Hạn chế lồng ghép BĐG về dạy nghề
Thực tế hiện nay, trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật của phụ nữ vẫn thấp hơn nam giới. Đây là rào cản trong quá trình thực hiện BĐG nói chung và BĐG trong thị trường lao động nói riêng. Theo số liệu thống kê, năm 2010 có 3,74 triệu người từ 15 tuổi trở lên được học nghề, trong đó nữ là 1,23 triệu người, chiếm 33,5%. Cơ cấu dạy nghề đã thay đổi theo xu hướng tốt là tăng dần tỷ lệ dạy nghề dài hạn. Tỷ trọng dạy nghề dài hạn cho dân số từ 15 tuổi trở lên đã tăng từ 26,8% năm 2007 lên 39,3% năm 2010, nhưng tỷ lệ này của dân số nữ tăng chậm hơn, từ 22,3% năm 2007 lên 27,2% năm 2010.
Trước khi xây dựng Luật Giáo dục nghề nghiệp, mặc dù mục tiêu BĐG đã thể hiện khá rõ nét trong các văn bản pháp luật về dạy nghề, trong các chương trình, đề án hỗ trợ đào tạo nghề và trong việc thực hiện các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhưng quá trình triển khai thực hiện vẫn còn bộc lộ một số hạn chế.
Lớp dạy may cho phụ nữ tại huyện Vũ Thư (Thái Bình).
Ngoài Dự án “Dạy nghề cho người nghèo” và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015” là 2 chương trình, đề án có quy định ưu tiên dành riêng cho đối tượng là phụ nữ, còn lại tất cả các chương trình, đề án khác đều quy định chế độ, chính sách, chỉ tiêu chung dành cho nam và nữ, không có sự ưu tiên trong trường hợp nữ có đủ điều kiện như nam giới. Vẫn còn sự chênh lệch giữa người học là nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng những chính sách trong đào tạo nghề trước đây. Trên thực tế, đối với các đối tượng như phụ nữ tham gia học các nghề nặng nhọc, độc hại; lao động nông thôn học nghề là nữ giới; người học nghề là nữ dân tộc thiểu số; NKT,... đặc biệt là đối với nữ giáo viên dạy nghề... vẫn còn khoảng cách giới.
Từ những bất cập nêu trên, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã bổ sung và lồng ghép 2 nhóm vấn đề mới về giới. Cụ thể, Luật bảo đảm quyền lợi ngang nhau, không phân biệt giới trong giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đến việc xây dựng chính sách đối với việc phát triển dạy nghề, chính sách đối với người học và giáo viên dạy nghề. Tại khoản 7, Điều 6, luật đã bổ sung quy định liên quan đến BĐG với tuyên bố “thực hiện BĐG trong giáo dục nghề nghiệp”.
Bình đẳng, nhưng thêm quyền ưu tiên đối với nữ
Luật bổ sung, hoàn thiện các quy định thể hiện việc đảm bảo quyền lợi ngang nhau trong giáo dục nghề nghiệp. Hỗ trợ các đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, quân nhân xuất ngũ, dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, NKT, trẻ mồ côi không nơi nương tựa... tạo cơ hội cho họ được học tập tìm việc làm, lập nghiệp. Luật cũng quy định chung các điều kiện đối với nam và nữ được tham gia đào tạo nghề nghiệp các trình độ khác nhau (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đào tạo thường xuyên). Nam và nữ đều được hưởng các quyền ngang nhau trong quá trình học tập, thi, kiểm tra và công nhận tốt nghiệp.
Ngoài ra, các học viên khi tham gia đào tạo nghề nghiệp đều được hưởng chính sách học bổng và trợ cấp xã hội, chế độ cử tuyển, chính sách tín dụng giáo dục, chính sách miễn, giảm phí dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên theo quy định. Học viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật; học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú khi đào tạo nghề nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng đều được hưởng chính sách giáo dục nghề nghiệp nội trú như nhau.
Theo Luật, Nhà nước xây dựng chính sách nhằm thu hút người học tham gia học nghề, đặc biệt ưu tiên đối với người học nữ. Qua đó tạo cân bằng về giới đối với học viên học nghề, nhà giáo dạy nghề, đồng thời tạo cân bằng về giới trong các nghề đào tạo. Luật đã bổ sung Khoản 3 Điều 61: “Người học là phụ nữ, lao động nông thôn khi tham gia các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ chi phí đào tạo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”.
Có thể nói, việc lồng ghép vấn đề giới trong Luật Giáo dục nghề nghiệp đã tạo nên những bước cải cách rõ nét và có tính khả thi hơn so với Luật Dạy nghề trước đây, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về BĐG sau này. Nhờ đó sẽ góp phần khắc phục khoảng cách giới, tạo điều kiện thúc đẩy việc làm bền vững, an sinh xã hội cho phụ nữ, đảm bảo thực hiện BĐG trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.