Bén duyên với cà kheo
Bên trong góc nhà của chàng trai Rơ Châm Van (17 tuổi, lớp 12, Trường THPT Tôn Đức Thắng, huyện Đức Cơ)-người đoạt 2 huy chương vàng môn cà kheo nam cự ly 100 mét và 200 mét tại Hội thi Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh năm 2016 vừa qua là 4 cặp cà kheo được cất giữ cẩn thận. Cả 4 cặp cà kheo đều do Van tự tay làm nên em quý lắm. Van quả quyết: “Cà kheo của em làm rất đặc biệt, chúng bền và đẹp. Mỗi lần thi đấu chỉ cần dùng một đôi mà không sợ bị hỏng”. Đôi cà kheo đầu tiên của Van được một người chú làm tặng khi em đang học lớp 10. Khi ấy, em cũng bắt đầu lọt vào “mắt xanh” của những người làm thể thao huyện nhà.
Cùng nhau tập luyện trên đường làng. Ảnh: P.L |
Nhìn bảng thành tích 14,25s ở cự ly 100 mét và 28,99s ở cự ly 200 mét nam, không ai nghĩ Van chỉ mới làm quen với cà kheo vẻn vẹn được 3 năm. Ban đầu, Van cũng phải mất hơn 3 tháng mới có thể di chuyển thuần thục trên đôi cà kheo. “Mới đầu, em không biết làm sao để có thể điều khiển hài hòa tay và chân nên chỉ bước được một, hai bước là ngã. Dần dần, từng chút một, em đi thành thạo, rồi mới tập chạy, rồi tập kỹ thuật chạy nhanh hơn, dần dần thấy thích cà kheo từ lúc nào không hay”-Van chia sẻ. Đôi cà kheo của người chú tặng mặc dù rất có ý nghĩa với Van nhưng không phải là đôi cà kheo đúng chuẩn. Trong lúc thi đấu, Van đã mượn đôi cà kheo của đội bạn để quan sát, học hỏi. Sau đó, dựa trên kinh nghiệm, em tự mày mò thiết kế đôi cà kheo theo tiêu chuẩn của riêng mình.
Cầm đôi cà kheo trên tay, Van chỉ rõ: “Khâu chọn nguyên liệu để làm cà kheo phải thật kỹ càng. Tre phải già, thường là chặt vào cuối tháng. Cây tre nhẹ, chắc, phải để khô tuyệt đối, tránh ẩm mốc vì nếu không sẽ rất nhanh bị hỏng. Đôi cà kheo chuẩn là phải nhẹ, phần tay cầm nhỏ gọn giúp cầm giữ chắc chắn”.
Truyền “lửa” đam mê
Từ ngày Van biết đi và chạy cà kheo, cứ mỗi buổi chiều, em lại rủ đám trẻ nhỏ trong làng ra đường tập môn thể thao này. Lúc đầu, ai cũng ngại vì sợ ngã. Nhưng rồi Van động viên, làm mẫu, hướng dẫn tỉ mỉ, bây giờ hầu như đứa nhỏ nào cũng biết đi cà kheo thuần thục. Đáng kể hơn, nhiều em trong số đó cũng tham gia thi đấu và đạt thành tích cao.
Cô bé Rơ Châm Dác vừa tròn 10 tuổi, năm nay em đã lên lớp 4 nhưng lại có vóc người nhỏ nhắn của một em học sinh lớp 2. Trái với vẻ nhút nhát, rụt rè khi giao tiếp, Dác trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát như một con sóc khi đứng trên đôi cà kheo. Tại Hội thi Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh năm 2016 vừa rồi, Dác xuất sắc giành huy chương vàng ở nội dung 100 mét nữ và huy chương đồng ở nội dung 200 mét nữ. Dác tâm sự: “Em mất 3 tháng để làm quen với đôi cà kheo, lại thêm 1 năm để luyện tập thành thạo. Khi biết đi cà kheo rồi em thích lắm, hầu như ngày nào cũng lấy cà kheo ra đi để quen chân”.
Cậu em trai của Van là Rơ Châm Vá (11 tuổi) cũng được “truyền lửa” đam mê với đôi cà kheo. Nhìn thấy anh mình tập luyện, Vá cũng lén lấy trộm một đôi cà kheo ra để tập. Ban đầu do chưa biết cách đi nên Vá ngã liên tục. “Về sau, anh Van dạy em là phải kẹp chặt ngón chân vào cà kheo, khi tay đưa lên thì phải kết hợp đưa cả chân để giảm lực, từ đó bước đi dễ dàng”-Vá kể lại. Cùng yêu thích môn cà kheo và đạt thành tích cao trong làng còn có em Rơ Châm Kim (10 tuổi, 2 huy chương bạc 100 mét và 200 mét nữ), em Rơ Lan Hu (14 tuổi, huy chương đồng 100 mét nữ).
Khi được hỏi lý do vì sao lại dạy cho các bạn nhỏ trong làng đi cà kheo, Van vui vẻ nói: “Người lớn trong làng bây giờ cũng không còn đi cà kheo nữa. Việc tập luyện cùng nhau giúp tụi em có thêm sức khỏe, từ đó giúp gìn giữ nét văn hóa độc đáo của đồng bào mình”.
Anh Lê Văn Cương-cán bộ Văn hóa xã Ia Din (huyện Đức Cơ) nhận xét: “Các em nhỏ làng Blang rất yêu thích môn cà kheo và rất tích cực luyện tập. Các em cũng chính là hạt nhân của xã ở môn cà kheo mỗi khi lựa chọn vận động viên đi thi đấu ở các hội thao cấp huyện, tỉnh”.