Gần gũi với trẻ khuyết tật là phương pháp dạy của bà giáo Thoa.
Day dứt với trẻ khuyết tật, nặng lòng với nghề
Lớp học tình thương của H mà các bạn nhỏ thường gọi với cái tên thân mật là “Lớp bà giáo Thoa” nằm sâu trong một ngõ nhỏ ở phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Bà giáo Đỗ Thị Thoa - Nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền (Sơn Tây), sau gần 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đến năm 1991, về nghỉ hưu theo chế độ. Đến cái tuổi được hưởng sự an nhàn, nhưng nỗi nhớ phấn trắng, bảng đen, cộng thêm sự canh cánh tình thương đối với trẻ em khuyết tật, đã khiến bà giáo già lặng lẽ lên kế hoạch mở lớp học tình thương nhằm giúp trẻ em khuyết tật được đến lớp như bao đứa trẻ cùng trang lứa.
“Cái nghiệp chở đò qua sông khiến tôi cảm thấy day dứt khi nhìn những đứa trẻ phải đối mặt với trò đùa trớ trêu của số phận, nhiều em rất khát khao được đi học mà vì gia đình không có điều kiện, hoặc còn nhiều định kiến khiến các em phải chịu nhiều thiệt thòi. Vì vậy, tôi muốn góp một phần sức lực của mình để giúp đỡ, đem lại niềm tin, hy vọng và giúp các em hòa nhập với cộng đồng” - bà Thoa chia sẻ.
Để làm được điều đó, những ngày đầu, bà phải đến từng nhà có trẻ em khuyết tật để tìm hiểu, vận động phụ huynh cho các em đi học, rồi tổ chức lớp. Năm 1994, lớp học tình thương đầu tiên của bà giáo Thoa được mở với vỏn vẹn 8 “học sinh đặc biệt” toàn là những em bị khuyết tật trí tuệ. Dạy học với các em học sinh khuyết tật như khiếm thính đã khó, dạy học cho trẻ khuyết tật trí tuệ còn khó gấp vạn lần. Những bài giảng đầu tiên thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của những câu chuyện dở khóc dở cười, khi đang học thì trò bỏ đi vệ sinh, cô phải dừng học đi…đổ bô, hay học trò ăn vụng cơm nhà cô, học trò trêu chó, đánh mèo nhà hàng xóm...
Dưới sự dìu dắt, chỉ bảo ân cần của bà, từ chỗ không thể ghi nhớ, học trước quên sau, các học sinh đã có thể đọc, viết, làm toán cơ bản và biết yêu thương, hòa nhập với mọi người xung quanh. Ban ngày dạy học, đêm xuống bà lại trằn trọc vì thương những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, nuôi thân chưa nổi thì lấy đâu ra tiền mua sách vở, đồ dùng học tập. Nghĩ vậy, bà đành chạy vạy ngược xuôi để xin tài trợ, rồi tự bỏ tiền lương của mình ra mua sách bút cho học trò. Không chỉ mua sánh, mua vở, bà giáo Thoa còn mua cả kẹo, mua bim bim để dụ học trò đến lớp, để khích lệ các em chú tâm học bài…
Thông điệp yêu thương.
Còn một đứa trẻ muốn học, là tôi còn dạy!
Tiếng lành đồn xa, không lâu sau, bà Thoa không còn phải đến từng nhà để vận động nữa mà chính những người cha, người mẹ từ các xã, phường rất xa cũng tự đưa con em mình đến gửi gắm. Mỗi em mỗi hoàn cảnh, các em không chỉ thiệt thòi về khả năng nhận thức, mà hầu hết đều xuất thân từ những gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Tuy vậy, các em luôn cố gắng phấn đấu để có cuộc sống tốt hơn, có em nhà cách lớp hơn mười cây số hằng ngày vẫn đều đặn đạp xe đến lớp. Em Nguyễn Thanh Thủy, một học sinh trong lớp học tình thương chia sẻ: “Em rất yêu cô Thoa, hằng ngày em đều cố gắng đi học để được gặp cô và các bạn”.
Hàng năm, đến “mùa khai giảng”, lớp của bà giáo già lại nhận thêm một vài em học sinh mới. Lúc cao điểm, lớp của bà có đến 20 em theo học, bà phải dọn đồ đạc xuống bếp để lấy chỗ cho các em ngồi học. Nhưng cũng có lúc, vì nhiều lý do mà chỉ có vài em đến học. Những khi ấy, bà không chỉ là bà giáo mà còn như người mẹ, người bà dạy các em từng con chữ, kể cho chúng nghe những câu chuyện hay, dạy chúng thổi cơm, làm bánh và hơn hết là dạy chúng làm người. “Còn một đứa trẻ muốn học, là tôi còn dạy” – bà Thoa tâm sự.
Để giúp các em nhận biết được mặt chữ, biết đọc, biết viết và hòa nhập cộng đồng, bà đã phải rất kiên trì trong một khoảng thời gian dài. Qua một năm, các em chỉ học được khoảng 15 bài, mỗi bài học phải mất đến vài ngày. Lên lớp chục buổi, trò mới có thể viết một chữ cái, đọc một vài chữ, số… Nhưng điều đó không thể làm chùn bước trước ý chí kiên định của bà giáo già.
Sau một thời gian được bà kèm cặp, dạy dỗ, các em đã nói được những câu ngắn, biết chào hỏi, nhiều em biết đọc, biết viết, biết ca hát, cư xử lễ phép. Bà Thoa tâm sự: Trải qua những ngày tháng khó khăn, khi lần đầu nghe các em nói được rõ từng chữ, bà hạnh phúc lắm, dù biết không thể kỳ vọng quá nhiều. Niềm động viên, an ủi lớn nhất của bà, đó là các em đều ngoan ngoãn, cố gắng học hỏi.
Trong những học trò của bà, có những em sau khi hoàn thành chương trình học đã được chuyển đến các trường trên địa bàn học hòa nhập. Còn những em lớn thì có thể đi làm, tự nuôi bản thân mình.
Giữ lớp học bằng tình thương vô bờ
Ít phụ huynh học sinh biết chuyện của bà, chồng mất sớm, một nách bà Thoa nuôi 3 con nhỏ, đến khi chúng trưởng thành và bà chọn lớp học làm niềm vui thì cuộc sống của các con cũng không được như mong đợi. Bao đêm bà khóc thầm, bà cũng muốn buông xuôi, nhưng mỗi sáng thấy tiếng trẻ léo nhéo gọi cô, bà lại tự vực mình đứng lên.
Chia sẻ với những khó khăn, vất vả của cô và trò, trong những năm qua, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn cũng thường xuyên đến giúp đỡ, thăm hỏi, tặng quà, động viên cô và trò vượt qua khó khăn. Bà Thoa đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục.
Bước sang tuổi 76, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng bà giáo Đỗ Thị Thoa vẫn không vơi nhiệt huyết, tiếp tục cống hiến sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp trồng người, trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của những trẻ em khuyết tật.
Không chỉ dạy chữ, bà giáo Thoa còn như người mẹ, người bà kể cho các em nghe những câu chuyện hay, dạy chúng thổi cơm, làm bánh và hơn hết là dạy chúng làm người. “Còn một đứa trẻ muốn học, là tôi còn dạy” – bà Thoa tâm sự.
Ánh Thi/TC GĐ&TE