Đa số những người đang ở trong tình trạng hôn nhân bất hạnh đều cho rằng những đứa con sẽ rất khó khăn để đối diện với việc ly hôn của bố mẹ. Chính vì điều này, rất nhiều người đã chọn cách chấp nhận hôn nhân không hạnh phúc vì lợi ích của con cái.
Ảnh minh họa
Với những người phụ nữ có mặt trong buổi nói chuyện chia sẻ về chủ đề: “Ly hôn hay ở lại?” thì câu hỏi này đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực khi cuộc sống vợ chồng của họ bắt đầu có vấn đề.
Chồng chị Mỹ Hạnh (37 tuổi, ở quận Tây Hồ) là kỹ sư xây dựng và rất hay đi công tác xa nhà. Vì thế, anh hay có những mối quan hệ ngoài luồng. Anh còn tuyên bố thẳng với chị rằng: “Tôi không thay đổi được, cô chịu đựng được thì sống chung còn không thì ly hôn”. Vì còn hai đứa con, chị âm thầm chịu đựng để giữ cho con một mái nhà hạnh phúc. Tuy nhiên, chồng chị càng ngày càng xem thường vợ, cặp kè với bạn gái cũ. Chị Hạnh tìm chồng của cô ta để nói chuyện, nhờ anh ta khuyên vợ rời bỏ chồng của chị.
Chuyện đến tai chồng chị Hạnh, anh không sửa sai mà còn đánh vợ. Từ đó, chuỗi ngày sống trong bạo lực của chị Hạnh bắt đầu. Ngôi nhà từ bình yên trở thành sóng gió. Anh khó chịu vì nghĩ chị “giả vờ” cảm thấy bị tổn thương để dằn vặt anh, còn chị mãi lún sâu trong nỗi đau bị chồng ghét bỏ. Hai đứa con chứng kiến bố hành hung mẹ, trở nên sợ hãi, không dám đến gần bố. “Những hôm bố đi công tác có 3 mẹ con ở nhà với nhau, các con tôi thấy rất nhẹ nhõm. Còn khi bố về, chúng trở nên sợ sệt, hay cáu bẳn, không chịu ăn... Giờ đây, tôi không còn biết hạnh phúc là gì nữa, ngày nào tôi cũng đau đáu tự hỏi mình: Ly hôn hay là gắng gượng tiếp đây?”- chị Hạnh nói.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Ban Hùng, khách mời của buổi nói chuyện: “Chúng ta thường hay nói đến đức tính chịu đựng, hy sinh, nhẫn nại của thế hệ các bà, các mẹ. Giờ chúng ta phải thay đổi quan điểm đó. Phụ nữ ngày nay có năng lực, có khả năng tự chủ, độc lập cả về tình cảm và vật chất. Trong hôn nhân người vợ không nên chấp nhận thói gia trưởng, độc đoán và thiếu tôn trọng của người chồng.
Hôn nhân thường gắn liền với những đứa trẻ, vợ chồng phải có trách nhiệm với đứa con mình sinh ra. Thực tế, đa số phụ nữ đều không muốn con cái rơi vào bi kịch ly hôn, họ chọn cách ở lại cam chịu bất hạnh thay vì ly hôn. Nhưng nhiều khi sự cam chịu đó lại chỉ khiến tất cả mọi thành viên trong gia đình bất hạnh.
Tại buổi nói chuyện, chị Thùy Dương (40 tuổi, ở quận Ba Đình) đã chia sẻ câu chuyện đổ vỡ hôn nhân của mình và cách chị giữ gìn hình ảnh người bố tốt đẹp trong mắt cậu con trai 10 tuổi, dẫu giờ cả 3 người không còn sống chung trong một căn nhà, và chị đã có hạnh phúc mới. Chồng cũ chị Dương vì quá sa đà cá độ mà kinh tế gia đình trở nên kiệt quệ. Chị Dương trở thành trụ cột chính trong nhà, vừa lo kiếm tiền trả nợ cho chồng, vừa chăm sóc gia đình, con cái.
Tuy nhiên, những mệt mỏi, áp lực chị phải gánh chịu lại không được chồng thông cảm, động viên. Vì thế, khi khoản nợ được trả gần hết và đã quá mệt mỏi, chị chủ động làm đơn ly hôn chồng, giành quyền nuôi con. “Từ trước và sau khi ly hôn, tôi chưa bao giờ dùng lời lẽ xấu xa hay thậm tệ để nói về chồng cũ trước mặt con trai cả. Khi quyết định ly hôn, tôi nói rõ cho con hiểu hoàn cảnh của bố mẹ, rằng dù không còn ở chung nhưng bố mẹ vẫn yêu thương và quan tâm đến con. Vì thế, cháu hiểu và vẫn thương bố, đi chơi với bố. Sau một thời gian tự cân bằng lại bản thân, tôi cũng tìm được hạnh phúc mới và kết hôn lần nữa. Con trai tôi hiện giờ sống với mẹ và bố dượng, vẫn đều đặn gặp bố đẻ. Tôi nghĩ cháu đang thật sự vui vẻ vì chính chúng tôi, những người làm cha làm mẹ, dù hôn nhân không hòa thuận nhưng vẫn vui vẻ cùng nhau nghĩ cho con”.
Hôn nhân không thuận hòa, giải thoát cho nhau là điều chỉ có người trong cuộc mới thực sự hiểu được. “Dừng lại một cuộc hôn nhân không có nghĩa là dừng lại tất cả, chúng ta có thể bắt đầu một hành trình mới khi chúng ta cảm thấy sẵn sàng. Vì vậy, nếu phải ly hôn, hãy xem đó là một ngã rẽ chứ không phải là đường cùng của cuộc đời mình”, chuyên gia tâm lý Trần Ban Hùng tư vấn.
Theo Mai Chi/baophunuthudo.vn