Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Luật PPP: Cần minh bạch, hiệu quả, kiểm soát được rủi ro

(Dân sinh) - Tại phiên thảo luận về Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) ngày 19/11, nhiều đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm quy định nhằm kiểm soát những rủi ro trong hoạt động đầu tư theo đối tác công tư, đảm bảo quyền lợi cho người dân, không gây thiệt hại cho Nhà nước mà vẫn tạo ra được cạnh tranh lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư…

"Không thể để đối tượng gây thiệt hại tài sản của nhà nước và nhân dân mà vẫn bình an vô sự"

Thảo luận ở hội trường sáng nay, đa số đại biểu đánh giá đây là một chủ trương quan trọng, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, tạo nền tảng pháp lý vững chắc ổn định, góp phần làm minh bạch môi trường kinh doanh cũng như tạo cơ hội để thu hút các nguồn lực to lớn của tư nhân cho việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia trong thời gian tới.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), điều quan trọng hiện nay là làm sao để ban hành được một bộ luật với những điều khoản, quy định cụ thể, khoa học vì trong thời gian qua đã xảy ra nhiều bất cập trong hoạt động đầu tư theo hình thức này, điển hình như cách thức, thời gian và mức thu phí trong các dự án BOT  vẫn chưa xác định được rõ ràng; các công trình công sau khi đã khai thác xong và bàn giao nhưng không đảm bảo giá trị, thường xảy ra hư hỏng, mất giá trị.

Đại biểu cho rằng dự thảo Luật phải có những quy định rõ ràng, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, không gây thiệt hại cho Nhà nước mà vẫn tạo ra được sự cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả trong hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Nhà nước cũng cần có thu hút các nhà đầu tư.

Luật PPP: Cần minh bạch,  hiệu quả, kiểm soát được rủi ro - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, việc công khai, minh bạch, công tâm, không "sân sau", lợi ích nhóm là rất cần thiết trong dự luật

Đối với việc tthành lập Hội đồng thẩm định dự án, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, ngoài quyền lợi, phải tính đến trách nhiệm của mỗi thành viên Hội đồng để hạn chế việc dự án được thẩm duyệt, lại kém hiệu quả do yếu tố chủ quan.

"Không thể để đối tượng gây thiệt hại tài sản của nhà nước và nhân dân, mà vẫn bình an vô sự. Quyền lợi được hưởng, có sự cố lại không có trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu Hội đồng. Thực tế có không ít dự án đã gây thiệt hại cho Nhà nước mà người thẩm định lại vô can", ông Hòa chỉ rõ, đồng thời cũng yêu cầu làm rõ quy định Hội đồng được thuê tư vấn hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ thẩm định dự án. Bởi việc thuê tư vấn là cần thiết nhưng cần quy định rõ là Hội đồng thẩm định thuê hay cơ quan Nhà nước quản lý thuê để đảm bảo khách quan, phòng ngừa đơn vị tư vấn là "sân sau" của Hội đồng thẩm định.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, các dự án có hiệu quả hay không, công tác lựa chọn nhà đầu tư là tối quan trọng. Do đó, việc công khai, minh bạch, công tâm, không "sân sau", lợi ích nhóm là rất cần thiết trong dự luật. Trong đó, cần tách bạch rõ ràng, cụ thể vốn của Nhà nước và vốn của nhà đầu tư.

Kiểm soát rủi ro thông qua hoạt động kiểm toán

Băn khoăn về những rủi ro trong việc quản lý các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, nói đến PPP là nói đến hợp đồng, sự tự nguyện, hợp đồng kinh tế thỏa thuận giữa nhà nước và chủ đầu tư. Đó là cơ chế lời ăn lỗ chịu đúng theo nguyên tắc thị trường, trước khi ký kết hợp đồng, nhà đầu tư phải hình dung ra hai yếu tố là lợi nhuận và rủi ro, lợi nhuận càng lớn thì rủi ro càng cao.

Về việc dự thảo Luật cho phép chủ đầu tư tăng phí, tăng giá dịch vụ, cho phép nhà đầu tư kéo dài thời hạn thu phí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của ngươi dân. Bên cạnh đó, bà Mai cũng cho rằng, Nhà nước khi đưa ra quy định này thì cần xem xét phản ứng của người dân ở tại một số trạm thu phí đối với một số dự án PPP trong thời gian qua.

Luật PPP: Cần minh bạch,  hiệu quả, kiểm soát được rủi ro - Ảnh 2.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, cần xem xét phản ứng của người dân ở tại một số trạm thu phí đối với một số dự án PPP trong thời gian qua.

Đại biểu cũng lưu ý theo quy định tại dự thảo Luật, chưa đưa ra căn cứ, tiêu chí để xác định mức độ rủi ro hay xác định cơ quan có trách nhiệm xác định rủi ro.

Theo đại biểu, quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán đầu tư công mà không phải toàn bộ dự án cũng sẽ là nguyên nhân tạo ra bất cập vì không thể xác định toàn bộ rủi ro của dự án nếu chỉ kiểm toán một phần vốn dự án.

"Bộ Tài chính có phải là cơ quan chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực trong việc xác minh rủi ro không? Đây cũng là điều chưa được làm rõ", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh và nêu thực tế: Theo dự thảo Luật, trong trường hợp lợi nhuận tăng thêm, nhà đầu tư chia sẻ cho Nhà nước, nhưng 22 năm qua, kể từ khi áp dụng cơ chế PPP đến nay chưa có trường hợp nào nhà đầu tư chia sẻ lợi nhuận tăng thêm với Nhà nước, nhưng thực tế cũng cho thấy, Nhà nước vẫn đang chi trả những khoản nợ trong một số hợp đồng BOT.

Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cũng cho rằng, theo quy định trong dự thảo Luật, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán phần vốn của Nhà nước trong dự án như đầu tư các công trình phụ lợi, hỗ trợ tái định cư... là không hợp lý vì như vậy rất khó quản lý những rủi ro trong quá trình thực hiện dự án.

Bà Lan cho rằng, tài sản hình thành từ các dự án là tài sản công nên phải được quản lý, sử dụng, thanh tra, kiểm toán theo đúng quy định và phải thuộc phạm vi của Kiểm toán Nhà nước.

"Việc để Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ dự án PPP giúp cho Nhà nước có thêm kênh giám sát hiệu quả hơn và chắc chắn không làm ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư," bà Lan nhấn mạnh.