Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lồng đèn Phú Bình đang gặp khó

Còn nửa tháng là đến Tết Trung thu, vậy mà làng nghề làm lồng đèn truyền thống Phú Bình (phường 5, quận 11, TP. Hồ Chí Minh) vẫn im ắng, không rộn rã, hối hả như nhiều năm trước đây...

 

Chỉ còn lác đác vài hộ còn bám trụ với nghề làm lồng đèn giấy kiếng.

Ông Nguyễn Văn Tâm (70 tuổi), có thâm niên hơn 40 năm làm lồng đèn giấy kiếng tại giáo xứ Phú Bình cho biết, nghề này theo chân người dân tỉnh Nam Định di cư vào Nam từ  năm 1954. Thời thịnh của nghề vào  thập niên  80, 90 của thế kỷ trước, lúc đó lồng đèn làm không kịp bán mặc dù mẫu mã đơn giản như: Thỏ, bướm, cá chép, ngôi sao, tàu thủy...

Đầu những năm 2000, lồng đèn điện tử Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam, chỉ trong một thời gian ngắn, đã chinh phục được người tiêu dùng và chiếm lĩnh thị trường, cạnh tranh dữ dội với các làng nghề truyền thống như Phú Bình. Chị Nguyễn Thị Ánh Loan, chủ cơ sở Ánh Loan (423/5 Lạc Long Quân, phường 5, quận 11) chuyên cung cấp lồng đèn truyền thống Phú Bình cho biết, với ưu thế mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ, lồng đèn Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường trong một thời gian dài. Cách đây vài năm, thông tin đồ chơi Trung Quốc nhiễm các độc tố khiến cho người tiêu dùng Việt quay mặt với lồng đèn “Made in China”, quay về với lồng đèn thủ công truyền thống. Tuy nhiên, niềm vui đến với Phú Bình chẳng được bao lâu, gần đây lồng đèn “Made in Viet Nam” do các công ty trong nước sản xuất như: Cty CP Kỹ Thuật Mới, Cty Gia Long (thương hiệu KIBU), Cty Hoàng Việt... lần lượt xuất hiện, chiếm lĩnh thị trường do nắm bắt được tâm lý cũng như xu hướng của người tiêu dùng. Điều này đã dập tắt hy vọng của người dân Phú Bình với mong muốn khôi phục lại hoạt động sôi động của làng nghề năm xưa.Nói về sản phẩm lồng đèn của các công ty, chị Loan nhận xét: “Tương tự với hàng Trung Quốc, lồng đèn trong nước được làm bằng nhựa với quy mô lớn, dẫn đến giá cả cạnh tranh. Bên cạnh đó, sản phẩm có màu sắc sinh động, đa dạng, bám sát mẫu mã đèn truyền thống, tiếng nhạc thuần Việt phát ra từ tay cầm, vận chuyển gọn gàng, lại có tem hợp quy tạo sự an tâm cho các bậc phụ huynh”.

Hiện nay, các hộ còn cố gắng sống với nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết chuyển sang việc khác để đảm bảo mưu sinh. Từng là công việc mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân ở giáo xứ Phú Bình, nghề làm lồng đèn giấy kiếng ngày dần mai một. Vừa loay hoay trang trí cho chiếc lồng đèn, ông Trần Văn Đăng, 62 tuổi, (ngụ tại giáo xứ Phú Bình) vừa tâm sự: “Nhà tôi có 3 thế hệ làm  nghề này, tuy nhiên bây giờ con cháu bỏ nghề đi làm việc khác hết rồi. Vợ chồng bây giờ lớn tuổi, rảnh rỗi chẳng biết làm gì, mỗi mùa Trung thu cũng nhận khoảng trăm lồng đèn về gia công cho vui, cho đỡ nhớ nghề...”

Trao đổi về đầu ra của lồng đèn giấy kiếng truyền thống, chủ một cửa hàng ở đường Lạc Long Quân, cho biết: “Cửa hàng có thâm niên bỏ sỉ lồng đèn giấy kiếng nhiều năm, vì vậy mối lái khá nhiều. Tuy nhiên, do cạnh tranh lồng đèn điện tử Trung Quốc và trong nước sản xuất, đại lý phân phối ở các tỉnh thành cứ rụng dần theo thời gian. Khoảng 2 năm nay, tôi chỉ toàn bỏ mối cho các tổ chức từ thiện, hội đoàn ở các quận huyện trong thành phố, họ chuộng lồng đèn truyền thống làm quà cho các cháu thiếu nhi đón Trung thu”.

Có lẽ chẳng bao lâu nữa, hình ảnh người người cặm cụi chẻ tre, làm khung, dán giấy, trang trí cho những chiếc đèn... trở nên hiếm hoi, thậm chí ngay cả thế hệ con cháu của các nghệ nhân, những  người từng làm nên tên tuổi cho lồng đèn Phú Bình, cũng sẽ không còn neo giữ nghề của cha ông để lại.