Người mẹ của những hài nhi
Chị Cúc cứ bị ám ảnh với những hài nhi xấu số, nằm lăn lóc giữa bãi rác, khiến chị mãi đau lòng, thương xót. Những hình ảnh đó đã thôi thúc chị phải làm gì đó cho các con. Dù đội mưa giữa đêm khuya, hay giá rét như những mũi kim châm vào từng thớ da thịt, chị Cúc vẫn âm thầm đến ...bãi rác, đến một số bệnh viện, phòng khám thai cả ở trong và ngoài tỉnh Hà Nam để “xin” xác những hài nhi xấu số về tắm rửa sạch sẽ, rồi cất trong… tủ lạnh, sau đó khâm liệm mang chôn cất.
Hàng nghìn người cùng làm lễ cầu siêu cho các thai nhi xấu số tại nhà nguyện thôn Phú Đa.
Chứng kiến việc làm không bình thường của chị Cúc, lúc đầu rất nhiều người không ủng hộ, thậm chí có người bảo “con này... bị điên” nên mới nhặt “của trời ơi đất hỡi” về cất ở nhà, sau đó mới mang đi chôn... Đến các bệnh viện hay phòng khám, để xin lại xác của các hài nhi, chị Cúc cũng vướng phải sự phản đối, nghi ngại của các y, bác sĩ. Chị bảo “họ sợ mình là kẻ lừa đảo", xin xác hài nhi về với ý đồ bán ...lấy tiền, nên cũng gây khó dễ. Nhưng sau nhiều lần lui tới, không kể mưa, rét, đêm hôm, ghi nhận những việc làm thiện nguyện của chị Cúc, một số y, bác sĩ cũng đã đồng ý trao “các con” cho chị. Sau này, họ còn đề nghị chị để lại số điện thoại, cho chị thêm địa chỉ để liên hệ xin xác hài nhi về chôn cất.
Cứ thế, sau một thời gian dài thu lượm và tìm kiếm, chị Cúc đã làm " ấm lại" nhiều oan hồn hài nhi xấu số. Từ chỗ phản đối, người thân của chị nay đã ủng hộ nhiệt tình qua việc tắm rửa cho hài nhi, tổ chức khâm liệm, làm lễ cho các bé tại nhà thờ, nhà nguyện ở thôn Phú Đa, thậm chí là tự bỏ phần đất của gia đình trong khu nghĩa trang để chôn cất hài nhi. Chị Cúc cũng đã vận động nhiều trường hợp có ý định phá thai giữ lại thai nhi… “Mưa dầm thấm lâu”, việc làm âm thầm của chị Cúc đã nhận được sự đồng cảm, giúp đỡ và ghi nhận của nhiều người trong cộng đồng. “Về phía chính quyền, lúc đầu do chưa hiểu cũng tỏ ra nghi ngờ, cho rằng tôi làm công việc lén lút trái pháp luật, nhưng khi tôi dẫn cán bộ đi đến các bãi rác để trực tiếp chứng kiến những việc tôi làm, nay họ đã tin tôi và ủng hộ nhiệt tình”.
Không phân biệt tuổi tác hay giới tính, họ đều là những thiện nguyện viên.
Chị Cúc kể: “Có lần, 3 giờ sáng nhận được cuộc điện thoại từ một bệnh viện tại Hưng Yên gọi đến với yêu cầu nhận xác các hài nhi, tôi lại một mình lọc cọc trên chiếc xe đạp vượt hơn 70km đến tận nơi để đón các con. Trời tối, đường vắng, từng luồng gió lạnh luồn vào trong áo như muốn cắt da, nhưng trong lòng tôi không thấy sợ, vì biết rằng trên chặng đường của mình, có các con đang đồng hành và dõi theo. Cứ thế, 5 năm lặn lội đi khắp nơi để thu lượm xác hài nhi bị cha mẹ bỏ đi từ các bệnh viện, phòng khám, bãi rác, chị Cúc đã đưa khoảng 8.000 hài nhi về chôn cất tại "ngôi nhà chung" ở Khu nghĩa trang vườn thánh Phú Đa (xã Công Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam).
Cứu sống một con bằng 50 con bị bỏ đi
Theo lời kể, trong hơn 5 năm với công việc thu lượm hài nhi mang về chôn cất, chị Cúc đã giải cứu thành công 53 trường hợp khi các cô gái, thậm chí cả cha và mẹ các bé có ý định nạo phá thai. Trong đó có hai bé trai sinh đôi Trần Bảo Quốc và Trần Bảo Khánh đã được chị cứu sống trước ý định dại dột của người mẹ trẻ. Do điều kiện người mẹ khó khăn và đi làm ăn xa, chị đã nhận nuôi cả hai bé từ khi lọt lòng. Đến nay, Bảo Quốc và Bảo Khánh đã hơn hai tuổi, khỏe mạnh và luôn quấn quýt với mẹ Cúc.
Các nam, nữ sinh viên thiện nguyện đưa các hài nhi về nơi an nghỉ.
