Cần hiểu rõ về nghề
Cán bộ công tác xã hội (CTXH) là người làm việc, tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau, bên cạnh những người yếu thế cần trợ giúp thì họ còn phải làm việc với những nhóm đối tượng xã hội phức tạp như người nghiện ma túy, nhiễm HIV, người hoạt động mại dâm. Chính vì vậy, người hoạt động CTXH không chỉ cần nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn phải có kỹ năng giao tiếp, khai thác thông tin, hiểu biết tâm lý đối tượng... Hiện nay, ngành CTXH ngoài việc có những đòi hỏi chung như các ngành khoa học khác thì còn có những đòi hỏi đặc thù về năng lực. Chính vì vậy, đã có không ít sinh viên khi bắt đầu theo học ngành này cảm thấy không phù hợp dẫn đến chán nản, muốn thi vào những ngành khác.
Trường ĐH Lao động - Xã hội là một trong những cơ sở có uy tín, chuyên sâu về đào tạo chuyên ngành CTXH bậc cao đẳng, đại học đầu tiên trong cả nước, đã tiến hành nghiên cứu xu hướng chọn nghề của sinh viên đang theo học ngành này nhằm đưa ra những khuyến nghị cho việc chọn nghề và chuẩn bị lựa chọn ngành học này, thông qua phỏng vấn 30 sinh viên năm thứ nhất chuyên ngành CTXH từ các khía cạnh: Những yếu tố thúc đẩy đến với ngành; hiểu biết của sinh viên về ngành học CTXH; hiểu biết về bản thân của sinh viên CTXH và công tác hỗ trợ hướng nghiệp mà các em đã được nhận?
Sinh viên khoa CTXH, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Cuộc phỏng vấn đưa ra câu hỏi: “Theo em những phẩm chất tâm lý cần để thành công trong ngành CTXH là gì ?” Nhằm tìm hiểu nhận thức của sinh viên về những phẩm chất cần thiết của ngành đã theo học. Trong số 30 sinh viên được hỏi, chỉ có 2 em nêu được từ 5 phẩm chất tâm lý trở lên. Cụ thể, sinh viên H.T.N (lớp Đ10 CT4) trả lời: “Theo em, những phẩm chất đó là tâm huyết, yêu nghề, có cái tâm, biết lắng nghe, tôn trọng và ứng xử linh hoạt trong mọi tình huống”. Trong khi đó, sinh viên N.T.T.L (lớp Đ10 CT1) cũng tự tin khẳng định: “Phải có niềm đam mê, có sự tự tin vào năng lực của bản thân; có khả năng lắng nghe và chia sẻ, biết cảm thông; biết giữ bí mật, tôn trọng và chấp nhận người khác”.
Ngoài 2 sinh viên trên, các em còn lại chỉ nêu được dưới 5 phẩm chất, tập trung vào các vấn đề như lòng yêu nghề, biết lắng nghe, chia sẻ, kiến thức vững vàng. Như vậy, những đòi hỏi của nghề CTXH hầu như các em không được trang bị đầy đủ, dẫn đến khó thể có được sự định hướng đúng đắn trong học tập, rèn luyện, tri thức nghề nghiệp...
Khuyến nghị, đề xuất
Từ kết quả nghiên cứu trên, có thể thấy, lý do các sinh viên đến với ngành CTXH chủ yếu vì sở thích cảm quan, hầu như chưa suy nghĩ đến năng lực nghề nghiệp của bản thân và yêu cầu mang tính đặc thù về phẩm chất của ngành. Hiểu biết của sinh viên CTXH về ngành nghề đang theo học cũng chưa thật đầy đủ, hầu như các em không kể ra được dù chỉ là tương đối chính xác những yêu cầu, phẩm chất tâm lý mà ngành CTXH cần, không nhận thức đúng đắn về điều kiện, phương tiện làm việc của cán bộ CTXH. Trên thực tế, “đầu ra” của quá trình học tập luôn là sự quan tâm hàng đầu, các em chủ yếu tìm hiểu năng lực nghề nghiệp của bản thân qua sách báo, internet... Trong khi nhận thức về năng lực nghề nghiệp cũng như sự phù hợp nghề còn thiên về chủ quan, cảm tính, chưa dựa trên cơ sở đánh giá một cách khoa học, đầy đủ.
Hiện nay, hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông tuy đã được chú trọng, nhưng chủ yếu mới chỉ dừng lại ở hình thức, hiệu quả chưa cao. Do vậy, việc cần thiết, cấp bách đối với các nhà trường phổ thông là cần tăng cường hơn nữa công tác hướng nghiệp, chọn nghề cho học sinh. Hoạt động hướng nghiệp phải đi vào thực chất, tránh hình thức, nhà trường cần phối hợp với các cơ sở sản xuất, những cá nhân tiêu biểu, thành đạt trong lĩnh vực nghề nghiệp, các chuyên gia về hướng nghiệp để cùng thực hiện một cách hiệu quả hoạt động tư vấn, hỗ trợ việc chọn nghề cho học sinh.
Đối với học sinh lựa chọn nghề CTXH, cần chủ động tìm kiếm những nguồn thông tin đáng tin cậy về mặt hướng nghiệp chọn nghề như: Giáo viên, sách hướng dẫn về hướng nghiệp chọn nghề, các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp. Bên cạnh đó, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định gắn bó trọn đời mình với một ngành nghề cụ thể, không để việc quan trọng bậc nhất trong đời mình là ngẫu nhiên, cảm tính.
Bản thân người học phải hiểu rõ đặc thù ngành nghề mình sẽ gắn bó, cơ hội nghề nghiệp, công việc khi tốt nghiệp để rèn luyện, chuẩn bị những kỹ năng, tri thức một cách đầy đủ cho hoạt động nghề nghiệp khi ra trường.