Má Năm Tịch, quê ở Quảng Nam, lấy chồng Bình Định, năm 1959, gia đình má chuyển lên Đà Lạt. Má Năm có dáng người nhỏ nhắn, đã hơn 75 tuổi nhưng má vẫn còn khỏe mạnh và tháo vát. Má Năm kể: “Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, các anh chị em của má đều hướng về cách mạng. Má có một người anh là liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Quảng Trị. Khi vào Đà Lạt, má Năm định cư ở ấp Sào Nam (nay là khu Nam Hồ, phường 11, Đà Lạt). Ngày đó, Sào Nam là một trong những khu vực hoạt động sôi nổi nhất của cách mạng của tỉnh Tuyên Đức cũ, có rất rất nhiều chi bộ Đảng của cách mạng tại đây. Chính vì vậy mà địch bố trí lực lượng rất đông để kiểm soát tình hình. Ấp Sào Nam nằm cạnh một đồn cảnh sát dã chiến và một đồn quân của địch, mọi hoạt động của các chi bộ Đảng đều phải thực hiện rất cẩn mật và kín đáo. Mới chân ướt chân ráo đến đây nhưng má Năm đã thấm nhuần tư tưởng cách mạng và hết lòng vì lý tưởng má đã chọn. Má cho biết: “Hướng về cách mạng là con đường má quyết định lựa chọn. Chồng cũng theo cách mạng nên hai vợ chồng chung sức giúp đỡ lẫn nhau. Chồng má khi hoạt động bị địch bắt hai lần, sau giải phóng mới được thả ra”.
Má Năm tịch chỉ về khu vực má thường mang đồ tiếp tế cho bộ đội
Với uy tín của mình, má Năm đã được Đảng cấp trên đặt một chi bộ ngay trong gia đình. Lúc ấy má đảm nhận việc dò sát tình hình địch tại địa phương và tiếp tế cho bộ đội cách mạng. Sào Nam ngày ấy địch kiểm soát rất gắt gao, quân lính liên tục đi tuần, lựu đạn quân địch cài mọi nơi. Thế nhưng tất cả những thứ đó không làm nhụt chí được một phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng có tinh thần thép và anh dũng như má. Để tiếp tế cho quân cách mạng, má phải chấp nhận nhiều nguy hiểm. Má Năm ngụy trang bằng cách thường xuyên đem rau và một số thứ khác ra chợ Đà Lạt bán để che mắt quân địch, nhưng thực chất là để mua một số thứ tiếp tế như gạo, thực phẩm, thuốc men, quần áo… đem về nhà để chờ quân cách mạng đến lấy. Ngày ấy, quân cách mạng hoạt động chủ yếu trong những cánh rừng cách nhà má khá xa. Vì vậy, cách một thời gian thì mới có người đến lấy đồ tiếp tế. Để thông báo về tình hình hoạt động của quân địch, má đã xây trước nhà một cái am thờ để thắp đèn báo hiệu, tối nào đèn cũng được thắp sáng. Khi có thông tin quân cách mạng về lấy đồ tiếp tế tại nhà mình, má Năm lại báo hiệu bằng đèn, nếu đèn cháy lớn là có quân địch đang mai phục, còn đèn cháy nhỏ thì an toàn. Cách làm đó còn báo hiệu cho các tổ chức Đảng tại đây biết tình hình quân địch để hoạt động an toàn. Trong nhà má luôn có vài căn hầm bí mật để phục vụ cho quân cách mạng về trú ẩn nhằm đảm bảo an toàn. Đã có không biết bao nhiêu những chuyến hàng của má tiếp tế cho bộ đội cách mạng, má không thể nhớ hết được vì với má những việc đó là trách nhiệm đối với dân tộc. Má nói thêm: “Có những tết nhà nuôi được lợn thì cũng đem ra cho các chiến sĩ ta ăn tết, một số lần được vào rừng thăm anh em bộ đội thấy vui và xúc động lắm”. Khi chúng tôi hỏi khi làm những việc đó má có thấy sợ không? Má Năm tiếp lời: “Không thấy sợ là gì cả, mà nếu sợ thì sẽ không làm được. Lúc đó không nghĩ nhiều đến bản thân mà chỉ đến cách mạng, cách mạng thắng lợi thì mới có tự do, cuộc sống nhân dân mới được thay đổi”.
Một sự kiện nữa trong những ngày hoạt động má Năm Tịch cũng không thể quên là cuộc vượt ngục của 13 tù thiếu nhi yêu nước tại Trung tâm Cải huấn thiếu nhi Đà Lạt vào năm 1973 làm rúng động chính quyền địch. Lúc ấy, các tù thiếu nhi đến nhà má, ai cũng đói và rét. Biết là anh em tù thiếu nhi vượt ngục, má Năm phải lấy quần áo và nấu cơm cho tất cả mọi người cùng ăn. Thời điểm đó má Năm mới sinh con gái út được hơn một tháng, vẫn còn thời gian nằm cử. Thế nhưng má vẫn không ngại khó khăn và nguy hiểm để bảo vệ an toàn cho mọi người, thậm chí má còn cho tù vượt ngục nằm lánh nạn dưới giường của “bà đẻ” để tránh sự lục soát của bọn lính địch. Sau đó má đưa các anh em tù vượt ngục đi ẩn nấp an toàn và đi thông báo cho các chi bộ tại địa phương tiếp nhận tù thiếu nhi yêu nước vượt ngục. Sự che chở của má Năm góp phần làm nên thành công của cuộc vượt ngục có một không hai tại nhà lao thiếu nhi Đà Lạt lúc bấy giờ. Má là hiện thân của chủ nghĩa yêu nước với lòng gan dạ trước những hiểm nguy của quân địch. Má đã đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích của bản thân để kiên trung đấu tranh với quân địch. Dân tộc Việt Nam có truyền thống đấu tranh và không nhân nhượng với giặc. Má Năm cũng vậy, dù là thân phận phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng khi tổ quốc cần má sẵn sàng nhận nhiệm vụ và trong suốt quá trình đấu tranh với quân tù má Năm đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Má năm tịch và ông Đặng Ngọc Chúng - Tù thiếu nhi vượt ngục năm 1973 được má che chở
Cuộc đời hoạt động của má Năm tịch cũng trải qua nhiều chông gai, má phải đánh đổi cả sự nguy hiểm để phục vụ lý tưởng cho cách mạng. Phải đối mặt với nhiều thách thức của quân địch nhưng má đã vượt qua tất cả để hướng về Đảng, về cách mạng với một niềm tin mãnh liệt. Má đã rất khéo léo khi không để quân địch phát hiện ra hoạt động của mình. Má Năm chia sẻ thêm: “Cũng may mắn là trong thời gian hoạt động, có nhiều lần gặp nguy hiểm nhưng không bị quân địch phát hiện; chứ nếu bị lộ không biết bây giờ có còn được sống nữa không? Đất nước hòa bình thống nhất là niềm vui lớn nhất”. Má đang hòa niềm vui chung với đất nước ngày càng phát triển và đổi mới nhưng những tháng năm hoạt động cho cách mạng sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức của người phụ nữ đã hơn 40 năm tuổi Đảng.
Chia tay má Năm, khi trời đã xế bóng, Đà Lạt se lạnh, chúc cho má Năm có nhiều sức khỏe. Cuộc sống yên vui như hôm nay là nhờ một phần công sức của những người như má Năm Tịch.