Nếu tính theo khu vực, thu nhập bình quân của lao động thành thị là 5,25 triệu đồng/tháng.
Bức tranh về lương từ bản tin cập nhập thị trường lao động Việt Nam quý 2 do Bộ Lao động - thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, lương khu vực doanh nghiệp Nhà nước luôn cao nhất và có phần vượt doanh nghiệp FDI.
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương có mức cao nhất thuộc khu vực doanh nghiệp Nhà nước với mức 6,15 triệu đồng/người; đứng thứ hai là lao động thuộc khu vực doanh nghiệp FDI với mức 5,09 triệu đồng/người.
Lao động thuộc doanh nghiệp ngoài Nhà nước với mức hưởng lương tháng trung bình là 4,99 triệu đồng/người.
Mức thấp nhất là khối lao động làm việc ở khu vực hợp tác xã, chỉ 2,84 triệu đồng, và khu vực cá thể là 3,66 triệu đồng.
Nếu tính theo khu vực, thu nhập bình quân của lao động thành thị là 5,25 triệu đồng/tháng; lao động nông thôn thấp hơn đáng kể so với thành thị, chỉ đạt 3,84 triệu đồng/tháng.
Xét theo nghề, quý 2/2015 thu nhập bình quân tháng của nhóm “lãnh đạo” cao nhất (7,3 triệu đồng), tiếp đến là nhóm “chuyên môn kỹ thuật bậc cao” (6,5 triệu đồng), thấp nhất là nhóm “lao động giản đơn” (chỉ 3 triệu đồng).
Quý 2/2015 đã ghi nhận thu nhập bình quân/tháng (bao gồm tiền lương/tiền công, các khoản có tính chất lương và phúc lợi khác) từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 4,46 triệu đồng.
Phân chia theo giới tính, mức thu nhập bình quân của lao động nam là 4,7 triệu đồng/tháng; lao động nữ có thu nhập thấp hơn, chỉ đạt 4,13 triệu đồng/tháng.
Đáng chú ý, trong quý 2/2015, thu nhập bình quân tháng của lao động giảm 435 nghìn đồng (-8,9%).
Trong đó, thu nhập của lao động nữ giảm nhiều hơn nam, thành thị giảm nhiều hơn nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, lương quý 2 giảm so với lương quý 1 là do lương quý 1 có thưởng Tết. Ngoài ra, lao động dịch chuyển về nông thôn nhiều hơn (nhóm thu nhập thấp), khiến tổng bình quân lương cũng giảm theo.
Giải thích về lương của người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước cao, bà Hương cho rằng, những năm gần đây lương của doanh nghiệp Nhà nước đã vượt khu vực doanh nghiệp nước ngoài, do doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn.
Đồng thời, lao động làm trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước chủ yếu lao động có bằng cấp, tay nghề cao, doanh nghiệp đặt ở thành phố lớn nên lương cũng cao hơn.
Ngoài ra, tổng sản phẩm tăng nhờ Nhà nước tăng đầu tư, tăng giá sản phẩm… kéo theo lương tăng lên, dù chưa chắc hiệu quả đã tăng.