Xung quanh hang đá là những cánh rừng già rậm rạp. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp gây hấn ở Nam bộ và nhanh chóng mở rộng chiến tranh ra các tỉnh Nam Trung bộ. Sau khi mặt trận Nha Trang bị vỡ, đầu tháng 2/1946, lực lượng cách mạng chủ yếu của Khánh Hòa đã rút lên vùng căn cứ này để tiếp tục chỉ đạo phong trào kháng chiến. Đến tháng 5/1950, nhận thấy hệ thống núi đá ở Đồng Bò có sức chống chọi mãnh liệt với quân địch, đồng thời có khả năng che chở bộ đội khá tốt nên Thị ủy Nha Trang quyết định chuyển cơ quan lãnh đạo về Đồng Bò. Một số địa điểm của căn cứ cách mạng được chọn làm chốt chỉ huy như: Đoạn suối Bãi Sậy, Xuân Hải, Bầu Sáu... Ngoài nhiệm vụ diệt ác, trừ gian, bảo vệ căn cứ, bộ đội ta đứng chân ở đây còn lập nên chiến công oanh liệt trong trận đốt kho xăng Phước Hải của địch (1/1954), thiêu cháy hơn 4 triệu lít xăng, góp phần đập tan chiến dịch Atland khi chúng tấn công ra các vùng tự do của Liên khu V. Là người sinh ra trong thời bình nhưng khi cùng một số lãnh đạo xã Phước Đồng thăm toàn bộ căn cứ này, chúng tôi vẫn không khỏi xúc động trước những di vật còn nguyên vẹn của những ngày kháng chiến gian khổ, anh hùng ấy: những cây gỗ lớn dùng làm cột chống hay bắc làm lối đi; những thớ gỗ bạt ra làm giường nằm trong lòng hang; những phiến đá dùng làm ghế ngồi, bàn viết; cối giã gạo; đường ống tre dẫn nước từ suối vào hang; những vệt khói trên vách đá; "nhà nuôi quân”... Và đây đó, trên vách đá, khe sâu trong hang đá lặng thầm kia vẫn còn cất giữ nhiều hiện vật vô giá khác: những cuốn sổ ghi chép, nhật ký, một bài văn, bài thơ khắc chạm trên vách đá. Đặc biệt, khi đi hết dãy đá chúng tôi còn bắt gặp trong hộc đá có một chiếc khăn tay thêu dở được gói kín nhiều lần trong túi nilông như một kỷ vật thiêng liêng của tình yêu thời chiến.
Hàng loạt hang đá độc đáo từng che chở bộ đội trong kháng chiến
Anh Nguyễn Thanh Quốc, cán bộ xã đội xã Phước Đồng, người dẫn đường cho chúng tôi trong cuộc hành trình xúc động kể: "Suốt gần 20 năm nay, tôi là người dẫn đường cho hàng triệu lượt khách và các cán bộ cách mạng về thăm lại chiến khu này. Mỗi chuyến dẫn đường đối với tôi là một lần xúc động, một lần được nhớ về công ơn và sự hy sinh thầm lặng của nhiều chiến sỹ đã ngã xuống tại đây”. Trong dãy liên hoàn của mật khu đá còn ghi dấu sự hy sinh thầm lặng của nữ chiến sỹ giao liên mang tên Nguyễn Thị Nhung. Vì điều kiện cách mạng chị đã phải sinh con trong hang đá. Đúng lúc đứa trẻ đang bệnh và khóc liên miên thì địch tổ chức một trận càn quét và bao vây. Để bảo vệ an toàn cho cả hang, nữ giao liên này đã dùng tay giữ chặt miệng con mình. Sau nhiều giờ bao vây, địch rút đi thì con của chị Nhung đã mất...
Khu lưu niệm của căn cứ Mật khu đá hàng
Theo hồ sơ lưu lại ở Bảo tàng Khánh Hòa thì: Sau phong trào Đồng Khởi, hầu hết các cơ quan của Thị ủy Nha Trang và Huyện ủy Vĩnh Xương đã cùng rút về căn cứ Đồng Bò. Từ đây, cùng với bộ đội đặc công của tỉnh, một số đơn vị của lực lượng quân sự địa phương ở Đồng Bò như: C.90, C.92b thường tổ chức pháo kích, tấn công những cứ điểm quan trọng của địch trong nội thị (như sân bay Nha Trang, Cảng quân sự Cầu Đá)... gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, một bộ phận của Trung đoàn Sao Thủy cũng về căn cứ Đồng Bò làm lễ xuất quân với lời thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” rồi tiến thẳng vào các mục tiêu quan trọng trong thành phố. Cũng tại căn cứ cách mạng Đồng Bò, giữa hang đá, ta đã hai lần tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ Vĩnh Trang (tiền thân của Đảng bộ thành phố Nha Trang). Tiếp đó, Đại hội lần II vào tháng 8/1968 và Đại hội lần III vào tháng 3/1970 cũng được tổ chức tại đây. Cuối năm 1970, tình thế có nhiều thay đổi, lực lượng cách mạng chuyển căn cứ về Suối Lùng hoạt động cho đến ngày giải phóng (2/4/1975).