Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Luật Bình đẳng giới góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội

 
Bước tiến của Việt Nam trong việc thực hiện bình đẳng giới
 
Qua 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới cho thấy, về cơ bản, các chủ trương,  chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác bình đẳng giới đã được thể chế hóa trong Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân triển khai các biện pháp tăng cường vai trò và sự tham gia của cả nam và nữ trong quá trình phát triển của đất nước. Nhiều quy định của Luật Bình đẳng giới đã được triển khai trong thực tế, đem lại kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua.
 
Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ có năng lực, uy tín tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực chính trị, giữ các cương vị cao trong các cơ quan của trung ương và địa phương. Trong lĩnh vực kinh tế, ngày càng có thêm phụ nữ làm chủ doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ có chiều hướng tăng từ năm 2009 tới nay. Các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ hiện nay đã có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ nữ trong thị trường lao động luôn đạt ngang bằng với nam giới. Trong 10 năm, tỷ lệ nữ lao động tham gia vào thị trường lao động luôn giữ ở mức ổn định 40-49%. Tỷ lệ học sinh nữ trong cấp học phổ thông trung học tăng. Tỷ lệ học sinh nữ tham gia giáo dục phổ thông có sự ổn định trong 10 năm qua. Tại cấp tiểu học và trung học cơ sở, học sinh nữ chiếm tỷ lệ 47-48%.
 
Chính sách cho phụ nữ tham gia văn hóa, thông tin, thể dục thể thao ngày càng được quan tâm hơn. Trong lĩnh vực thể dục thể thao, tỷ lệ các vận động viên nữ giành thứ hạng cao trong các giải quốc gia và quốc tế ngày càng cao dần qua từng năm. Các cơ quan chức năng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các vận động viên nữ tích cực tham gia các hoạt động thể thao trong nước và quốc tế.
 
Hệ thống chính sách pháp luật về bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm, hoàn thiện, trong đó có nhiều chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội. Nhận thức của bản thân phụ nữ về vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội đã có nhiều tiến bộ, nhất là nữ cán bộ, công chức, viên chức, nữ doanh nhân, nữ trí thức, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ.
 
Bình đẳng giới là một trong những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật và trong các Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Việt Nam là một trong những quốc gia sớm dành cho công tác bình đẳng giới những ưu tiên nhất định. Bên cạnh thực hiện bình đẳng giới trên lĩnh vực chính trị thì bình đẳng giới trong lao động cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Với thành tựu này, Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, một trong những nước có thành tựu về bình đẳng giới cao và được xếp vào nhóm nước có thành tựu bình đẳng giới tốt nhất khu vực Đông Nam Á. Điều này thể hiện bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong việc thực hiện bình đẳng giới.
 
Những thành tựu đã đạt được trong công tác bình đẳng giới của Việt Nam là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề đã và đang tồn tại là trở lực rất lớn cho công tác bình đẳng giới. Chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ cùng một vị trí công việc vẫn tồn tại, cơ hội để phụ nữ tiếp cận những việc làm có thu nhập cao vẫn thấp hơn so với nam giới, lao động nữ chưa được đánh giá cao như lao động nam, là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân lực. Đặc biệt là hiện nay, thu nhập bình quân của lao động nữ luôn thấp hơn nam giới.
 
Về chính trị - xã hội: Tỷ lệ nữ giới làm công tác quản lý, lãnh đạo tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với các vị trí quản lý, lãnh đạo nói chung, so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ nói riêng.
 
Trong gia đình, phụ nữ vẫn phải làm những công việc nội trợ là chủ yếu, vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, phụ nữ còn gặp phải những vấn đề khác như bạo lực gia đình, nạn nhân của buôn bán người, bóc lột lao động, xâm hại tình dục…


Nhận thức của bản thân phụ nữ về vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội đã có nhiều tiến bộ.
 
Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới
 
Chỉ khi thay đổi được nhận thức, xóa bỏ định kiến về giới thì mới thay đổi được cách hành xử. Chính vì vậy, cả nam và nữ đều phải thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến phân biệt giới và để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Cần tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh thực hiện các quy định của pháp luật, các chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới. Lồng ghép công tác bình đẳng giới vào nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị và chương trình phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, phân biệt giới để răn đe trong xã hội. 
 
Tích cực thu hẹp khoảng cách về giới tại nơi làm việc. Tuy pháp luật đã có quy định cụ thể về nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử dựa trên giới tính, nhưng cần bảo đảm cơ chế triển khai thực hiện các quy định này trên thực tế. Cần nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về lợi ích kinh tế và xã hội của bình đẳng giới và nhất là thay đổi tư duy của người sử dụng lao động nhằm xóa bỏ những định kiến và rào cản đối với cả nam và nữ.
 
Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có cơ chế giám sát các cơ sở lao động trong việc thực hiện chế độ thai sản, cung cấp và xã hội hóa các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc trẻ em để tạo điều kiện tốt nhất cho cả lao động nam và nữ, đảm bảo phụ nữ và nam giới được tạo cơ hội bình đẳng trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao tay nghề, trong bổ nhiệm, lương, thưởng, trong thi đua, khen thưởng…
 
Để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực, cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong tình hình mới, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân tại cộng đồng. 
 
 

 

Sơn Thành/GĐTE