Theo Kế hoạch số 948/KH-UBND của UBND tỉnh Long An, đến năm 2025, tỉnh đặt ra 8 mục tiêu về ATVSLĐ, cụ thể như sau:
- Mục tiêu 1: Trung bình hàng năm, giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người.
- Mục tiêu 2: Trung bình hàng năm tăng thêm 5% số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp; 5% số cơ sở được quan trắc môi trường lao động.
- Mục tiêu 3: Trên 90% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ cấp huyện và trong các ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế được tập huấn nâng cao năng lực về ATVSLĐ.
- Mục tiêu 4: Trên 80% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được huấn luyện về ATVSLĐ; 80% số người làm công tác ATVSLĐ được huấn luyện về ATVSLĐ.
- Mục tiêu 5: Trên 80% số người làm công tác y tế cơ sở được huấn luyện về ATVSLĐ.
- Mục tiêu 6: Trên 80% số làng nghề, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh có nguy cơ cao về mất an toàn lao động, cháy nổ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thông tin tuyên truyền về công tác ATVSLĐ.
- Mục tiêu 7: Trên 80% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp theo quy định của pháp luật.
- Mục tiêu 8: 100% số vụ tai nạn lao động nặng xảy ra từ hai người trở lên và tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý, giải quyết chế độ theo quy định pháp luật.
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh Long An sẽ nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSLĐ với nhiều hoạt động như rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các văn bản và các chính sách về ATVSLĐ thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND và UBND các cấp tại địa phương; đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực cho các hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác ATVSLĐ; quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đặc thù an toàn lao động; quan trắc môi trường lao động; chẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh sẽ chú trọng tuyên truyền, huấn luyện nâng cao nhận thức về ATVSLĐ; đẩy mạnh nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ cải thiện điều kiện lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của các cấp, khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia và đóng góp nguồn lực, kinh nghiệm để thực hiện Chương trình.