Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các doanh nghiệp tăng khoảng 10 - 15%

(Dân sinh) - Theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10-15% so với các tháng thông thường trong năm; lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tăng khoảng 5-10% so với năm trước. Bên cạnh đó, các sản phẩm thịt bò giá ổn định trong suốt cả năm 2020 và bắt đầu tăng nhẹ vào giữa tháng 1 năm 2021 do ảnh hưởng bởi giá thịt lợn và nhu cầu tăng.

Báo cáo nhanh chiều ngày 16/2 của Bộ Công Thương cho biết, ăm nay, các địa phương thực hiện Chương trình BOTT đã triển khai một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của địa phương bằng việc: mở rộng nhóm hàng hoá thuộc diện BOTT, thực hiện BOTT cả năm đối với một số hàng hoá thiết yếu trong danh mục của địa phương.

Cụ thể, như Bình Dương (thực hiện BOTT đối với mặt hàng giáo dục, sữa học đường, hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết); Lạng Sơn (ngoài những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, UBND chủ trương thực hiện BOTT đối với mặt hàng vật tư nông nghiệp)…

Theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10-15% so với các tháng thông thường trong năm; lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tăng khoảng 5-10% so với năm trước. 

Các mặt hàng dự trữ tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm, gạo, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... 

Giá bán hàng bình ổn được các doanh nghiệp cam kết giữ ổn định trong thời gian trước, trong và sau Tết và được niêm yết giá công khai. 

Hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc.

Đối với mặt hàng thịt lợn (mặt hàng có nhiều biến động và được quan tâm nhất trong giỏ thực phẩm năm nay), sau khi ổn định vào cuối năm 2020 đã tiếp tục có xu hướng tăng mạnh trong tháng 01 năm 2021. 

Tuy nhiên, ngay sau đó, giá mặt hàng thịt lợn đã giảm và ổn định trở lại do nguồn cung dồi dào, ổn định ngay cả trong những ngày sát Tết và ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, các sản phẩm thịt bò giá ổn định trong suốt cả năm 2020 và bắt đầu tăng nhẹ vào giữa tháng 1 năm 2021 do ảnh hưởng bởi giá thịt lợn và nhu cầu tăng. 

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy, giá các sản phẩm gia cầm ở mức thấp trong suốt năm 2020, chỉ tăng nhẹ trong đầu tháng 1/2021 và ổn định đến những ngày sát Tết do nguồn cung dồi dào, nhu cầu thấp. 

Trong những ngày gần Tết (từ 23 Tết) do các siêu thị tham gia chương trình bình ổn thị trường vẫn giữ giá ổn định và một số siêu thị có chương trình giảm giá bán thực phẩm tươi sống, thịt lợn đông lạnh vào những ngày gần Tết nên giá thịt gà, thịt bò chỉ tăng vào những ngày sát Tết tại các chợ truyền thống do sức mua tăng.

Các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết được lưu thông, phân phối thông qua các chợ truyền thống và các hệ thống phân phối hiện đại gồm 8.500 chợ, 1.084 siêu thị và khoảng 241 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi... 

Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện ích đã có những chương trình khuyến mại, giảm giá sâu dịp sát Tết với mục đích kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh thu nhập của người dân bị giảm và dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp.

Bộ Công Thương đánh giá, mặc dù nhiều địa phương chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng hóa trên thị trường vẫn dồi dào về số lượng, đa dạng về mẫu mã, chủng loại.

Các địa phương cũng đã làm tốt công tác vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt nên hàng Việt vẫn chiếm ưu thế trên thị trường, nhất là các mặt hàng thực phẩm, may mặc, đồ uống được người dân tin dùng.