Thực phẩm hữu cơ sạch đến mức nào?
Thực phẩm hữu cơ (Organic Foods) và thực phẩm tự nhiên (Natural Foods) được xem có thị trường tiềm năng, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo đó, các mô hình kinh doanh loại sản phẩm này (từ bán hàng online, đến đầu tư cửa hàng trực tiếp) xuất hiện ngày càng nhiều ở các thành phố lớn, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội. Hệ thống bán lẻ hiện đại như cửa hàng tiện lợi, siêu thị, đại siêu thị cũng xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm organic foods, song phần lớn lại là hàng nhập khẩu.
Được biết, rau, củ, quả hữu cơ, thực phẩm hữu cơ là những khái niệm mới về thực phẩm xanh, sạch, tốt cho sức khoẻ, bắt đầu tìm được “đất sống” khi hàng loạt thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng được phanh phui trong những năm gần đây. Cùng với sự phát triển nhanh của lĩnh vực này, cũng không ít loại thực phẩm “đội lốt” hữu cơ được bày bán trên thị trường đã tạo nên một ma trận thực phẩm đánh đố người tiêu dùng.
Các loại rau, củ hữu cơ được bàn bán trong siêu thị.
Khi nói đến thực phẩm Organic, nhiều người nghĩ ngay đến rau, củ, quả tươi sống nhưng hiện nay, nhiều mặt hàng đóng gói như gia vị, thực phẩm khô (ngũ cốc, bánh mỳ, các loại hạt...), thức uống (sữa, trà, cà phê, ca cao...), thực phẩm bổ sung (mật ong, thực phẩm chức năng...), mỹ phẩm (chăm sóc cơ thể, chăm sóc em bé, chăm sóc nhà...) cũng “hữu cơ” hóa, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng. Song điều đáng nói, dù có thế mạnh về nông nghiệp, sản phẩm chuẩn Organic “made in Vietnam” không có bao nhiêu.
Thống kê sơ bộ của một tạp chí về tiếp thị, hiện nay cả TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, cửa hàng kinh doanh thực phẩm Organic bài bản chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Song phần lớn sản phẩm đóng gói đều được nhập khẩu, kể cả rau, củ, quả.
Theo ông Bùi Thanh Giang, Phó giám đốc Công ty cổ phần Sữa Mỹ, đơn vị đang phân phối sữa Mỹ với chất lượng khoảng 70% Organic, hiện nay, các loại sữa nói riêng và thực phẩm Organic nói chung thì Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về số lượng. “Song qua quá trình tìm nguồn hàng sạch, tốt cho sức khoẻ với chất lượng khoảng 70% Organic trở lên từ thị trường Mỹ, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp sản xuất thực phẩm Organic Mỹ vẫn chưa mặn mòi với thị trường Việt Nam, dù Việt Nam đang có gần 100 triệu dân và đang được xem là “vùng đất hứa” của nhiều doanh nghiệp khối ngoại”, ông nói.
Lý giải thêm về điều này, ông Giang cho hay, hiện nay việc kinh doanh thực phẩm Organic không hề đơn giản. Nếu doanh nghiệp chỉ là nhà nhập khẩu và phân phối tại thị trường Việt Nam thì phải mất ít nhất từ 2 đến 3 năm đầu chịu lỗ để tìm thị trường, song vẫn chưa có gì chắc chắn sau thời gian này sẽ có lãi. Lợi nhuận đối với các mặt hàng Organic nhập khẩu, đơn cử như sữa mà Công ty CP Sữa Mỹ đang kinh doanh chỉ dao động từ 7% - 10%. Hầu hết sản phẩm mà doanh nghiệp nhập khẩu và chỉ dùng trong việc kiểm tra hiệu ứng thị trường từ NTD cũng phải mất tối thiểu 150.000USD - 200.000USD một lô hàng (tương đương 3,3 - 4,4 tỷ đồng). Đây được xem là khoản tiền doanh nghiệp phải chịu vì khi đưa hàng vào siêu thị hay cửa hàng tiện lợi, đại lý, doanh nghiệp đều phải cho gối đầu, trong khi nhập khẩu thì phải thanh toán đủ 100% cho nhà cung ứng ở Mỹ.
