Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Long An: Chủ động phòng ngừa,nâng cao nhận thức ATLĐ giúp giảm thiểu tai nạn lao động

(Dân sinh) - Để hạn chế những nỗi đau thương, sự mất mát khi xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ), tỉnh Long An đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực góp phần nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Chị Phạm Thị Kim Nhung (SN 1985, xã Bình Tâm, TP. Tân An) không may bị tai nạn lao động qua đời, nhưng đến nay bà Nguyễn Thị Thê (mẹ chị Nhung) vẫn không kìm được nước mắt mỗi khi nghe ai đó nhắc đến tên con gái và hai đứa cháu ngoại.

Bà Thê nghẹn ngào kể: “Nhung là đứa con hiếu thảo, lễ phép và siêng năng, một lòng vun vén cho gia đình. Vậy mà nó ra đi quá đột ngột, bỏ lại hai đứa con thơ dại, không ai chăm sóc". Chị Nhung bị tai nạn lao động mất do té ngã trên cao khi đi làm hồ. Chị ra đi khi tuổi còn quá trẻ, bỏ lại 2 đứa con thơ dại.

Mỗi khi nhớ đến người đã mất, gia đình chỉ biết lấy ảnh ra nhìn.

Mỗi khi nhớ đến người đã mất, gia đình chỉ biết lấy ảnh ra nhìn.

Đến thăm gia đình bà Trần Thị Nga (ngụ xã Phước Tuy, huyện Cần Đước), mẹ của anh Nguyễn Thành Trung, công nhân Công ty TNHH Thép Tây Nam bị tử vong do tai nạn lao động vào ngày 29/2/2020. Kể từ ngày anh mất, người mẹ ấy vẫn chưa chấp nhận được sự thật con mình mãi mãi ra đi. Với những người mẹ, người cha, không có đau đớn nào bằng cảnh “người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh”. Bởi hơn hết, trong cuộc đời này, chỉ có cha mẹ là người thương mình vô điều kiện.

Chồng bà Nga trải lòng: “Số phận con tôi chẳng may mắn, người thì cũng đã mất rồi. Điều tôi lo lắng nhất là sức khỏe vợ ngày càng yếu, cần phải nhập viện điều trị gấp. Trong khi đó, vợ tôi nhất quyết đợi con trai về mới chịu nhập viện, gia đình đã khuyên rất nhiều lần vẫn không được. Tôi không muốn đã mất con, nay còn phải mất thêm vợ”.  

Để hạn chế những nỗi đau thương, sự mất mát người lao động cần phải tự bảo vệ mình, luôn đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh khi làm việc.

Để hạn chế những nỗi đau thương, sự mất mát người lao động cần phải tự bảo vệ mình, luôn đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh khi làm việc.

Tai nạn lao động là điều không ai mong muốn. Song nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bị tai nạn lao động mà còn để lại nỗi đau dai dẳng cho người thân, gia đình khi nhận được tin dữ. Để hạn chế những nỗi đau thương, sự mất mát người lao động cần phải tự bảo vệ mình, luôn đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh khi làm việc,… 

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra 2 vụ tai nạn lao động chết người. Để đảm bảo ATVSLĐ, giảm thiểu tai nạn lao động, trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH đề ra nhiều giải pháp cụ thể như: tăng cường thanh, kiểm tra công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ở các lĩnh vực để chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, bất cập và sai phạm ở các doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ. 

Với chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, Long An đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2022 (tháng 5/2022).

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Long An đến tận nơi thăm hỏi và tặng quà các hộ gia đình có con, em, vợ, chồng bị tai nạn lao động.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Long An đến tận nơi thăm hỏi và tặng quà các hộ gia đình có con, em, vợ, chồng bị tai nạn lao động.

Các hoạt động góp phần nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động, hạn chế thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. 

Một trong những nội dung chú trọng tổ chức thực hiện trong Tháng hành động đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh là: thực hiện báo cáo tình hình tai nạn lao động, tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động; thiết lập các giải pháp bảo đảm an toàn trong doanh nghiệp.

Đồng thời, chú trọng công tác tự kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh lao động, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những nguy cơ mất an toàn tại nơi làm việc; khuyến khích người lao động phát huy sáng kiến cải thiện điều kiện lao động và bảo đảm an toàn lao động.