Để làm được điều này, Facebook đang hỗ trợ người dùng tìm hiểu thêm về vắc xin COVID-19 cũng như những thông tin liên quan đến thời gian, địa điểm tiêm chủng thông qua các nền tảng của mình theo một số cách sau:
● Trở thành một công cụ giúp mọi người cập nhật thông tin về thời gian, địa điểm tiêm chủng ngừa COVID-19
● Mở rộng Trung tâm Thông tin về virus corona (COVID-19) lên Instagram
● Mở rộng chatbot trên WhatsApp chính thức về COVID-19 để mọi người có thể đăng ký tiêm chủng với các cơ quan y tế và chính phủ
● Dán nhãn vào các bài đăng về vắc xin COVID-19, giúp hiển thị thêm thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới
● Tổng hợp những tin tức mới nhất về việc tiêm chủng ngừa COVID-19, nguyện vọng và quan ngại của mọi người về việc tiêm chủng để các cơ quan chức năng ra thông báo về việc triển khai tiêm vắc xin một cách công bằng.
Bằng cách hợp tác chặt chẽ với các cơ quan y tế quốc gia và toàn cầu, đồng thời tận dụng độ phủ sóng để nhanh chóng tiếp cận người dùng, Facebook đang thực hiện vai trò cập nhật những thông tin đáng tin cậy, hỗ trợ việc tiêm phòng nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người.
Giúp mọi người cập nhật thông tin về thời gian, địa điểm tiêm chủng
Facebook đã hợp tác với Bệnh viện Nhi đồng Boston để mang đến một công cụ trên Facebook ở Hoa Kỳ nhằm giúp người dùng xác định các địa điểm tiêm vắc-xin ở gần mình. Các vị trí trong công cụ này được cung cấp bởi VaccineFinder, bao gồm giờ hoạt động, thông tin liên hệ và đường link để đặt lịch hẹn. Người dùng có thể truy cập công cụ này trong Trung tâm Thông tin về virus corona với 71 ngôn ngữ khác nhau. Facebook cũng có kế hoạch mở rộng công cụ này tại các quốc gia khác khi vắc-xin được cung cấp rộng rãi hơn.
Ông John Brownstein, Giám đốc Thông tin của Bệnh viện Nhi đồng Boston cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với Facebook trong việc xây dựng các công cụ hỗ trợ người dùng tiếp cận với vắc-xin ngừa COVID-19. Tăng cường khả năng tiếp cận vắc xin một cách công bằng là một bước quan trọng để đạt được miễn dịch cộng đồng và chấm dứt đại dịch này.”
Kết nối mọi người với nguồn tài nguyên thông tin trên Instagram
Vào ngày 15/3, Facebook đã mở rộng Trung tâm Thông tin về virus corona trên Instagram toàn thế giới. Cổng thông tin này đã được ra mắt trong ứng dụng Facebook vào tháng 3 năm ngoái, giúp mọi người khám phá thông tin mới nhất về vi rút từ Bộ Y Tế của mỗi nước và Tổ chức Y tế Thế giới. Facebook cũng sẽ phát hành những nhãn dán mới cho Tin (Story) trên Instagram để khuyến khích mọi người tiêm vắc-xin khi có điều kiện.
Hợp tác với các Cơ quan Y tế và Chính phủ về đăng ký tiêm vắc-xin
Cho đến nay, 3 tỷ tin nhắn đã được các chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận và các tổ chức quốc tế gửi đến người dân thông qua chatbot WhatsApp chính thức về COVID-19. Facebook đã làm việc trực tiếp với các cơ quan y tế và chính phủ để khuyến khích mọi người đăng ký tiêm chủng:
● Tuần trước, thành phố và tỉnh Buenos Aires, Argentina thông báo sử dụng WhatsApp là kênh chính thức để gửi thông báo cho người dân khi đến lượt tiêm vắc xin.
● Brazil đang sử dụng một đường dây trợ giúp trên WhatsApp để cung cấp thông tin và hỗ trợ cho người dân ở Serrana, nơi các cơ quan y tế đang thử nghiệm dự án tiêm chủng hàng loạt đầu tiên tại nước này.
