Phiên tòa ly hôn kỳ lạ và hy hữu, phân xử chuyện ly hôn của đôi vợ chồng Đặng Văn Đó (sinh năm 1985) và Phạm Thị Lụa (sinh năm 1987, trú tại xã Đăk Rla, Đăk Mil, Đăk Nông) xảy ra cách đây ít lâu, đã khiến người dân ở Đăk Rla (Đăk Mil, Đăk Nông) bất ngờ.
Anh Đó - Chị Lụa
Bởi lẽ, đôi uyên ương ấy có thời gian yêu nhau tới gần 5 năm và phải trải qua sự ngăn cấm của hai bên gia đình, rồi mất một thời gian nữa mới làm được đám cưới với nhau. Thế nhưng, ở với nhau chưa “ấm hơi”, đôi vợ chồng này đã dẫn nhau ra tòa. Nguyên nhân của sự việc đáng buồn này là việc tranh giành giữ của hồi môn và thùng tiền cưới.
Anh Đó và chị Lụa trải qua 5 năm trời yêu nhau mới được làm đám cưới bởi gia đình chị Lụa không ưng chàng rể có “thành tích” bất hảo từ trong quá khứ. Mãi đến khi anh Đó có việc làm ổn định, lại thấy anh chân tình, đối xử tốt với con gái mình nên cha mẹ chị Lụa xuôi lòng, đồng ý cho hai người nên vợ nên chồng.
Đám cưới đơn sơ hạnh phúc được tổ chức trong sự chúc phúc của người thân và bạn bè. Thế nhưng, không ai ngờ được rằng, ngay sau bữa tiệc cưới đông vui ấy, hai người đã có một cuộc “khẩu chiến” để rồi đường ai nấy đi một cách chóng vánh.
Sau khi tiễn khách ra về, vợ chồng anh Đó, chị Lụa bắt đầu kiểm tiền mừng đám cưới. Đếm xong, chị Lụa bảo mình là vợ, "tay hòm chìa khóa" trong nhà thì để chị cất giữ số tài sản đó, đến lúc nào cần dùng, chị sẽ đưa ra. Anh Đó thì lại nói tính chị vốn không cẩn thận chuyện tiền bạc, nên để anh giữ cho chắc hơn. Hai người giành qua giành lại rồi xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Đỉnh điểm của sự việc là ngay trong đêm động phòng, chị Lụa đẩy chồng ra khỏi buồng rồi đóng cửa lại.
Nhiều ngày sau đó, hai người vẫn chưa giải quyết được chuyện ai nên giữ số tài sản này nên vẫn xích mích. Những người hàng xóm cho biết, nhiều lần họ thấy hai vợ chồng đánh chửi nhau ầm ĩ, có khi thì anh chồng tát vợ trước hiên nhà, có lúc lại thấy cô vợ cầm dao làm bếp đuổi chồng chạy khắp nhà.
Nhiều lần thấy sự việc quá nghiêm trọng, chính quyền thôn đã phải xuống can thiệp, hòa giải giữa đôi bên. Thế rồi bất ngờ họ lại dẫn nhau ra tòa ly hôn. Ngay cả lúc viết đơn ly hôn, hai người cũng dùng dằng đổ lỗi cho nhau, dùng dằng “nhường nhau” viết đơn. Cuối cùng, không ai chịu viết nên đành “thuê” một người đánh máy hộ.
Sau khi gửi đơn ly hôn đến cơ quan chức năng, hai vợ chồng tiếp tục hục hặc nhau. Mặc dù vẫn sống trong cùng một ngôi nhà, nhưng tất cả vật dụng đều được chia đôi. Cán bộ đến hòa giải, chị Lụa bộc bạch trong nỗi bức xúc: “Mâu thuẫn chỉ một phần, chúng tôi ly hôn là bởi anh ấy cứ giành giữ cái thùng tiền mừng cưới với tôi. Trong đám cưới, bạn bè anh ấy ai cũng nghèo nên đi mừng mỗi người có mấy trăm nghìn. Anh ấy lại hay có tính tiêu pha lung tung nên tôi sợ giữ tiền bạc thì sẽ tiêu hết. Đáng lẽ anh ấy là chồng phải để tôi giữ mới đúng!”.
Sau 4 lần hòa giải không thành, tòa chấp thuận cho hai người ly hôn. Tại phiên tòa hôm ấy, chị Lụa cho biết, từ lúc cưới nhau đến khi đưa nhau ra tòa, vợ chồng chị có ở chung nhưng không ngủ chung, ăn chung. “Bên ngoài chúng tôi là vợ chồng nhưng bên trong thì không phải, chúng tôi sống ly thân từ ngay ngày cưới rồi. Anh ấy ở một phòng, tôi ở một phòng, không ai nhìn mặt nhau”, chị Lụa nói.
Chủ tọa phiên tòa chia sẻ: “Nguyên nhân sự việc rất hy hữu nên tôi nghĩ mình cứ cố gắng thuyết phục, hàn gắn họ, bởi biết đâu những ngày đầu sống chung, họ còn bỡ ngỡ, chưa điều chỉnh được cái tôi của mình để cùng nhau hòa hợp. Cứ như thế, suốt 2 tháng thụ lý vụ án, hễ cầm tờ đơn ly hôn là tôi lại suy nghĩ, cân nhắc, phải làm sao cho hợp lý, hợp tình. Nhưng mỗi lần hòa giải, họ cứ nhất định nói tòa không cần hòa giải nữa mà xét xử cho nhanh. Đến khi đưa vụ án ra xét xử, tôi vẫn mong họ nghĩ lại, mỗi người nhường nhau một chút để hàn gắn, gìn giữ cuộc hôn nhân của mình. Nhưng với những gì diễn ra ở phiên tòa, tôi nghĩ bất kỳ thẩm phán nào cũng có cùng quyết định như tôi, cho họ ly hôn để giải phóng và giải thoát cho nhau!”.