Bất bình đẳng giới tính trong lựa chọn nghề nghiệp
Từ xưa đến nay, xã hội mặc định công việc nặng nhọc dẻo dai cần đến sức mạnh thì dành cho nam giới, còn những công việc mềm dẻo, dịu dàng, khéo léo thì dành cho nữ giới. Thực chất, nữ cũng làm được những công việc đòi hỏi sức khỏe như phi công, công an và nam giới cũng có thể làm những công việc mình thích như làm giáo viên mầm non, nhà thiết kế thời trang… Tuy nhiên, do quan niệm xã hội “đóng khung” nam giới phải làm công việc này, nữ giới không làm công việc kia đã cản trở nhiều bạn trẻ chọn cho mình một ngành nghề yêu thích.
Ðánh giá về thực trạng này, TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, trưởng khoa Giới và Phát triển cho rằng, hiện nay, đa số bạn trẻ vẫn giữ tâm lý ngại ngùng khi chọn cho mình một nghề yêu thích đi ngược lại với mặc định về giới tính của ngành đó. Chính tâm lý e ngại đã góp phần tạo nên bất bình đẳng giới tính trong lựa chọn nghề nghiệp của các bạn trẻ, ảnh hưởng đến sự tiến bộ chung của xã hội.
Ðồng quan điểm, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm chia sẻ, định kiến giới trong giáo dục hướng nghiệp đã trở thành rào cản khiến nhiều bạn trẻ mất đi cơ hội tiếp cận cơ hội nghề nghiệp trong tương lai thay vì sự lựa chọn theo sở thích, đam mê và năng lực bản thân.
TS. Dương Kim Anh phân tích: Ðịnh kiến giới về nghề nghiệp không chỉ khiến việc đạt được bình đẳng giới về kinh tế giữa phụ nữ và nam giới trở nên khó khăn hơn, gây ra những hậu quả lớn đối với sự thành công trong học tập và lựa chọn nghề nghiệp của người trẻ tuổi, mà còn ngăn cản họ hình dung ra mình ở một công việc có liên quan tính cách, ngay cả khi công việc đó hoàn toàn phù hợp với sở thích cá nhân.
Vì vậy, theo TS. Dương Kim Anh, xóa bỏ định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp là rất cần thiết, không chỉ giúp thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục mà còn góp phần đạt được bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau như trong lao động việc làm, trong thu nhập/trong lãnh đạo quản lý, trong tham chính.
Nên lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và niềm say mê
Bà Nguyễn Việt Nga, Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH Nexia STT cũng từng chia sẻ, hơn 20 năm trước, bà đã từ chối cơ hội vào thẳng Trường ÐH Bách Khoa do suy nghĩ phụ nữ học ngành kỹ thuật không tốt như nam giới và khi ra trường không có nhiều cơ hội như nam giới. Bà Nga khuyến nghị các bạn học sinh nên lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và niềm say mê, sở thích của bản thân; có đủ các điều kiện để có thể theo học nghề mà mình chọn và không nên chạy theo những công việc thời thượng bởi nhu cầu xã hội biến đổi không ngừng… Cùng với đó, cần tìm hiểu kĩ về ngành nghề mình theo đuổi, đồng thời tham khảo thêm ý kiến của những người khác để có hướng đi của riêng mình.
Em Nguyễn Minh Hiếu (lớp 10 Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) cho biết, bản thân em cũng đã có những định hướng về nghề nghiệp của mình trong tương lai. Em thích những ngành nghề về ngoại giao, kinh tế và chính trị. Vì vậy, hiện tại em đã dành nhiều thời gian học tiếng Anh.
Em Hoài Phương (Trường PTTH Nguyễn Gia Thiều, Long Biên, Hà Nội) thì yêu thích môn sinh học ngay từ cấp 2. Phương dự kiến sẽ theo học đuổi ngành nghiên cứu môi trường, sinh học, nhưng em bị mẹ phản đối kịch liệt. Mẹ em nói con gái nên chọn ngành nhẹ nhàng, dễ kiếm tiền như kinh doanh và không nên theo đuổi những ngành tự nhiên sẽ vất vả. Ðiều này ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng của em" khiến em băn khoăn: Liệu bản thân có thực sự phù hợp với nghề mình đam mê không? Liệu mình có thể trở thành một nhà nghiên cứu giỏi như các bạn nam giới không?
Tại Chương trình truyền thông thay đổi định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp “Nghề nghiệp là sự lựa chọn, không phụ thuộc giới tính” tổ chức tại Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Tường Lâm mong muốn, mỗi bạn học sinh, thanh niên được nâng cao về nhận thức, thể hiện vai trò của người trẻ trong việc lên tiếng, hành động để phá vỡ các định kiến kìm hãm sự phát triển, để tự tin lựa chọn ngành nghề mà bản thân mình mong muốn.
Thương (sinh viên Trường CÐ FPT Polytenic) tâm sự, với những hạn chế về sức khỏe của bản thân và điều kiện khó khăn của gia đình, em đã từng khá bi quan... Nhưng giờ đây, em rất tự hào khi trở thành người có thu nhập chính trong gia đình với vị trí công việc là trưởng nhóm phụ trách chỉnh sửa ảnh. Em cũng rất vinh dự khi được trở thành khách mời của Ðại sứ quán Mỹ tại Việt Nam với tư cách là nhân vật truyền cảm hứng để thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành CNTT nhân ngày Nữ giới trong ngành CNTT.
Thời gian vừa qua, công tác tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm được Đoàn thanh niên các cấp triển khai hiệu quả với hình thức đa dạng. Trong giai đoạn 2017 - 2022, toàn Đoàn đã tư vấn hướng nghiệp cho 12,8 triệu lượt thanh thiếu niên; giới thiệu việc làm cho hơn 3 triệu thanh niên.