Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Công nghệ

Lũ lụt nghiêm trọng tại Trung Quốc

Ngày 17/7, Trung Quốc đã nâng mức ứng phó khẩn cấp với lũ lụt ở lưu vực hồ Thái Hồ lên Cấp 1, mức cao nhất trong hệ thống ứng phó gồm 4 cấp, do mưa lớn tiếp tục trút xuống các khu vực lân cận.

Thông tin từ TTXVN: Vào lúc 7h sáng giờ địa phương, mực nước hồ Thái Hồ, hồ nước ngọt lớn thứ 2 của Trung Quốc, đã tăng lên 4,65m, đạt mức bảo đảm. Mực nước bảo đảm là khi nước đã đạt đến giới hạn trên của mực nước nhưng vẫn ở trong mức an toàn đối với đê và các dự án liên quan. Dự kiến, mực nước ở hồ Thái Hồ sẽ tiếp tục tăng và tình hình kiểm soát lũ lụt trong lưu vực hồ vẫn đáng lo ngại.

Lũ lụt nghiêm trọng tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Cảnh ngập lụt sau mưa lớn tại Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc, ngày 1/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Trung Quốc cũng phát cảnh báo màu vàng về mưa bão sau khi mưa lớn liên tục trút xuống nhiều khu vực ở nước này. Dự kiến, từ sáng ngày 17 đến 18/7, mưa to tiếp tục xảy ra các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Trùng Khánh, Quý Châu, Tứ Xuyên, Hà Bắc, Sơn Tây, Vân Nam và Tây Tạng. Trong khi đó, các khu vực Giang Tô, An Huy, Hồ Bắc và Hồ Nam sẽ hứng chịu những trận mưa với lượng mưa lên đến 180 mm trong cả ngày. Một số khu vực nói trên sẽ chứng kiến lượng mưa hơn 70mm hàng giờ kèm theo sấm sét và giông gió.

Trung tâm khí tượng quốc gia Trung Quốc khuyến cáo chính quyền địa phương duy trì cảnh giác về lũ lụt, lở đất, đồng thời khuyến nghị tạm ngừng các hoạt động ngoài trời tại các khu vực nguy hiểm. Ủy ban phụ trách sông Hoài Hà thuộc Bộ Tài nguyên nước của Trung Quốc đêm 16/7 cũng ban hành cảnh báo xanh đối với nguy cơ lũ lụt vì mực nước có thể vượt quá mức cảnh báo trong vài ngày tới. Vào lúc 7h sáng 16/7, mực nước đo được tại trạm thủy văn Wangjiaba đã tăng lên 26,91m, chỉ thấp hơn mức cảnh báo 0,59m. Trạm thủy văn này dự báo mực nước có nguy cơ vượt mức nguy hiểm trong thời gian từ ngày 16-17/7 do các trận mưa lớn tiếp tục trút xuống khu vực sông.

Lũ lụt nghiêm trọng tại Trung Quốc - Ảnh 2.

Tình trạng lụt lội ở tỉnh Giang Tây ngày 9/7. (Ảnh: China Daily)

Ủy ban trên cũng kích hoạt chế độ ứng phó khẩn cấp cấp 4 về ngăn ngừa lũ hụt và hạn hán vào lúc 8h tối cùng ngày, và kêu gọi các đơn vị liên quan ở các tỉnh dọc sông Hoài Hà, bao gồm Hà Nam, An Huy, và Giang Tô, sẵn sàng cho việc kiểm soát lũ lụt.

Kể từ tháng 6 vừa qua, mưa liên tục trút xuống phần lớn các khu vực ở miền Nam Trung Quốc khiến mực nước ở nhiều sông hồ trong các khu vực bị ảnh hưởng đã vượt quá mức cảnh báo. Mưa lớn đã phá hủy hơn 17.000 ngôi nhà, gây thiệt hại kinh tế gần 6 tỷ USD, khiến hàng trăm người thiệt mạng hoặc mất tích, ảnh hưởng gần 20 triệu người sinh sống tại các tỉnh dọc theo sông Trường Giang, trong đó có hàng chục nghìn người phải di dời chỗ ở khẩn cấp.

Nguồn tin từ báo Tiền Phong: Những vùng rộng lớn ở miền trung và miền đông Trung Quốc đang quay cuồng trong trận lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiểu thập kỷ, khiến các chuỗi cung ứng chủ chốt bị gián đoạn. Ngay cả hoạt động cung cấp những thiết bị bảo hộ cá nhân cần thiết để chiến đấu với COVID-19 cũng bị ảnh hưởng.

Các tỉnh thành miền trung như Vũ Hán, An Huy, Giang Tây và Chiết Giang hôm nay đã nâng cảnh báo lên mức đỏ, khi mưa lớn đã tràn bờ các sông hồ. Vũ Hán, thành phố nằm bên sông Trường Giang và là nơi đầu tiên trên thế giới bùng phát đại dịch COVID-19, vừa cảnh báo người dân thận trọng khi mực nước đang tiến nhanh lên mức tối đa có thể bảo đảm an toàn.

Nước ở hồ chứa của đập thủy điện Tam Hiệp đang cao hơn 10m so với mức cảnh báo, với tốc độ chảy vào đạt hơn 50.000m3/s. Nước ở hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất của Trung Quốc ở tỉnh Giang Tây, đang cao hơn 2,5m so với mức cảnh báo. Hồ đã mở rộng hơn 2.000km2 trong mùa lũ và một số khu vực dân cư xung quanh đã bị ngập. Ở phía đông, hồ Tai gần Thượng Hải cũng đã được ban hành cảnh báo đỏ sau khi nước tăng lên gần nửa mét so với ngưỡng an toàn. Hầu như năm nào ở Trung Quốc cũng xảy ra tình trạng lụt lội trong mùa mưa, nhưng tình trạng gián đoạn năm nay được cảm nhận rõ ràng hơn cả vì những thiết bị bảo hộ dùng để chống COVID-19 trở thành hàng thiết yếu đối với nhiều nước.