Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lồng ghép bình đẳng giới trong chương trình đào tạo văn hóa nghề

“Hệ thống chính sách và pháp luật hướng tới việc làm bền vững không thể tách rời chính sách đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng và văn hóa cho đất nước” - Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Nghề Công tác xã hội tại hội thảo “Hoàn thiện khung chương trình môn học Văn hóa nghề”, do Hiệp hội Dạy nghề và Nghề Công tác xã hội tổ chức.

Văn hóa nghề tạo việc làm bền vững

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Hằng cho biết, khái niệm văn hóa và văn hóa nghề rất đa dạng, phong phú, rất rộng và được hiểu dưới góc độ và hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và trong phát triển nguồn nhân lực con người, văn hóa nghề được hiểu một cách hiểu đơn giản nhưng rất sâu sắc  được Bác Hồ khái quát qua câu nói: “Có đức mới vực được nghề”.

Bà Nguyễn Thị Hằng cho rằng, việc đưa văn hóa nghề vào chương trình đào tạo phải bắt đầu từ nhận thức và sau đó là những hành động cụ thể. Trong những năm 2011 -2012, theo cách tiếp cận đó Hiệp hội đã chủ động tổ chức nhiều cuộc hội thảo tập huấn, nghiên cứu khoa học để nâng cao văn hóa nghề của người dạy học, người lao động, chủ sử dụng lao động và của toàn xã hội.

Hệ thống chính sáchpháp luật hướng tới việc làm bền vững không thể tách rời chính sách đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng và văn hóa cho đất nước. Vì vậy Hiệp Hội đã khuyến nghị đưa hoạt động “Tăng cường văn hóa nghề” vào Dự án Lồng ghép Bình đẳng giới trong chính sách và pháp luật hướng đến việc làm bền vững ở Việt Nam” trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH và cơ quan hợp tác Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha. Trong thời gian từ 2013-2014, Hiệp hội đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn và xây dựng khung chương trình môn học văn hóa nghề trong năm 2015 đã triển khai giảng dạy thí điểm cho 3 đối tượng người học (cao đẳng nghề, sơ cấp nghề, ngắn hạn dưới 3 tháng cho lao động nông thôn) tại một số cơ sở dạy nghề thành viên. Từ những kết quả thí điểm giảng dạy một số mô đun môn học Văn hóa nghề trong các cơ sở dạy nghề Hiệp hội sẽ hoàn thiện và chuyển giao để cơ quan quản lý nghiên cứu sử dụng trong các cơ sở dạy nghề.

Luật Giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện một số quyền ưu tiên đối với nhà giáo và người học là nữ.

Chia sẻ một số vấn đề về bình đẳng giới trong lao động và việc làm của Việt Nam, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Phân tích và Dự báo Chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) cho biết, theo số liệu thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động, năm 2014, tổng số lực lượng lao động ở Việt Nam là 53,88 triệu người, trong đó lực lượng lao động nữ là 26,19 triệu người chiếm 48,72%. Số lao động nữ có việc làm là 25,7 triệu người, chiếm 48,6%. Tốc độ tăng việc làm của lao động nữ là 2,4%/năm, thấp hơn nam là 2,8%/năm và mức chung là 2,6%/năm.

Trình độ chuyên môn, kỹ thuật của nữ thấp hơn nam

Theo thạc sĩ Hoàng Nguyên, sự bất bình đẳng giới về việc làm là không lớn, nhưng lại thể hiện ở những khía cạnh khác nhau về cơ cấu việc làm, khu vực làm việc, vị thế việc làm giữa nam và nữ như: Tỷ lệ nữ làm công ăn lương 29,4%; lao động gia đình 22,6%; nữ làm chủ cơ sở chiếm 1,5%, phụ nữ tự làm chiếm 46,4%. Trong khi tỷ lệ này ở nam giới là: Làm công ăn lương 40%; lao động gia đình 12%; làm chủ cơ sở 3%; tự làm là 45%. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của nữ thấp hơn nam ở tất cả các cấp trình độ: Năm 2014, tỷ lệ nữ có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 16,1% tăng 0,3% (trong khi của nam là 21%). Đáng chú ý lao động nữ có trình độ nghề (bao gồm 3 cấp trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề) có mức độ chênh lệch thấp hơn nam là 5,8%.

Khoảng cách giữa tỷ lệ nam và nữ tham gia học nghề rất lớn, năm 2014, tổng số lượt học viên học nghề là 2,02 triệu lượt, trong đó số học viên nữ là 519,5 nghìn người chiếm 25,67%. Năm 2013, tổng số lượt học viên học nghề là 1,73 triệu người, số nữ học viên là 444 nghìn người chiếm 25,63%. Các học viên nữ chỉ tập trung trong một số nghề đào tạo như: Kế toán, may, thiết kế thời trang, kỹ thuật chế biến món ăn. Trong khí đó một số nghề như: Hàn, cắt gọt kim loại, kỹ thuật xây dựng... gần như hoàn toàn thiếu vắng sự tham gia của học viên nữ.

Bà Nguyễn Hoàng Nguyên cho rằng, hiện vấn đề giới chưa được quan tâm thích đáng trong đào tạo nghề. Sự quan tâm đến vấn đề giới đối với cấp quản lý cũng như tại cơ sở đào tạo còn “mờ nhạt” từ tuyển sinh, trong đào tạo đến khi học viên tốt nghiệp. Đặc thù về ngành nghề đào tạo cũng tạo ra sự mất cân đối về giới trong đào tạo... Do đó, để cải thiện sự hiểu biết, năng lực của học sinh, sinh viên và tạo cơ hội tốt hơn hỗ trợ học viên nữ tham gia học nghề, cần thiết chọn lọc các nội dung về giới, bình đẳng giới lồng ghép giảng dạy trong chương trình môn học Văn hóa nghề.

Thạc sĩ Hoàng Nguyên đề xuất: “Việc lồng ghép giảng dạy về giới và bình đẳng giới trong trong đào tạo văn hóa nghề là cần thiết, góp phần tạo dựng nền tảng nhận thức và cải thiện thái độ ứng xử một cách tích cực cho học sinh, sinh viên trong môi trường học tập cũng như trong cuộc sống. Cần có sự nghiên cứu, chọn lọc về mặt nội dung cũng như phương pháp triển khai để việc giảng dạy về bình đẳng giới thực sự bổ ích hiệu quả tạo hứng thú cho người học. Bên cạnh việc cung cấp kiến thức thì nội dung chương trình được mong đợi có thể truyền cảm hứng hỗ trợ tốt hơn cho các học sinh nữ nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão về sự phát triển, thăng tiến đối với nghề nghiệp mà các em đã lựa chọn, theo đuổi”.