Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Long Phú 1 của Petro Vietnam: Đội vốn lên 41.000 tỷ, chưa biết bao giờ phát điện

Petro Vietnam đề xuất tăng vốn lên hơn 41.000 tỷ đồng, tuy nhiên dự án đã triển khai hơn 10 năm vẫn ì ạch chưa hẹn ngày phát điện...

 

Như VnEconomy đưa tin về dự án điện Thái Bình 2 vốn đầu tư 42.000 tỷ đồng nhưng vẫn chậm tiến độ vì thiếu tiền, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) còn là chủ đầu tư của nhiều dự án điện khác cũng đang gặp vấn đề. 

Cụ thể, dự án Nhiệt điện Long Phú 1 (Sóc Trăng) có công suất 1.200 MW. Trước đó, dự án nhiệt điện Long Phú 1 được Petro Vietnam đề xuất tăng vốn thêm 11.600 tỷ đồng. Dù dự kiến phát điện vào năm 2015 nhưng đến nay dự án mới hoàn thành hơn 76%.

Theo báo cáo của Petro Vietnam, đến nay, khối lượng hoàn thành công việc ước tính đạt khoảng 77,56% so với kế hoạch (100%). Nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm tiến độ xuất phát từ phía Nhà thầu Power Machines/Nga và việc Chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm vận trực tiếp đối với Nhà thầu Power Machines từ ngày 26/1/2018.

 

Dự án Long Phú 1 đang lâm vào bế tắc


Petro Vietnam cho biết, từ thời điểm Nhà thầu Power Machines (PM) bị cấm vận bởi Chính phủ Mỹ (26/01/2018), công tác mua sắm hàng hóa, thiết bị nhập khẩu và thu xếp vốn cho dự án thuộc phạm vi công việc của PM đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gần như không đạt được tiến triển cụ thể, dẫn đến khối lượng công việc hoàn thành của Liên danh Tổng thầu PM - PTSC chỉ tăng thêm khoảng 7%, chủ yếu là tiếp tục triển khai các công việc liên quan đến xây dựng, lắp đặt cho các phần việc không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận.

"Đến nay, dự án vẫn chưa xác định được tiến độ khả thi do Nhà thầu Power Machines hiện không tiếp tục thực hiện hợp đồng EPC vì không giải quyết được các khó khăn/vướng mắc do ảnh hưởng của cấm vận và đề xuất tập đoàn xem xét phương án cấu trúc lại, tăng giá, và nhiều điều kiện khác không phù hợp với quy định của Hợp đồng EPC hoặc chấm dứt thực hiện Hợp đồng EPC", Petro Vietnam xác nhận.

Ngày 28/1/2019, Nhà thầu PM có văn bản chính thức thông báo về việc chấm dứt thực hiện Hợp đồng EPC dự án Long Phú 1 do ảnh hưởng của lệnh cấm vận và PM đã chính thức dừng các hoạt động tại công trường. Cho tới ngày 6/6/2019, PM đã huy động chuyên gia giám sát của nhà sản xuất tới công trường để giám sát, nghiệm thu công tác lắp đặt lò hơi.

Theo Petro Vietnam, trong quá trình triển khai xây dựng, dự án gặp nhiều khó khăn.

Thứ nhất, do nhà thầu Power Machines không chuẩn bị tốt các nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài chính) nên đã bộc lộ nhiều hạn chế, khiếm khuyết trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của Dự án.

Thứ hai, do lệnh cấm vận của Bộ Tài chính Mỹ đối với Nhà thầu Power Machines/Nga dẫn đến 73/102 hợp đồng thầu phụ đã ký để cung cấp vật tư, thiết bị cho dự án bị ảnh hưởng của Lệnh cấm vận, dẫn đến phải tạm dừng hoặc hủy hợp đồng với PM. 

Công tác giải quyết các vướng mắc giữa PM và các Nhà thầu phụ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là với 05 Nhà thầu phụ có quốc tịch Mỹ/Chủ sở hữu có quốc tịch Mỹ; Công tác thiết kế của dự án do nhà thầu phụ tư vấn Kuljian/Mỹ đã dừng toàn bộ từ tháng 2/2018; Công tác thu xếp nguồn vốn vay ECA và thương mại quốc tế cho dự án theo dự kiến ban đầu được Hội đồng thành viên tập đoàn phê duyệt đã không thực hiện được do các ngân hàng quốc tế (ngoại trừ các ngân hàng Nga) dừng việc đàm phán hợp đồng vay, không tiếp tục xem xét việc tài trợ cho dự án. 

