Những năm gần đây, tại nhiều chợ và siêu thị trên địa bàn Hà Nội xuất hiện khá nhiều các cửa hàng trưng biển bán rau quả sạch phục vụ người tiêu dùng. Điều này phần nào đáp ứng nhu cầu kiếm tìm và săn lùng ráo riết rau quả sạch của người tiêu dùng, bởi ngày nay, hầu như tất cả các loại rau quả nói riêng và các sản phẩm cây trồng từ nông nghiệp nói chung, đều bị người nông dân chạy theo năng suất, lợi nhuận, khi họ sử dụng bừa bãi các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng vô cùng độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Hiện nay trên thị trường tràn ngập các loại rau quả “bẩn” nên người tiêu dùng, nhất là những gia đình có điều kiện về kinh tế, luôn hướng tiêu dùng tới các loại rau quả sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nhiều người chấp nhận mua rau quả sạch với giá đắt, thậm chí đắt hơn rau thông thường cả dăm, bảy lần giá tiền, miễn sao họ cảm thấy an tâm với bữa ăn gia đình. Chị Nguyễn Thị Lan ở ngõ 68, phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nhà chị rất gần chợ cóc, ở đây bán đủ loại rau quả được đưa sang từ huyện Đông Anh, Mê Linh... với giá rất rẻ. Tuy nhiên khoảng 5 năm nay, gia đình chị Lan không còn mua các loại rau trôi nổi, không rõ xuất xứ nguồn gốc ở chợ cóc nữa, mà chị luôn chọn mua rau tại siêu thị và các quầy rau sạch.
Tâm lý chung của nhiều người tiêu dùng hiện nay là tin tưởng gần như tuyệt đối vào chất lượng rau quả được bày bán tại các quầy, cửa hàng, cũng như ki ốt trong các siêu thị có trưng biển “rau sạch”. Bên cạnh đó, cũng có một số ít người còn đôi chút đắn đo ngờ vực về độ sạch thực sự của... rau sạch. Bởi, người dân chỉ nghe nói rau quả đó sạch và đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm qua lời người bán, hoặc với bằng chứng là tem dán trên từng mớ rau, nhưng người chịu trách nghiệm kiểm nghiệm rau quả là ai, họ có thực sự thường xuyên kiểm nghiệm, truy xét nguồn gốc xuất xứ thực tế của các loài rau quả nhập về hay không, thì hầu như chẳng người tiêu dùng nào có thể biết được! Chẳng vậy mà, như đã nói, vẫn còn có không ít người ngờ vực về độ sạch của rau quả, cũng như lương tâm, đạo đức của những cơ sở kinh doanh rau quả sạch.
Người tiêu dùng hiện đang có xu hướng tìm mua rau quả sạch để đảm bảo an toàn bữa ăn gia đình.
Trên thực tế, có rất nhiều các quầy, cửa hàng, thậm chí là cả các hệ thống siêu thị đã lợi dụng xu thế người tiêu dùng tìm đến với rau quả sạch ngày càng nhiều, nên vì đồng tiền, họ đã nhập về các loại rau bẩn, rau không an toàn với giá rẻ để gắn mác “sạch” nhằm trục lợi. Có thể dẫn chứng, Cty TNHH Sản xuất và Chế biến RAT Ba Chữ (Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) từng bị cơ quan chức năng phát hiện đã “treo đầu dê, bán thịt chó” khi nhập sản phẩm tại chợ đầu mối với giá rẻ để cung ứng cho các hệ thống siêu thị như: BigC, metro, lotte Mart... Sau khi vụ việc bị phát hiện, ngay lập tức các hệ thống siêu thị ngừng nhập và bán mặt hàng rau sạch của Cty này. Vụ việc làm ảnh hưởng đến uy tín của những người trồng rau sạch chân chính tại xã Vân Nội nói riêng, những vùng chuyên canh rau sạch nói chung, mà quan trọng hơn, còn làm giảm bớt niềm tin của người tiêu dùng đối với mặt hàng rau quả sạch. Một cửa hàng rau sạch tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) sau 3 năm làm ăn phát đạt, bỗng dưng cũng bị phát hiện cứ sáng sớm lại ra chợ đầu mối mua rau quả, mang về cửa hàng để gắn mác “sạch”. Không công bằng chút nào khi cũng loại rau đó bán ở ngoài chợ chỉ khoảng chục ngàn đồng/kg, nhưng khi nó “chui” vào cửa hàng và gắn mắc rau sạch, người tiêu dùng phải trả tiền đắt tới gấp 3, gấp 4 lần... Và quan trọng, bữa ăn của người tiêu dùng chưa hẳn đã an toàn.
Thực tế mập mờ rau quả bẩn- sạch đang đánh đố người tiêu dùng. Mong rằng cơ quan chức năng có một chế tài đủ mạnh và quy định kiểm nghiệm khắt khe, nghiêm túc, triệt để đối với các quầy, cửa hàng, cơ sở kinh doanh, buôn bán rau quả sạch, nhằm đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Nếu phát hiện những cơ sở nào trà trộn rau bẩn vào để bán thì phải phạt thật nặng, thậm chí có thể thu hồi giấy phép kinh doanh...