Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mất hàng tỉ đồng vì kiểm dịch rườm rà

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN) nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (TACN) thì thủ tục kiểm ịch thực vật và kiểm tra chất lượng hiện còn rườm rà khiến DN bị thiệt hại nhiều. Có DN cho hay chi phí lưu container có khi lên tới chục tỉ đồng mỗi năm.

 

Ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình (Đồng Nai), bày tỏ bức xúc: DN ông cũng như các DN Việt khác nhập bã bắp (từ Mỹ) về làm nguyên liệu sản xuất TACN đắt hơn ở các DN nước khác 10 USD/tấn. Nguyên nhân là do phía cơ quan quản lý nước ta yêu cầu phải hun trùng bã bắp trước khi đóng container nhập về trong khi các nước khác không yêu cầu như vậy.

Mất cả tỉ đồng mỗi tháng

Theo ông Bình, ngoài việc phải mua giá đắt, các DN TACN phải chịu kiểm dịch hai lần: Thủ tục kiểm dịch thực vật của Cục Bảo vệ thực vật và kiểm tra chất lượng của Cục Chăn nuôi. Sự kiểm tra của cơ quan quản lý nước ta chặt chẽ quá mức khiến các DN nhập khẩu TACN trong nước thiệt hại nhiều do phải chịu chi phí lưu hàng tại cảng. Quy trình kiểm tra này mất rất nhiều thời gian, 7-10 ngày. Phí kiểm dịch không lớn nhưng phí lưu container tại cảng, bảo quản hàng hóa nhiều, mỗi tháng tốn cả tỉ đồng, mỗi năm mất cả chục tỉ đồng.

Thủ tục kiểm dịch thực vật và kiểm tra chất lượng rườm rà khiến các DN nhập khẩu thức ăn chăn nuôi bị thiệt hại nhiều. Ảnh: CTV

 

 “Việc kiểm dịch tại cảng mất thời gian dễ nảy sinh tiêu cực, DN muốn thông hàng nhanh lại bỏ phí “bôi trơn”, bồi dưỡng để được kiểm dịch nhanh, thông quan sớm. Dù biết kiểm dịch là theo thông lệ quốc tế nhưng cũng nên tùy mặt hàng để siết. Như bã bắp là loại nguyên liệu đã qua chế biến, hấp, nấu. Các DN xuất khẩu Mỹ cũng thắc mắc không hiểu tại sao loại nguyên liệu này thông lệ quốc tế không phải hun trùng, còn Việt Nam lại yêu cầu như thế. Về nước lại còn kiểm dịch, lại tốn chi phí. Nếu Việt Nam muốn hun trùng thì họ sẽ làm nhưng giá tăng lên 10 USD/tấn, không mua họ bán cho nước khác” - ông Bình kể.

Theo đại diện một nhà máy TACN tại Long An, nhiều ý kiến cho rằng DN ngành TACN có lợi nhuận lớn, giá tăng nhiều hơn giảm. Tuy nhiên, trong những năm ngành chăn nuôi lỗ lã cũng là những năm các DN TACN chịu chung cảnh lỗ. Chi phí nhập nguyên liệu lớn, thị trường thu hẹp, cạnh tranh với các DN nước ngoài trong khi giá TACN không thể tăng, tăng là mất khách hàng.

“Trong khi đó, việc kiểm tra, kiểm dịch nguyên liệu TACN nhập khẩu “bị siết” với tần suất kiểm 100% lô hàng. Phí kiểm vài triệu đồng một mẫu, kiểm toàn bộ lô hàng thì chi phí cũng không nhỏ đối với DN trong lúc khó khăn. Chắc chắn là cơ quan chức năng đã nắm rất rõ mặt mũi, thông tin các DN nhập khẩu TACN mấy năm nay. Nếu những DN làm tốt, uy tín thì nên giảm tần suất kiểm hoặc miễn kiểm đối với những DN này. Nếu giảm được các thủ tục, kiểm tra rườm rà thì giá TACN mới giảm được, còn càng khó khăn, DN cũng khó giảm giá, người chăn nuôi thiệt hại” - vị đại diện DN này chia sẻ.

Nên kiểm khi hàng về kho DN

Cục Bảo vệ thực vật phản hồi có tình trạng kiểm chặt chẽ như vậy là do phát hiện rất nhiều mọt (thuộc nhóm nguy hiểm loại 1) ở bột bã bắp nhập từ Mỹ trong những năm gần đây nên phải kiểm chặt và hun trùng.

Tuy nhiên, theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam, việc vi phạm chỉ diễn ra ở một số DN nhập khẩu TACN, không thể vì thế mà siết kiểm đối với toàn bộ DN khác. Những DN nào vi phạm thì tăng kiểm, yêu cầu hun trùng, còn những DN làm tốt không vi phạm thì nên hỗ trợ làm thủ tục thông quan nhanh cho họ. Ở các nước trên thế giới, họ tạo mọi điều kiện để DN thông quan đầu vào nhanh và kiểm chặt đầu ra hơn so với nước ta. Như ở Thái Lan, việc nhập khẩu nguyên liệu TACN rất thông thoáng, không có những yêu cầu hun trùng, kiểm 100% như Việt Nam. Việt Nam nên học các nước trên thế giới về cách làm này. Cụ thể, ở nước ngoài, hàng nhập khẩu về, cơ quan quản lý chỉ chú trọng đến công tác hậu kiểm, sau khi hàng hóa được thông quan về kho DN. Hàng hóa của DN sẽ được một đơn vị giám sát theo dõi chặt chẽ, niêm phong hàng hóa từ cảng về đến kho DN, bảo quản tốt và không phải chịu chi phí lưu bãi tại cảng. Còn ở ta, nhiều trường hợp hàng chờ, điều kiện bảo quản không tốt, hàng hư hỏng, DN chịu thiệt hại rất lớn.

Ông Lịch kiến nghị khi hàng về kho DN, các cơ quan chức năng đến lấy mẫu kiểm tra bình thường, các container hàng vẫn được niêm phong giám sát. Nếu DN nào vi phạm thì cơ quan chức năng xử lý nghiêm. Ở một số nước, DN vi phạm bị tạm ngừng hoặc không được nhập khẩu nữa.

 

Bốn tháng, chi hơn tỉ USD để nhập thức ăn chăn nuôi

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong bốn tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã chi hơn 1,1 tỉ USD để nhập khẩu TACN và nguyên liệu, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này là Argentina (chiếm 34% thị phần), tiếp đến là Mỹ (21%), Trung Quốc (7%)

Sẽ giảm 50% thời gian làm thủ tục

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát,trong năm 2015 sẽ giảm 50% thời gian làm thủ tục cho các DN nhập khẩu. Sắp tới Cục Chăn nuôi và Cục Bảo vệ thực vật sẽ tổ chức đối thoại với DN TACN về quy trình kiểm dịch nhập khẩu để tìm ra giải pháp tối ưu nhất theo hướng giảm tối thiểu về thời gian và chi phí cho DN.

Ông NGUYỄN XUÂN DƯƠNG, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Bộ NN&PTNT