Về tổng quan Dự án, tính đến tháng 5/2015, Dự án đã đạt được kết quả bao gồm: Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có xem xét tính nhạy cảm giới (Luật BHXH 2014, Luật giáo dục nghề nghiệp 2014, Quyết định 325/QĐ-TCDN); Nghiên cứu, đánh giá tình hình Văn hoá nghề tại một số trường cao đẳng nghề, khoảng cách giới trong tiền lương, cân bằng cuộc sống công việc, cam kết quốc tế về bình đẳng giới và việc làm bền vững ở Việt Nam; Xây dựng các công cụ, Bộ công cụ, tài liệu hướng dẫn, Bộ câu hỏi trắc nghiệm về việc lồng ghép giới; xuất bản các ấn phẩm truyền thông; tổ chức các hội thảo, nâng cao nhận thức, năng lực cán bộ; tham vấn ý kiến xây dựng chính sách, trong đó 35 đại diện các bộ được tham vấn về Báo cáo 7&8 của Chính phủ gửi Ủy ban CEDAW, 948 đại biểu các bộ tham gia hội thảo tham vấn về BHXH, 183 đại biểu được tham vấn trong việc xây dựng nghị định và thông tư của Luật Giáo dục nghề nghiệp, 503 đại biểu tham gia xây dựng ý kiến cho Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội phát biểu tại cuộc họp
Tại buổi họp, các đại biểu đã báo cáo kết quả chi tiết từng Hợp phần của Dự án, bao gồm công tác phân tích nguyên nhân khoảng cách giới trong tiền lương (Viện Khoa học – Lao động và Xã hội); Nghiên cứu thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi nhằm cân bằng cuộc sống, công việc và bình đẳng giới (Cục an toàn lao động); Nghiên cứu, xây dựng các ấn phẩm truyền thông về bình đẳng giới và việc làm bền vững (Vụ Hợp tác quốc tế); Xây dựng Nghị định cho BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện (Vụ BHXH); Tập huấn Luật giáo dục nghề nghiệp (Vụ Pháp chế và Thanh tra thuộc Tổng cục Dạy nghề); Xây dựng hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và đánh giá các chỉ số kiểm định chất lượng chương trình đào tạo có lồng ghép bình đẳng giới và việc làm bền vững cho các giáo viên trường cao đẳng nghề (Cục Kiểm định chất lượng Dạy nghề); Dự thảo Khung chương trình tương thích với 4 mức trình độ đào tạo, đồng thời tổ chức giảng dạy thí điểm cho một số Chương trình Văn hóa nghề (Hiệp hội Dạy nghề và Nghề công tác xã hội); Đánh giá mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới 2011 – 2020 (Vụ Bình đẳng giới); Xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn về lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng chính sách pháp luật Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (Vụ Pháp chế); Xây dựng trang web của Dự án, xây dựng các video clip về hoạt động của Dự án, xây dựng Kế hoạch giám sát đánh giá, nâng cao năng lực về kỹ năng kiến thức vận động chính sách liên quan đến tính nhạy cảm giới (BQL Dự án)
Tiếp đó, các chuyên gia đã có những phân tích về điểm mạnh, điểm cần hoàn thiện, cơ hội và thách thức của Dự án. Theo đó, để đảm bảo tính bền vững, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, xây dựng ý kiến về những nội dung bao gồm: lồng ghép các công cụ trong quản lý dự án vào các công việc thường nhật của 6 Hợp phần: Lồng ghép Kế hoạch giám sát và đánh giá có tính nhạy cảm giới vào công việc của các Hợp phần; tổ chức hội thảo, thực hiện các công cụ và tài liệu truyền thông về Dự án; lồng ghép các hoạt động của Dự án đã được thí điểm trong các kế hoạch, chiến lược và ngân sách Dự án; sử dụng tài liệu hướng dẫn của Dự án trong xây dựng và đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật; hợp thức hóa các tài liệu của Dự án…