● Tại Indonesia, Bộ Y tế đã bắt đầu Giai đoạn II của đường dây trợ giúp đăng ký vắc xin qua WhatsApp, mở rộng việc đăng ký vắc xin cho những nhân viên tuyến đầu và người cao tuổi.
● Các chính phủ và cơ quan y tế khác trong đó có Nam Phi và Tổ chức Y tế Thế giới đang bắt đầu đưa thông tin cập nhật về vắc xin vào đường dây trợ giúp của mình.
Phổ biến những thông tin đáng tin cậy về sức khỏe từ các chuyên gia
Kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, Facebook đã hợp tác với các bộ y tế và các tổ chức về sức khỏe ở hơn 170 quốc gia thông qua việc cung cấp quảng cáo miễn phí, cho phép các đối tác chia sẻ những hướng dẫn giúp nâng cao sức khỏe cộng đồng để phòng ngừa bệnh dịch cũng như các thông tin về vắc-xin ngừa COVID -19.
Để hỗ trợ các nước đang phát triển và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như dân tộc thiểu số và người tị nạn, Facebook đã hợp tác với các tổ chức phi chính phủ địa phương và quốc tế, chẳng hạn như International Medical Corps, để cung cấp thông tin về COVID-19 phù hợp bằng ngôn ngữ tại địa phương.
Ngoài ra, Facebook cũng làm việc với các tổ chức quốc tế như Liên minh châu Âu và Liên minh châu Phi để hỗ trợ các động thái nhằm phòng chống COVID-19, chẳng hạn như giúp Nghị viện Châu Âu thực hiện một chiến dịch quảng cáo đa ngôn ngữ ở 27 quốc gia thành viên thông qua các video ngắn trên Facebook và Instagram. Trong vòng một tháng, chiến dịch đã giúp nâng cao nhận thức về dịch bệnh một cách đáng kể, với hơn 100 triệu lượt xem và gần 2 triệu lượt nhấp vào đường link trên tất cả các quốc gia thành viên.
Facebook hiện cũng đang hỗ trợ chiến dịch “Only Together” của Liên Hợp Quốc nhằm kêu gọi tiếp cận vắc xin COVID-19 một cách công bằng và bình đẳng trên khắp thế giới. Sắp tới, Facebook sẽ đưa ra các thông điệp với những thông tin hữu ích để quảng bá nội dung do các tổ chức y tế đang tham gia chiến dịch của Liên Hợp Quốc đăng tải.
Tuyên truyền những thông tin đáng tin cậy về vắc-xin COVID-19
Vào tháng 2, với sự tham vấn của các tổ chức y tế hàng đầu như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Facebook đã mở rộng danh sách các nhận định sai lệch về đại dịch sẽ bị xóa bỏ cũng như bổ sung thêm những nhận định về COVID-19 và vắc xin đã được lý giải gần đây. Kể từ khi đưa ra chính sách áp dụng cho cả nội dung cũ và mới, Facebook đã xóa thêm 2 triệu nội dung khỏi Facebook và Instagram, phần lớn trong số này đã được cảnh báo từ trước và hiện đã bị xóa khỏi nền tảng.
Ngoài ra, Facebook còn có kế hoạch gắn nhãn cho các bài đăng thảo luận về vắc xin trên Facebook và Instagram, cho thấy nỗ lực của mạng xã hội này trong việc xử lý tin giả về COVID-19. Các nhãn này chứa thông tin đáng tin cậy của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy sự an toàn của vắc xin COVID-19. Ví dụ, những bài đăng thảo luận về tính an toàn của vắc xin COVID-19 sẽ được dán nhãn với ghi chú về việc những liều thuốc này phải trải qua các cuộc kiểm tra đảm bảo tính hiệu quả trước khi được phê duyệt. Tính năng này sẽ ra mắt trên toàn cầu bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Indonesia, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ả Rập và tiếng Pháp. Facebook cũng sẽ bổ sung thêm các ngôn ngữ khác trong những tuần tới.