Để vay đủ vốn cho Dự án (khoảng 1 tỉ EURO) thì ngân hàng VEB/LB Nga yêu cầu PVN phải có Bảo lãnh của Bộ Tài chính Việt Nam; Công tác thanh toán của chủ đầu tư cho Nhà thầu PM không thể thực hiện do các ngân hàng Việt Nam cũng đã từ chối thực hiện các giao dịch tài chính liên quan đến Nhà thầu Power Machines. 

Việc thanh toán từ PM cho các Nhà thầu phụ bằng đồng USD cũng không thể thực hiện do lệnh cấm vận; Khối lượng xây dựng và lắp đặt thiết bị đạt rất thấp do thiếu thiết kế, chi phí và thiết bị không đồng bộ do PM và các nhà thầu cung cấp thiết bị bị ảnh hưởng cấm vận....

Thứ ba, giá trị phần việc xây dựng, lắp đặt của Hợp đồng EPC là giá tạm tính và được xác định theo tổng mức đầu tư/tổng dự toán của Dự án được duyệt năm 2010, đến thời điểm thi công hiện tại thì nhiều định mức dự toán xây dựng, đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công,.. còn chưa đầy đủ, chưa phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công cụ thể của dự án Long Phú 1, đã ảnh hưởng đến công tác thanh toán, thi công của nhà thầu PTSC và các nhà thầu phụ xây lắp của dự án.

Thứ tư, tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án Long Phú 1 chưa được Cấp thẩm quyền phê duyệt. Trước đó, Nhiệt điện Long Phú 1 được Chính phủ giao Petro Vietnam làm chủ đầu tư từ năm 2010, với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 29.500 tỷ, nhưng sau 9 năm triển khai, dự án đã tăng vốn lên 41.200 tỷ, đội vốn thêm 11.600 tỷ đồng.

"Ngay từ thời điểm Mỹ áp đặt lệnh cấp vận đối với Power Machines, Petro Vietnam đã thực hiện ngay các công việc cần thiết để tháo gỡ các khó khăn, tiến hành nhiều cuộc đàm phán, làm việc với Power Machines đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, tuy nhiên cho tới nay Petro Vietnam vẫn chưa nhận được chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về đề xuất của doanh nghiệp", báo cáo nêu.

Petro Vietnam khẳng định, việc PM dừng, không tham gia vào công tác triển khai dự án trong khoảng thời gian dài nêu trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác tiếp tục thực hiện các hạng mục công việc khác mà không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận của dự án, trong đó quan trọng nhất là việc tiếp tục cung cấp vật tư/thiết bị và giám sát, nghiệm thu lắp đặt các lò hơi, các máy biến áp và hệ thống lọc bụi tĩnh điện, ống khói của nhà máy, dẫn đến PTSC/nhà thầu phụ LILAMA không thể tiến hành bảo quản, bảo dưỡng vật tư/thiết bị, tiềm ẩn nguy cơ bị hỏng hóc/ăn mòn và có thể phải thay thế mới.

Đề nghị Chính phủ "giải cứu"

Petro Vietnam kiến nghị Chính phủ xem xét thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ Công Thương và Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, thành viên là lãnh đạo các Bộ ngành liên quan về dự án Long Phú 1 để chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ tập đoàn giải quyết các khó khăn vướng mắc của dự án.

Chính phủ, tổ công tác trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn tập đoàn đàm phán với PM/các Nhà thầu khác về các phương án triển khai dự án. Đồng thời, cho ý kiến chỉ đạo đối với các nội dung được Petro Vietnam báo cáo, kiến nghị về các khó khăn, vướng mắc và giải pháp tiếp tục triển khai dự án Long Phú 1.

Đặc biệt, Petro Vietnam kiến nghị Chính phủ cho phép được sử dụng vốn chủ sở hữu vượt 30% giá trị tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh đã trình Bộ Công Thương để tiếp tục triển khai các hạng mục đang thi công dở dang của dự án đến các điểm dừng kỹ thuật và thực hiện công tác bảo dưỡng, bảo quản cho vật tư, thiết bị/hạng mục công việc nhằm đảm bảo chất lượng công trình;

"Cho phép Hội đồng thành viên tập đoàn được áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện ngay công tác bảo quản, bảo dưỡng cho vật tư, thiết bị/hạng mục công việc của dự án theo đơn giá, định mức", Petro Vietnam nêu.