Đây là ý kiến của bác sỹ Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tại hội thảo nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình "Vì ánh mắt trẻ thơ" do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (BTTE) Cty Prudential Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.
Xóa vùng trắng dịch vụ nhãn khoa
Là con một gia đình nghèo tại thôn Ngọc Long, xã Hồng Châu (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc), hai anh em Đặng Minh Đăng (SN 2010) và Đặng Tiến Thịnh (SN 2012) đều bị đục thủy tinh thể cả hai mắt. Hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn, bản thân người cha cũng bị đục thủy tinh thể, hai em không thể có kinh phí chữa bệnh mắt của mình. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ kinh phí và phẫu thuật kịp thời, hai bạn nhỏ đã có cơ hội lấy lại nguồn sáng, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Trường hợp của Đăng và Thịnh chỉ là một trong số hơn 600 em nhỏ được chương trình "Vì ánh mắt trẻ thơ" do Quỹ BTTE Việt Nam và Cty Prudential giúp đỡ hỗ trợ phẫu thuật mắt. Triển khai từ 3 năm qua, ý nghĩa nhân văn của hoạt động giúp phẫu thuật trẻ em bị dị tật về mắt thời gian qua đã được cộng đồng đánh giá cao.
Từ thực tế nhiều năm làm việc ở địa phương, bác sĩ Bùi Đức Thọ, Giám đốc Quỹ BTTE Quảng Ngãi cho biết, Chương trình mới dừng lại tại các trung tâm huyện lỵ, chưa triển khai rộng khắp tuyến cơ sở. "Đối với trẻ em của những gia đình nghèo, đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, việc chăm sóc mắt cho các em thực sự là “món quà xa xỉ” nên nhiều trẻ khuyết tật chưa được thăm khám, tư vấn. Bên cạnh đó, thiếu nhân lực y tế về mắt, nhiều trung tâm y tế huyện không có bác sĩ nhãn khoa cũng như có trang thiết bị và cơ sở vật chất, tạo nên những “vùng trắng” về dịch vụ nhãn khoa, khiến trẻ em khó có cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc mắt…", bác sĩ Thọ trăn trở.
Theo Phó Giám đốc Quỹ BTTE Việt Nam Lê Tuyết Mai, từ năm 2010 trở lại đây, số trẻ em tham gia chương trình phẫu thuật giảm dần do nhiều lý do. Một nguyên nhân trong đó là công tác khảo sát nhu cầu trẻ em chưa đầy đủ. Kinh phí hỗ trợ khảo sát còn hạn chế, cán bộ ở địa phương mỏng, kiêm nhiệm nhiều chương trình, chưa được tập huấn công tác tổ chức khám sàng lọc bệnh. Do đó, nhiều trẻ em vùng sâu, vùng xa chưa tiếp cận được với chương trình. Ngoài ra, chương trình chưa tuyên truyền nhiều nên ít gia đình trẻ em ở vùng sâu, vùng xa biết thông tin. Nhiều cơ sở y tế tại địa phương chưa đủ điều kiện phẫu thuật, dẫn đến việc phải đưa trẻ về các thành phố lớn phẫu thuật, gây tốn kém và vất vả cho trẻ em và gia đình.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp tặng quà cho trẻ em phẫu thuật mắt tại BV Mắt Trung ương
Cần sự chia sẻ của cộng đồng
Bác sỹ Nguyễn Ngọc Châu Trang, Trưởng khoa Nhãn nhi (Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh), từng 15 năm gắn bó với “Vì ánh mắt trẻ thơ”, cho biết, các phẫu thuật về mắt đã được thực hiện trong chương trình bao gồm các bệnh lý: Lé, sụp mi, đục thuỷ tinh thể, glaucoma, quặm, tắc lệ đạo, các dị tật bẩm sinh mí mắt, đặc biệt là u nguyên bào võng mạc. Thời gian gần đây, số các ca phẫu thuật của chương trình giảm về số lượng. Nhưng một thống kê về tình hình bệnh tật không ghi nhận giảm về số lượng bệnh nhân nhi mắc các bệnh về mắt ở trẻ em.
Lý giải thực trạng này, bác sĩ Trang cho rằng, có thể do công tác truyền thông đến cộng đồng chưa được sâu rộng, chưa có sự phối hợp tốt trong việc khám sàng lọc tại tuyến huyện. Ngoài ra, việc tổ chức cử người và bệnh nhân lên tuyến trên phẫu thuật chưa tốt. Cụ thể, một số bệnh nhân đã được khám sàng lọc bỏ hoặc từ chối điều trị với nhiều lý do kinh tế, như không có tiền ăn, ở...
Kết quả điều trị cao cho trẻ bị bệnh về mắt không chỉ có phẫu thuật mà cần phải có sự theo dõi lâu dài của các bác sĩ chuyên khoa qua các lần tái khám, xử lý kịp thời những biến chứng cũng như theo dõi sự phát triển thị lực, cùng sự phát triển toàn diện của trẻ.
Bác sỹ Hoàng Văn Tiến cho biết, một trong những định hướng đổi mới chương trình hỗ trợ “Vì ánh mắt trẻ thơ” là sẽ tập trung hỗ trợ trẻ em sau phẫu thuật, giúp phục hồi chức năng cho các em. Từ đó, hy vọng tạo chuyển hướng tích cực, giúp nhiều trẻ em thụ hưởng lợi ích từ chương trình.