Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lớp học tiếng Anh giữa đại ngàn

Tiếng Anh, môn học quen thuộc đối với nhiều học sinh từ bậc mầm non, đặc biệt là ở thành thị, thế nhưng giữa núi rừng đại ngàn ở bản Háng Lìa, xã Mường Cai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La những cô cậu học trò lớp 3 lại rất lạ lẫm. Việc đưa tiếng Anh lên nơi đây vẫn còn nhiều gian nan, khi mà giáo viên tiếng Anh vẫn còn là bài toán khó đối với giáo dục nơi đây.

Kể từ năm học 2023, tất cả học sinh lớp 3 trên cả nước sẽ bắt đầu học môn Tiếng Anh. Đối với trẻ ở những nơi điều kiện học tập tốt như thành thị, thì việc học tiếng Anh không còn xa lạ; nhưng ở miền núi, vùng sâu vùng xa, đó lại là câu chuyện chẳng phải dễ dàng. Tại điểm trường Háng Lìa, dù phải vượt qua những con dốc thẳng đứng, trơn trượt nhưng những thầy, cô giáo ở xã biên giới Mường Cai, huyện Sông Mã vẫn miệt mài ngày đêm đem cả “thế giới” đến với các cô cậu học trò nhỏ yêu thương.

Thầy giáo Nguyễn Minh Hóa dạy học sinh tiếng Anh

Thầy giáo Nguyễn Minh Hóa dạy học sinh tiếng Anh

Tiếng Việt phổ thông vẫn chưa sõi nhưng những em học sinh này đã bắt đầu được học thêm tiếng Anh kể từ năm học 2022 - 2023. Tiếng Việt đã khó, tiếng Anh càng khó hơn, khi vừa cùng thầy giáo đọc từ mới nhưng các em đã quên ngay khi được hỏi lại. Điều này đòi hỏi sự kiên trì, ân cần của người thầy giáo vùng cao.Theo thầy giáo Nguyễn Minh Hóa, Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) bán trú, THCS Mường Cai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, khó khăn vì đây là lần đầu các em tiếp xúc với chương trình tiếng Anh. Thứ hai là do sống ở bản ít xuống khu trung tâm nên khả năng ngôn ngữ, giao tiếp tiếng phổ thông của các em còn hạn chế. Nên khi thầy giảng bài, các em chưa hiểu hết được ý thầy truyền đạt, tiếp thu kiến thức cũng chậm hơn rất nhiều.

Có lẽ vì mới tiếp cận ngôn ngữ mới nên các cô cậu học trò nhỏ này còn rất nhiều bỡ ngỡ, nhưng cũng vì vậy mà niềm vui luôn hiện lên mỗi khi đến tiết học tiếng Anh.

Em Sộng Tuấn Dũng – Lớp 3, Trường Tiểu học Mường Cai, Sông Mã, Sơn La thổ lộ, em rất thích học tiếng Anh, học tiếng Anh rất vui.

Em Sộng Thị Chi -  Lớp 3, Trường Tiểu học Mường Cai, Sông Mã, Sơn La cũng chia sẻ, đến lớp học Tiếng Anh, con được thầy dạy viết, được học hát, học đọc... con cảm thấy rất vui.

Ngoài giờ học, thầy giáo Nguyễn Minh Hóa dành thêm thời gian kèm cặp, hỗ trợ cho các em rèn kỹ năng đọc, viết ngôn ngữ mới

Ngoài giờ học, thầy giáo Nguyễn Minh Hóa dành thêm thời gian kèm cặp, hỗ trợ cho các em rèn kỹ năng đọc, viết ngôn ngữ mới

Thầy Nguyễn Minh Hóa, vốn là giáo viên tiếng Anh của Trường Trung học cơ sở, nhưng năm học này thầy kiêm thêm nhiệm vụ của bậc Tiểu học. Đường lên điểm trường gian nan, mỗi lần lên là phải đi qua những con dốc thẳng đứng, càng đi con đường lại cực kỳ khó khăn, vất vả.

Thầy giáo Nguyễn Minh Hóa cho biết, khó khăn không phải của riêng bản thân tôi, mà các giáo viên dạy những điểm lẻ thế này đều như vậy, nhưng với tinh thần nhiệt huyết, tình yêu với trò thì mới đến được với các em. Đặc biệt vào những ngày mưa gió thì không thể tả được con đường ấy. Nhiều lúc trên mồ hôi đẫm áo, bên dưới ướt hết do mưa lũ, vì đường xá đi lại khu vực biên giới rất khó, rất khổ.

Để có được giáo viên tiếng Anh, huyện Sông Mã cũng đã tổ chức tuyển dụng hàng năm, thế nhưng đây thực sự là bài toán khó với giáo dục miền núi hiện nay. 3 năm qua, toàn ngành giáo dục Sông Mã mới chỉ tuyển được 1/6 chỉ tiêu.

Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã, Sơn La cho biết, Phòng cũng động viên nhà trường, giáo viên bằng trách nhiệm với nghề, với học sinh để nỗ lực vượt khó. Phía ngành cũng sẽ phối hợp với các cấp để kiến nghị đề xuất có chính sách hỗ trợ với giáo viên dạy tăng thêm.

Ở miền núi cao, giữa núi rừng đại ngàn như Háng Lìa để kiếm tìm những giáo viên tiếng phổ thông tâm huyết đã khó, tìm kiếm giáo viên tiếng Anh còn khó hơn nhiều lần. Để đi lại và bám trụ được ở những nơi khó khăn như Háng Lìa, điều giúp các giáo viên quyết tâm đưa thế giới tri thức đến với học trò vùng cao chính là những tình cảm, sự kỳ vọng về tương lai tươi sáng của các chủ nhân tương lai của đất nước.