“Nhu cầu thực phẩm sạch là rất lớn, nhưng doanh nghiệp hay các nhà đầu tư muốn lấn sân ở lĩnh vực này, bắt buộc kinh doanh ít nhất từ bốn mặt hàng trở lên, đồng phải chấp nhận “chạy đường dài”, vì không thể có chuyện “ăn xổi ở thì” với việc kinh doanh thực phẩm Organic được”, ông Giang, khuyến cáo.
Nông sản sạch về cơ bản được tạm hiểu là sản phẩm không có phân bón hoá học, không có thuốc trừ sâu nên năng suất thấp, giá bán vì thế sẽ bị đội lên cao.
Người tiêu dùng chuyển sang thói quen sử dụng thực phẩm hữu cơ
Sử dụng thực phẩm hữu cơ là xu hướng mới của nhiều người tiêu dùng do chất lượng sản phẩm tốt, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Gần 2 tháng qua, chị Nguyễn Ngọc Hoa, ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) là khách hàng thường xuyên của cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ để lựa chọn những sản phẩm tốt nhất cho bữa ăn hàng ngày. Qua tìm hiểu chị được biết, thực phẩm hữu cơ là những sản phẩm an toàn vệ sinh không chứa các chất kích thích tăng trưởng hay tạo nạc, được nuôi hoàn toàn bằng thức ăn tự nhiên như: cám, gạo... chất lượng của thực phẩm hữu cơ cũng cao hơn sản phẩm thông thường khác...
“Cảm quan hàng hóa đã đem đến cho người tiêu dùng sự yên tâm. Thực phẩm qua sơ chế đẹp mắt, đảm bảo vệ sinh hơn so với việc mua các mặt hàng ngoài chợ vì được đóng gói cẩn thận và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trong quá trình chế biến, các sản phẩm thực phẩm như thịt không có bọt bẩn, khi nấu không có mùi kháng sinh. Đối với cá, thịt gà thịt dai và chắc nên nhiều người tiêu dùng rất hài lòng về chất lượng”, chị Hoa chia sẻ.
Thịt, cá hữu cơ được nhiều người lựa chọn.
Thực phẩm hữu cơ trên thị trường hiện nay rất đa dạng và có nhiều loại như rau, thịt gà, thịt lợn, giò, chả, cá... Qua khảo sát tại một số cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ, giá của loại thực phẩm này đắt gấp 2-3 lần so với giá của thực phẩm bán ngoài chợ hay trong siêu thị. Cụ thể, thịt gà 250.000 đồng/kg, cá thu 450.000 đồng/kg, tôm sú 580.000 đồng/kg, giò chả 250.000/kg...
Chị Nguyễn Ngọc San, chủ của chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ Clever Food tại Hà Nội cho biết, để có được thực phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn, từ khâu nuôi, chăm sóc đến khi giết mổ, bảo quản sẽ phức tạp hơn và mất nhiều thời gian so với thực phẩm thông thường (thời gian nuôi thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm mới được giết mổ). Các loại cá hữu cơ được đánh bắt tự nhiên tại đảo Phú Quốc, sông Lô, sông Đà... Trung bình mỗi ngày, hệ thống cửa hàng Clever Food có từ 150-200 lượt khách tới mua thực phẩm hữu cơ. “Khách hàng thường bị ảnh hưởng bởi tâm lý và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, khi sử dụng sản phẩm hữu cơ sẽ thấy khác biệt so với thực phẩm an toàn bởi độ ngọt, chắc, thơm của sản phẩm. Thời gian tới, xu hướng thực phẩm hữu cơ sẽ được khách hàng quan tâm nhiều hơn và người tiêu dùng sẽ hướng tới sự an toàn tuyệt đối hơn cho sức khỏe bằng cách lựa chọn các sản phẩm hữu cơ”, chị San cho biết.