐ-TTg), tổ chức tại Hà Nội, ngày 25/11.

 

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Đề án 258 (từ năm 2010) công tác giám định tư pháp đã có những bước chuyển biến quan trọng về nhiều mặt, song cũng còn những vướng mắc, tồn tại trong đó có công tác giám định phục vụ giải quyết án kinh tế tham nhũng.

Báo cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng cho thấy vẫn còn hiện tượng “đùn đẩy”, né tránh trách nhiệm thực hiện giám định, thời gian thực hiện giám định một số vụ việc kéo dài gây khó khăn cho hoạt động tố tụng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng.

Cán bộ phòng Cảnh sát hình sự (Công an Tây Ninh) giám định tang vật một vụ án

“Trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ và chủ động hội nhập quốc tế, các giao dịch kinh tế, dân sự sẽ phát triển mạnh mẽ, yêu cầu đặt ra đối với công tác giám định tư pháp trong việc cung cấp chứng cứ có tính khoa học, độc lập, khách quan, tạo tiền đề cho việc giải quyết các vụ việc chính xác, đúng pháp luật ngày càng nặng nề…”- Phó Thủ tướng phát biểu.

Về công tác giám định tư pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo tháo gỡ ngay những vướng mắc về giám định trong các vụ án tham nhũng, kinh tế để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Tập trung tháo gỡ ngay các vướng mắc như: chi phí giám định, quy chế quan hệ phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Y tế còn chưa tốt, gây lúng túng ở địa phương.

Cần chỉ rõ lý do giám định chậm trễ, những trường hợp từ chối, né tránh việc giám định, có biện pháp để giải quyết kịp thời, chất lượng. Các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương chỉ đạo thực hiện việc thống kê, đánh giá yêu cầu giám định cũng như sử dụng kết quả giám định, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan quản lý giám định tư pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.

“Bộ Tư pháp căn cứ kết quả hội nghị để xây dựng báo cáo trình Thủ tướng xem xét, thực hiện Đề án đến năm 2020 gắn với cải cách tư pháp và thực hiện Luật Giám định tư pháp, tiếp tục hoàn thiện thể chế giám định tư pháp và tổ chức giám định tư pháp, tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của hoạt động tố tụng…”- Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo.