Nhiều trang trại, hộ chăn nuôi bên bờ vực phá sản
Thời điểm này, giá thịt lợn chỉ còn 25.000 đồng/kg, thậm chí nhiều nơi xuống còn 20.000 đồng/kg. Nhiều trang trại, hộ chăn nuôi bên bờ vực phá sản, “khóc” vì thua lỗ. Bộ NN&PTNT đã phải “cầu cứu” Thủ tướng giải cứu ngành chăn nuôi lợn. Thế nhưng, giá thịt lợn trên thị trường đến tay người tiêu dùng hoặc vẫn giữ nguyên hoặc có giảm chút ít.
Giá lợn hơi tiếp tục giảm sâu
Bộ NN&PTNT thông tin, hiện tại, giá thịt lợn hơi vẫn tiếp tục giảm mạnh so với những tháng trước đó và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là trong những tháng mùa hè sắp tới, gây thua thiệt lớn cho người chăn nuôi. Trong khi đó, chăn nuôi lợn hiện chiếm tỷ trọng đến 70% của toàn ngành chăn nuôi.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, tại các vùng nuôi lợn tập trung khu vực Bắc bộ như Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ… giá lợn hơi hiện phổ biến ở mức 22.000 đồng/kg, thậm chí một số nơi dưới 20.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Tiến Long, một hộ chuyên chăn nuôi lợn sữa ở Hồng Châu (Đông Hưng, Thái Bình) cho biết, gia đình anh đang có đàn lợn sữa hơn 100 con đã đến kỳ phải xuất chuồng nhưng giá lợn xuống quá thấp. “Lợn sữa còn bị thương lái ép giá vì đến kỳ phải xuất chuồng nếu không to quá. Nhưng bán bây giờ thì lỗ, giá chưa đầy 300.000 đồng/con, không đủ chi phí đã bỏ ra”, anh Long than thở.
Tương tự, các hộ chăn nuôi lợn thịt cũng rơi vào tình trạng ảm đạm không kém. Anh Trần Duy Phong, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) thông tin, từ sau Tết Nguyên đán 2017 đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm. “Những tháng hè tới, chắc chắn giá sẽ không thể tăng được vì nóng nực, lượng tiêu thụ lại càng giảm. Giá lợn hơi trung bình ở Uy Nỗ thời điểm này chỉ còn 22.000 đồng/kg, nhưng tôi được biết một số vùng ở mạn Phú Thọ, Thái Nguyên, giá còn xuống dưới 20.000 đồng/kg. Nông dân chăn nuôi lỗ vốn hàng loạt”, anh Phong bày tỏ.
“Giải cứu” ngành chăn nuôi lợn
Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng xem xét, dừng các hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt và phủ tạng từ bên ngoài qua Việt Nam vào thị trường các nước trong khu vực nhằm bảo vệ thị phần cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước, hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh, nguy cơ “thực phẩm bẩn” quay trở lại thị trường nội địa và gây xuống cấp hạ tầng giao thông do gần 3 triệu tấn các container hàng khổ lớn quá cảnh qua Việt Nam mỗi năm. |
Trước tình hình ngành chăn nuôi lợn bên bờ vực phá sản, Bộ NN&PTNT đã phải “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị một số giải pháp trước mắt và lâu dài. Bộ này kiến nghị Thủ tướng giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao đẩy nhanh các biện pháp đàm phán tìm thị trường cho sản phẩm chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn ở cả khu vực biên mậu và chính ngạch.
Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo ngân hàng và các tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi; yêu cầu các đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến và tiêu thụ nhiều thịt như: Vissan, Việt Đức, Hapro Hà Nội, Saigon Corp, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, các đơn vị quân đội... thu mua giết mổ, cấp đông đối với thịt lợn, thịt gia cầm trong các tháng mùa hè sắp tới.
Về lâu dài, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ đề nghị các địa phương rà soát điều chỉnh hạn chế mở mới các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp; tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội và HTX nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi.
Dù giá lợn hơi trong dân tiếp tục giảm mạnh, nhưng ghi nhận trên thị trường cho thấy, giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao. Tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá thịt ba chỉ vẫn ở mức 80.000-100.000 đồng/kg, sườn từ 90.000 -120.000 đồng, thịt mông sấn từ 70.000 đồng-90.000 đồng, tùy chợ. Chị Phạm Thùy Dung ở Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Cứ nói giá thịt lợn hơi giảm mạnh lắm, nhiều cơ sở chăn nuôi lỗ vốn nhưng sao giá thịt tại chợ vẫn cao chẳng kém trước đây. Tôi thấy các loại thịt gần như không giảm, mặt bằng giá vẫn giữ nguyên”.