Có nhiều trường hợp, sau khi nhận được điện thoại cấp báo, chị Cúc tức tốc tìm đến tận nơi khuyên nhủ, giải thích cũng như tạo điều kiện nơi ăn, chốn ở và đưa cô gái trót dại dẫn đến có thai ngoài ý muốn về chăm sóc cho đến ngày sinh nở. Do được chị hứa sẽ chu cấp thêm để nuôi con, nên người mẹ trẻ cũng bớt nỗi lo và giữ lại thai nhi. Lại có lần, chị Cúc phải doạ “đấu tố” với bố của cô gái trẻ đang mang thai 8 tháng ngay tại phòng nạo hút thai để cứu lấy thai nhi. Và thật đáng mừng, chính người bị dọa " đấu tố" sau này đã chắp tay cảm ơn chị vì đã quyết liệt giữ lại đứa cháu của họ....
“ Dù điều kiện gia đình tôi còn nhiều khó khăn, cả gia đình chỉ trông chờ vào mẫu ruộng và đan lát để kiếm thêm thu nhập, thế nhưng nếu cứu sống và giúp đỡ được trường hợp nào, tôi luôn sẵn sàng, bởi tôi tâm niệm cứu một em bé có được sự sống bằng cả 50 em bị bỏ đi”- chị Cúc tâm sự.
Làm lễ trước khi đưa các hài nhi về với cát bụi.
Lửa nhiệt huyết lan toả
Tiếng lành đồn xa, những tấm lòng thiện nguyện đã tìm đến với nhau. Nhiều người từ Hà Nội, Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Phòng, thậm chí tận Huế... đã tình nguyện trở thành “màng lưới”, nhằm tâm sự, sẻ chia, trao đổi kinh nghiệm để xin được xác hài nhi vô tội, hay phương pháp vận động thuyết phục các bà mẹ trẻ giữ lại thai nhi nếu lỡ trót dại. Từ đó, nhiều người phụ nữ tuổi còn trẻ và cả các em sinh viên có trái tim nhân hậu, đã tự nguyện làm cái việc mà nếu ai chưa hiểu cũng đều cảm thấy... “ghê tay” này.
Chị Hoàng Thị Hiền (TP. Việt Trì, Phú Thọ ) là một điển hình. Chị Hiền đã 3 năm lặng lẽ đi khắp các bệnh viện, phòng khám trong TP. Việt Trì và nhiều nơi khác trong tỉnh Phú Thọ để xin xác các hài nhi xấu số, đưa về nhà tắm rửa, khâm liệm, rồi đi xa cả chục cây số xin những người quản trang cho đất để chôn cất. Chị kể rằng từng vận động, ngăn cản nhiều trường hợp có ý định nạo phá thai, chị Hiền nói: “Ngày nào cũng vậy, cứ vào mỗi buổi tối là em lại lui tới các bệnh viện, phòng khám để xem có xác các hài nhi thì xin. Nhiều khi chứng kiến cảnh đau lòng vì nhiều hài nhi đã bị bỏ vào sọt rác, có nhiều trường hợp thương tâm hơn là trong quá trình nạo phá thai các em đã bị cắt ra từng phần”.
Theo lời kể, ban đầu khi mới phát tâm làm công việc này, chị Hiền đã phải giấu gia đình chồng, bản thân ông xã cũng tưởng chị đi... ngoại tình, bởi chị chỉ đi từ chập tối đến nửa đêm thì các phòng khám mới cho. Sau gần 1 năm thì gia đình phát hiện và chị rất mừng vì ai cũng ủng hộ việc làm của mình. “Chỉ tính trong 2 tuần (từ 20/3 - 3/4/2016), ở riêng khu vực TP. Việt Trì, chúng tôi đã đón nhận 684 xác hài nhi xấu số. Có những tối đón được tới 17 con, khiến tôi không khỏi xót xa”, chị Hiền tâm sự.
Ngân ngấn nước mắt, chị Hiền chia sẻ rằng, nhiều khi chị cảm thấy bất lực vì chứng kiến cảnh những thai nhi đỏ hỏn, toàn thân dập nát, hay thai nhi được 7-8 tháng đã thành hình người, có đủ đầu tóc, chân tay, mắt, mũi… mà vẫn bị những người mẹ vô tâm chối bỏ… Nhưng điều làm chị buồn nhất, cũng có nhiều bạn chưa hiểu được ý nghĩa công việc chị làm nên xa lánh, thậm chí ghét bỏ. Phải chăng chính vì lẽ đó, số lượng xác các hài nhi bị bỏ đi vẫn còn nhiều.
Một nữ giám đốc sở y tế cho rằng, đã đến lúc ngành y tế cần có quy định siết chặt hơn việc nạo, hút, phá thai, quản lý sinh bệnh phẩm. Mặt khác, xây dựng đủ các lò đốt ở các bệnh viện hay theo vùng để rác thải y tế nói chung, rác thải sinh bệnh phẩm nói riêng được đốt, để bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng. Vẫn biết rằng, có nghìn lẻ nguyên nhân dẫn đến người mẹ, hay cả cha lẫn mẹ đành đau xót vứt bỏ đứa con của mình, song chị Cúc, chị Hiền và nhiều tấm lòng thiện nguyện khác vẫn mong muốn: “Chỉ mong sao mỗi ngày không phải nghe những cuộc điện thoại từ các nơi gọi về báo có xác các hài nhi, để rồi lại một ngày phải buồn, phải thương xót cho số phận các con”. Riêng chị Hiền còn muốn truyền tải thông điệp: “Mình muốn bảo vệ sự sống cho thai nhi, ngăn chặn nạn phá thai như hiện nay, mong các bạn sống có trách nhiệm với chính bản thân mình, có quan hệ an toàn” . |