Trong thời gian tới, Facebook sẽ dán nhãn cho tất cả những bài đăng về vắc xin COVID-19 nói chung, hướng người dùng đến Trung tâm Thông tin về virus corona toàn cầu, cũng như thêm các nhãn dán mục tiêu vào các chủ đề phụ xoay quanh COVID-19. Facebook cũng sẽ thêm một màn hình bổ sung khi ai đó chia sẻ một bài đăng trên Facebook và Instagram với nhãn cung cấp thông tin vắc xin COVID-19. Người dùng sẽ hiểu rõ hơn tình hình vắc xin trong bối cảnh đại dịch và đưa ra quyết định có chia sẻ bài đăng hay không.
Tiếp nối nỗ lực tuyên truyền những thông tin đáng tin cậy về vắc xin COVID-19, một số biện pháp tạm thời mà Facebook đã áp dụng để hạn chế sự lây lan của thông tin sai lệch bao gồm:
● Giảm sự xuất hiện của:
○ Nội dung từ những người dùng đã vi phạm chính sách về COVID-19 và thông tin sai lệch về vắc xin hoặc đã nhiều lần chia sẻ nội dung bị xác nhận là Sai hoặc bị Chỉnh sửa bởi một đơn vị kiểm tra tính xác thực bên thứ ba.
○ Bất kỳ nội dung về COVID-19 hoặc vắc xin mà các đơn vị kiểm tra tính xác thực bên thứ ba đã đánh giá là “Thiếu bối cảnh”.
● Yêu cầu quản trị viên của các nhóm có quản trị viên hoặc thành viên vi phạm chính sách COVID-19 của Facebook tạm thời phê duyệt tất cả các bài đăng trong nhóm của họ.
● Tiếp tục tăng cường thông tin từ các nguồn xác thực khi người dùng tìm kiếm thông tin về COVID-19 hoặc vắc xin.
Hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc nắm bắt hành vi và xu hướng sử dụng vắc xin trên toàn thế giới
Facebook đã và đang cập nhật dữ liệu mới nhất và những thông tin chi tiết về thái độ của mọi người đối với vắc xin lên bản đồ COVID-19 và trang tổng quan của công cụ Data for Good. Những hình ảnh trực quan này được thiết kế để cung cấp thông tin cho việc thông báo và giám sát việc triển khai vắc xin ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trang tổng quan của công cụ được cập nhật liên tục với dữ liệu được thu thập bởi các đối tác của Facebook tại Đại học Carnegie Mellon và Đại học Maryland theo Khảo sát về các triệu chứng của COVID-19. Trên toàn cầu, hai lý do hàng đầu khiến nhiều người không có ý định tiêm chủng là do lo sợ về tác dụng phụ và chờ kiểm định tính an toàn của vắc xin. Facebook không thực hiện các cuộc khảo sát này cũng như thu thập câu trả lời của người tham gia khảo sát, mà chỉ có quyền truy cập vào các dữ liệu tổng hợp, công khai do các trường đại học cung cấp. Dữ liệu này có thể giúp định hướng cách tiếp cận dân chúng và các quyết định chính sách ở cấp khu vực.
Ra mắt Giao diện hiển thị trực tiếp tin tức về Vaccine COVID-19 với CrowdTangle
Giao diện hiển thị trực tiếp tin tức về COVID-19 của CrowdTangle sẽ hỗ trợ theo dõi và xác định cách mà thông tin về vắc xin COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội. Các cơ quan báo chí, tổ chức cứu trợ toàn cầu, nhà báo và những đối tượng khác đều có thể truy cập các luồng bài đăng liên quan đến vắc xin theo thời gian thực trên Facebook, Instagram và Reddit bằng 34 ngôn ngữ. CrowdTangle cũng cung cấp Giao diện hiển thị trực tiếp cho 104 quốc gia và cho tất cả 50 tiểu bang ở Hoa Kỳ để giúp các tổ chức viện trợ và nhà báo theo dõi xu hướng các bài đăng trong khu vực.
Phương Anh/GĐ&TE